Từ trải nghiệm phong phú
Theo như lời kể của nhà giáo Lương Vĩnh Khang, khi đi học, ông không có năng khiếu và không thích môn Văn học. Ở bậc tiểu học, do hay ốm yếu nên sức học của ông chỉ ở mức trung bình. Tuy vậy, khi lên cấp hai, ông bộc lộ năng khiếu về môn Toán và Ngoại ngữ. Với ông, giải Toán là một niềm vui, đam mê, ông chinh phục nhiều cuộc thi lớn nhỏ ở địa phương và giành được nhiều giải cao.
Năm 1953 khi vừa tròn 20 tuổi ông tốt nghiệp Sư phạm cao cấp liên khu 4, tiền thân của Đại học Sư phạm Hà Nội hiện nay. Với danh hiệu thủ khoa Toán Lý, ông được bổ nhiệm lên Liên khu Việt Bắc dạy Toán ở trường cấp 3 Phổ thông Lương Ngọc Quyến tỉnh Thái Nguyên.
Cứ tưởng rằng con đường mà ông đi được lập trình sẽ là du học, lấy bằng tiến sĩ, trở thành nhà Toán học. Nhưng, cuộc đời đúng là có nhiều ngã rẽ, không ai biết được tương lai.
Nhận thấy trình độ và năng lực của ông, lãnh đạo đã giao cho ông các nhiệm vụ như cán bộ quản lý chuyên môn giáo dục và đoàn thể chính trị - xã hội. Năm 25 tuổi ông được bổ nhiệm là Phó Hiệu trưởng trường cấp 3 Phổ thông Lương Ngọc Quyến.
Về trường từ những ngày đầu còn khó khăn, trong 3 năm công tác tại đây ông đã nỗ lực không ngừng để dựng xây trường thành một cơ sở giáo dục nề nếp, chất lượng.
Khi đã hoàn thành sứ mệnh tại trường cấp 3 Phổ thông Lương Ngọc Quyến, hành trình của ông lại tiếp tục khi ông được lãnh đạo tín nhiệm cử sang làm chuyên gia giáo dục giúp phát triển, quản lý trường sư phạm Neo Lào Hắc xạt Trung ương của Pa thét, Lào.
Theo lời kể của ông Lương Vĩnh Khang, đi làm chuyên gia giáo dục tại Lào khi ấy được coi như đi chiến trường C vì ở đó có nội chiến và không quân Mỹ oanh tạc dữ dội, các cơ sở giáo dục phải dạy học, ăn ở trong hang núi khoét sâu.
5 năm nơi rừng sâu nước độc tại Lào khiến ông mắc nhiều bệnh hiểm nghèo như sốt rét, viêm gan, lách to, thấp khớp, buộc phải về nước điều trị.
Khi ra viện, sau một thời gian phục hồi ông lại được tín nhiệm giao giữ nhiều trọng trách như giảng dạy nghiên cứu tại Khoa Tâm lý học, Đại học Sư phạm Việt Bắc sơ tán trên rừng, mở trường Sư phạm C2, 10+3 rồi sau đó là Cao đẳng sư phạm Việt Bắc cho Bắc Thái.
Sau 18 năm công tác tại đây, nhà giáo dạn dày kinh nghiệm Lương Vĩnh Khang đã đào tạo đào tạo hàng vạn giáo viên cấp 2, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục các xã, huỵện, miền núi cho Việt Bắc và 2 tỉnh Thái Nguyên, Bắc Kạn.
Từ bỏ niềm đam mê và giấc mơ Toán học, ông vẫn giữ được niềm đam mê thứ hai là học Ngoại ngữ. Chàng trai giỏi Toán Lương Vĩnh Khang biết rất nhiều ngoại ngữ như tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Bồ Đào Nha, tiếng Lào, tiếng Thái lan. Ông ham thích và có những cách tự học rất độc đáo, hiệu quả và luôn tìm cách sử dụng chúng nên ít quên và làm được nhiều việc có ích.
Năm 1988 sau khi đi tham quan nghiên cứu ở Liên Xô cũ, ông đăng ký thi và đỗ kỳ thi tuyển chuyên gia châu Phi dạy trực tiếp bộ môn Tâm lý học Tại Thủ đô Luanda và thủ phủ Mbanza Congo.
Sau khi hết hợp đồng 3 năm, ông không nhận lời mời ở lại thêm vì tuổi tác và sức khỏe. Ông lại về công tác tại Đại học Sư phạm Việt Bắc ít năm rồi ông nghỉ hưu ở tuổi 60.
…Tới đam mê viết báo
Sau khi về hưu, ông có nhiều thời gian để tìm hiểu, nghiên cứu các cuốn sách hay, các tác phẩm báo chí nổi tiếng của thế giới. Và từ đây, tình yêu với nghề báo đến với ông thật tự nhiên.
Do trải qua nhiều cương vị công tác, được sinh sống tại nhiều nơi, trong nhiều môi trường nên kinh nghiệm sống của ông rất phong phú cùng nhiều kỉ niệm sâu sắc khó quên có thể làm đề tài cho những bài hồi ức hồi ký, truyện ngắn vui.
Bài báo đầu tiên là ông viết về “Chợ tỉnh Thanh” gửi cho Báo Thanh Hóa, sau đó liên tục là các bài viết chất lượng của ông gửi cho các tờ báo lớn như Báo Giáo dục và Thời đại, Báo Người cao tuổi, Báo Sức khỏe đời sống, Tạp chí Bệnh Viện, Tạp chí lịch sử “ Xưa và Nay” và đặc biệt là Báo An ninh thế giới, chuyên đề Văn nghệ Công an.
Nội dung các bài viết của tác giả Lương Vĩnh Khang gồm các bài dịch, biên soạn từ tiếng Pháp, tiếng Anh đã đăng tải trên báo chí nước ngoài. Chẳng hạn, các bài viết về căn bệnh của thời đại như béo phì ở trẻ em, bệnh đau khớp, bệnh loãng xương ở người già, chứng đau cơ bắp người lớn, giới thiệu các thức ăn đồ uống có lợi phù hợp với trẻ em, người cao tuổi.
Các bài viết ông gửi cho báo Giáo dục và Thời đại chủ yếu gồm các nội dung về kinh nghiệm giảng dạy, về các mối quan hệ thầy trò thiêng liêng mà bản thân ông đã đúc kết trong suốt nhiều năm làm nghề.
Với Báo An ninh thế giới, tác giả Lương Vĩnh Khang đã gửi đăng các bài nghiên cứu về khoa học như “Tại sao có động đất” soạn từ tài liệu của báo Pháp ngay sau khi có động đất tại Sơn La; riêng đối với chuyên đề Văn nghệ Công An, ông được đăng nhiều bài hơn cả vì đề tài có phong phú hơn.
Đó là các bài viết ghi lại hồi ức về Lào, về châu Phi nơi ông đã sống và làm việc không ít thời gian và có nhiều kỉ niệm như “Hương vị quê hương nơi xa xứ” kể về chiếc “Bánh đúc sắn” của Angola - món ăn quốc hồn, quốc túy của quốc gia này.
Hay bài viết “Trở lại Sầm nưa” kể chuyện về chuyến “hành hương” đầy cảm xúc của một số chuyên gia giáo dục trở lại viếng thăm các địa bàn công tác cũ, gặp gỡ những con người vốn là học sinh, sinh viên cũ của mình nay là những cán bộ cao cấp của đất nước Lào.
Ông cũng có bài viết kể các câu chuyện về Người thông gia- cha của con dâu thứ ba của ông- một vị “Tướng Ba sao” với nhan đề “Một vị Tướng giữa đời thường” được in trang trọng trên trang Nhất tờ Văn nghệ công an.
Loạt bài ông biên soạn và gửi đăng về “Vụ án GS. Servỉer”, Chủ tịch hãng dược danh tiếng Servier, Pháp phải ra hầu tòa, đối mặt với tội giết người và mất khoản tiền bồi thường lớn đã được cơ quan báo chí đánh giá rất cao.
Nội dung các bài viết nói về việc doanh nghiệp này đã cho ra đời thuốc chữa chứng béo phì, mỡ máu, giảm cân, tên biệt dược là MÉDIATOR. Sản phẩm được nhiều nước sử dụng nhưng sau ít năm đã gây thương vong cho hàng ngàn người sử dụng, chủ yếu là ở Pháp và châu Âu. Bài viết phản ánh thực tế đang diễn ra khi nhiều quốc gia đã có lệnh cấm, thì tại Việt Nam thuốc này vẫn được bày bán tại các hiệu thuốc.
Bài viết của ông còn trích đăng 9 quy định mới nhất về tổ chức, quản lý sản xuất, sử dụng thuốc của Bộ Y tế Pháp mà Việt Nam có thể tham khảo, vận dụng. Những bài viết của ông tác động lớn đến các động thái của cơ quan quản lý Việt Nam để giúp ngăn sản phẩm có hại này tới tay người tiêu dùng.
Khi được hỏi về niềm đam mê bất tận với nghề báo, ông Lương Vĩnh Khang cho hay, ông không cần danh hay lợi từ việc viết báo mà đó là sự thỏa mãn đam mê, được làm việc mình thích và cống hiến khi tuổi đã xế chiều.
Ông không muốn bỏ phí những kiến thức, kinh nghiệm cũng như trải nghiệm bản thân đã trải qua để chuyển tải thông tin tới cộng đồng.
Niềm vui nho nhỏ khi được nhận nhuận bút từ các cơ quan báo chí đã giúp ông mua được những cuốn sách quý, từ đó nâng cao thêm hiểu biết, cập nhật dòng chảy thời sự đang diễn ra.
Những đồng tiền nhuận bút đáng quý cộng với tiền lương hưu, tiền con cháu biếu dịp Lễ, Tết cũng giúp ông và vợ thành lập quỹ “Khuyến học gia đình” để động viên con cháu cố gắng học tập, trở thành người có ích.