Chuyện về những doanh nhân tỷ USD trên sàn chứng khoán Việt

(ĐTCK) Thị trường chứng khoán 2017 đóng cửa ghi nhận mức tăng kỷ lục của chỉ số VN-Index và sự bứt phá kinh ngạc trong tổng tài sản của những người giàu nhất thị trường khi khẩu vị tập trung vào những mã có vốn hóa thị trường lớn. Nếu như năm 2016, chỉ cần sở hữu tối thiểu 2.500 tỷ đồng là đã đủ để đứng trong Top 10 người giàu nhất thì sang năm 2017, tiêu chuẩn đã tăng gần gấp đôi lên 5.000 tỷ đồng.
Chuyện về những doanh nhân tỷ USD trên sàn chứng khoán Việt

Năm 2017, ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup trở lại vị trí quán quân trong bảng xếp hạng. Bên cạnh các dự án bất động sản đình đám trên thị trường, Vingroup tiếp tục có nhiều câu chuyện mới để kể về chuỗi cửa hàng Vinmart với con số 900 tính đến cuối năm 2017 và dự kiến tiếp tục tăng lên 1.500 trong năm 2018.

Đặc biệt, thương hiệu Vingroup nổi như cồn với sự kiện bắt tay vào làm ôtô mang tên Vinfast. Giấc mơ xe hơi luôn là niềm đau đáu và khát vọng của Việt Nam, bởi vậy một chiếc xe con của người Việt đã phần nào giải cơn khát ấy. Sự kiện này đã  tốn không ít giấy mực của giới truyền thông và mạng xã hội.

Trong Top 10 năm nay tiếp tục có tên vợ ông Phạm Nhật Vượng là bà Phạm Thu Hương và em gái vợ ông là bà Phạm Thu Hằng. Trong các câu chuyện bên lề với những doanh nhân thành công thuộc thế hệ F1 của Việt Nam, ông Vượng tuy ít tuổi hơn nhưng được họ công nhận, vị nể với những công trình, dự án đã làm được.

Bộ óc kinh doanh và tầm nhìn của ông cũng được giới chuyên gia có tầm ảnh hưởng quốc tế như Giáo sư Phan Văn Trường, cố vấn thương mại của Tổng thống Pháp đánh giá cao. Dù là doanh nhân tầm cỡ nhất Việt Nam, có thể thấy sự cầu thị học hỏi của ông Vượng khi ông sẵn sàng thuê bao một máy bay thương mại đưa rước chuyên gia từ nước ngoài về trao đổi với đội ngũ lãnh đạo cấp cao nhất của Vingroup và ngay sau đó áp dụng những khuyến nghị mà ông tâm đắc nhất.

Năm 2018, Vingroup tròn 25 năm thành lập. Trên chuyến xe của những người sáng lập ra Vingroup do Phạm Nhật Vượng cầm lái cách đây gần 25 năm, chắc hẳn không ai nghĩ, đến một lúc nào đó họ sẽ tạo dựng nên cơ ngơi hàng tỷ USD, tạo dựng nên những thương hiệu Việt tầm cỡ không chỉ trong nước mà nổi tiếng trên thế giới.

Vingroup ngày nay đã trở thành một tài sản lớn, một thương hiệu không phải của riêng Phạm Nhật Vượng hay các cổ đông của Tập đoàn, mà trở thành một niềm tự hào về thương hiệu Việt.

Câu chuyện về bà chủ hãng hàng không VietJet Nguyễn Thị Phương Thảo, nữ tỷ phú tự thân với khối tài sản trị giá 1,2 tỷ USD trên sàn chứng khoán Việt, cũng gây ấn tượng không kém.

Tại Diễn đàn CEO Summit APEC 2017 năm nay, bà Thảo để lại dấu ấn sắc nét bởi những câu trả lời dí dỏm, thông minh và tầm nhìn chiến lược khi cho biết sẽ phát triển Vietjet trở thành hãng hàng không tiêu dùng toàn cầu.

Ngoài cổ phiếu Vietjet tăng giá ấn tượng trong năm 2017, tới đây tổng tài sản của bà Thảo sẽ tiếp tục gia tăng mạnh khi HDBank niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM (HOSE). Nếu tính cả Tập đoàn Sovico mà vợ chồng bà đang chi phối, tổng tài sản của nữ tỷ phú này sẽ vượt hơn 2 tỷ USD.

Theo nguồn tin của Báo Đầu tư Chứng khoán, Sovico hiện đang theo đuổi một dự án M&A bom tấn trong lĩnh vực bất động sản tại Hà Nội khi thâu tóm ngược trở lại từ nhà đầu tư nước ngoài.

Trong Top 10 những doanh nhân thành công nhất trên thị trường năm nay, những gương mặt của năm ngoái như ông Trần Đình Long và vợ ông tiếp tục giữ vững thứ hạng. Danh sách còn có doanh nhân Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch Tập đoàn Novaland.

Doanh nhân có mức độ tăng trưởng tài sản lớn nhất là ông Hồ Xuân Năng, Chủ tịch Công ty cổ phần Vicostone. Đóng cửa phiên giao dịch cuối năm, VCS đạt thị giá 232.000 đồng/cổ phần, ghi danh là cổ phiếu có thị giá cao nhất sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội. Với lợi nhuận đạt trên 1.100 tỷ đồng, Vicostone gia nhập câu lạc bộ doanh nghiệp có lợi nhuận nghìn tỷ trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Hiện đứng thứ 4 trong làng sản xuất đá nhân tạo gốc thạch anh trên thế giới, tham vọng của doanh nhân Hồ Xuân Năng có lẽ là tiếp tục đưa doanh nghiệp chiếm lĩnh các vị trí cao hơn trong bảng xếp hạng, dựa trên nền tảng công nghệ và làm chủ bí quyết sản xuất. Sau khi thành công trong việc chinh phục thị trường thế giới, Vicostone đã bắt đầu triển khai chiến lược trở lại thị trường nội địa khi Việt Nam đã có nhu cầu không nhỏ cho các sản phẩm vật liệu xây dựng cao cấp.

Khi tập hợp danh sách 100 bộ óc kinh doanh vĩ đại nhất thế giới, bên cạnh những đo đếm định lượng về tài sản, Forbes đã chọn những người hành động thay vì nhà lý thuyết, doanh nhân táo bạo thay vì người thừa kế hoặc các CEO duy trì công ty.

Họ đánh giá cao những người tạo ra cái mới, có tầm ảnh hưởng toàn cầu lâu dài hoặc đổi mới những gì đã có. Điều này có nghĩa uy tín và cách làm giàu là tiêu chí quan trọng với các tổ chức xếp hạng lớn trên thế giới.

“Khi doanh nghiệp còn nhỏ thì tài sản thuộc về cá nhân, nhưng khi doanh nghiệp lớn lên thì tài sản ấy là của chung, của tất cả những người lao động, của toàn xã hội”, chia sẻ của Chủ tịch huyền thoại Tập đoàn Huyndai, ông Chung Ju Yung trong cuốn hồi ký nói về cuộc đời mình có lẽ đã phần nào thể hiện khát vọng của những người siêu giàu.

Nếu chỉ làm việc cho gia đình, cho cá nhân, có lẽ họ không cần nhiều nỗ lực như thế. Các doanh nhân sẽ tiếp tục thành công khi hành động với một tâm thế tạo ra nhiều giá trị tốt đẹp hơn cho xã hội.

Thủy Nguyễn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục