Chuyện về “anh Hồ Giáo” trên TTCK

(ĐTCK-online) Năm 2008, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Dabaco Việt Nam (DBC) Nguyễn Như So được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới. Đây không chỉ là dấu ấn lớn trong cuộc đời Nguyễn Như So, mà còn là sự kiện đối với ngành chăn nuôi và sản xuất thức ăn chăn nuôi Việt Nam. Đã rất lâu mới có một cá nhân trong lĩnh vực nông nghiệp nhận danh hiệu Anh hùng Lao động kể từ thời anh Hồ Giáo. Và trong số những DN niêm yết trên TTCK hiện nay, không có nhiều CEO được nhận danh hiệu này.
Nguyễn Như So
Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Dabaco Việt Nam (DBC) Nguyễn Như So Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Dabaco Việt Nam (DBC)

Từ người lính đến sàn chứng khoán

Sau khi rời quân ngũ, năm 1998, Nguyễn Như So trở về làm việc Công ty Vật tư kỹ thuật nông nghiệp Hà Bắc. Với năng lực được chứng minh, anh lại được điều chuyển về Công ty Dâu tằm tơ Hà Bắc… để vực dậy DN này. Nói là vực dậy vì thời điểm ấy Công ty Dâu tằm tơ cũng… rỗng ruột như cái kén tằm. Anh So về làm giám đốc với "vốn liếng" gần như… tay trắng, vỏn vẹn vài tài sản cũ nát và hơn 30 cán bộ công nhân viên, hầu hết là người công tác lâu năm và lớn tuổi còn cố trụ lại chờ nghỉ chế độ. Nhiều sinh viên mới ra trường xin về chỉ được vài ngày lại rũ áo ra đi vì tương lai DN quá "mịt mờ". Chọn hướng phát triển nhà máy thức ăn chăn nuôi gia súc như mò kim đáy bể vì cả Công ty chưa ai có kinh nghiệm. Ban đầu, để có tiền trả lương cho công nhân, anh đành xoay xở chuyển hướng cho anh em đi bán thuốc trừ sâu, phân bón… "lấy ngắn cắn dài". Bản thân Nguyễn Như So lại "lọ mọ" đến nhiều công ty thức ăn gia súc lớn lúc đó như Pro Con Cò (Pháp), Hyđro (Thái Lan), Cargill (Mỹ)… "học mót" kinh nghiệm. Tìm hiểu thị trường thức ăn chăn nuôi, anh sững sờ phát hiện ra nghịch lý: một đất nước có hơn 80% nông dân mà lúc đó, nước ta hầu như không sản xuất được thức ăn chăn nuôi, để thức ăn ngoại làm mưa, làm gió trên thị trường. Người ta làm được, tại sao mình không làm được? Nhưng nói thì dễ. Còn để có được dự án nhà máy thức ăn chăn nuôi đầu tiên ở Bắc Ninh là cả một quá trình người giám đốc này phải gõ cửa nhiều nhà khoa học, về nhiều vùng nông thôn, sục sạo vào các chuồng gà, chuồng lợn… tìm hiểu. Mày mò mãi, có những đêm Nguyễn Như So thức trắng cùng đội ngũ kỹ thuật nghiên cứu màu sắc, mùi vị của từng loại thức ăn, rồi thiết kế mẫu mã, bao bì.

Cuối năm 1996, nhà máy thức ăn chăn nuôi ở Bắc Ninh ra đời, cũng là một trong những "nhà máy thức ăn chăn nuôi nội" đầu tiên ở Việt Nam. Nhờ gắn bó với nông dân mà sản phẩm "thức ăn ông So" được bà con tin cậy, sau 1 năm nhà máy đã chạy hết công suất 10.000 tấn/năm và liên tục "tăng tốc". Năm 1998, Công ty mở thêm nhà máy, năm 2001 tăng công suất lên 25.000 tấn/năm. Không chỉ nông dân Bắc Ninh mà từ Hải Dương, Thái Bình, Thanh Hoá đến Nghệ An… nhanh chóng "khoái" dùng "thức ăn chăn nuôi ông So".

Sang năm 2002, Nguyễn Như So lại có một quyết định gây sốc: mở thêm một nhà máy với công suất cao gấp 10 lần trước đó: 200.000 tấn/năm, trở thành một trong những nhà máy thức ăn chăn nuôi hiện đại nhất Việt Nam . Tuy công suất được đẩy lên rất nhanh, nhưng với hệ thống tiêu thu phủ kín các tỉnh phía Bắc và miền Trung, nhiều lúc Công ty vẫn không đủ hàng để cung cấp cho các đại lý. Không chỉ làm thức ăn cho gia súc, gia cầm, năm 2006, anh quyết định đầu tư xây dựng Nhà máy Chế biến thức ăn chăn nuôi thuỷ sản công nghiệp cao cấp Kinh Bắc với công suất 25.000 tấn/năm. Nhà máy sau gần 1 năm đã hoạt động hết công suất, góp phần quan trọng nâng cao nhận thức của nông dân, thay đổi cơ cấu nuôi trồng thuỷ sản của nhiều địa phương. Vào miền Nam khảo sát thị trường, thấy người dân miền Tây không chỉ phải vật lộn với sông nước mà còn phải "tự bơi" tìm nguồn thức ăn chăn nuôi ngoại, anh quyết định triển khai dự án DABACO Sông Hậu, đưa sản phẩm thức ăn chăn nuôi vào khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Thị trường thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm, thuỷ hải sản khu vực miền Nam từ chỗ bỏ trống cho "người ngoài" mặc sức tung hoành, đã có thêm hai Nhà máy DABACO Đồng Tháp 20 tấn/giờ và DABACO Sông Tiền (Tiền Giang) 10 tấn/giờ…

Một bước ngoặt đối với Công ty khi CTCP Nông sản Bắc Ninh (DBC) quyết định trở thành công ty đại chúng vào năm 2005. Nhận thức được những lợi ích từ việc tham gia TTCK, năm 2008, DBC đã quyết định niêm yết cổ phiếu trên Sở GDCK Hà Nội. Trên thực tế, việc niêm yết đã tiếp thêm nhiều sức mạnh cho DBC. DN liên tục tăng vốn, nâng cao năng lực tài chính để tham gia lĩnh vực bất động sản. Tổng quỹ đất xây dựng khu công nghiệp, khu dân cư, thương mại mà DBC làm chủ đầu tư tại Bắc Ninh và một số địa phương khác hiện đã lên đến 1.000 héc-ta.

 

Cuộc chiến thứ 3

Với tác phong rất dân dã, gặp lần đầu, ít ai biết Nguyễn Như So có sự hiểu biết khá sâu về TTCK. "Nhiều người lo lắng khi niêm yết thì phải công bố thông tin và lộ bí quyết kinh doanh. Nhưng tôi cho rằng, bí quyết nằm ở bàn tay khối óc các kỹ sư, công nhân và hoạt động quản trị DN, chứ không phải ở việc công khai, minh bạch các con số tài chính", anh So nói.  Theo anh, khi làm lãnh đạo một DN niêm yết thì cá nhân người giám đốc và ban lãnh đạo luôn chịu áp lực giám sát của các cổ đông, của cơ quan quản lý và xã hội; áp lực phải nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh nhằm duy trì tăng trưởng DN và tăng giá cổ phiếu trên sàn.

Nói về ý nghĩa khi tham gia TTCK, anh So đánh giá cao vai trò huy động vốn, nhưng với anh, tiêu chuẩn về sự minh bạch lại là quan trọng nhất. Là công ty niêm yết, không chỉ HĐQT mà bản thân cán bộ nhân viên công ty cũng phải nâng cao ý thức trách nhiệm trong mỗi công việc của mình. Tên tuổi được quảng bá qua TTCK cũng là cái được của các DN niêm yết. Anh kiến nghị UBCK, các Sở GDCK cần có kế hoạch hỗ trợ DN niêm yết trong việc đào tạo kiến thức, kỹ năng về quản trị công ty. Bên cạnh đó, cần cải tiến thủ tục, rút ngắn thời gian cấp các loại giấy phép đối với DN niêm yết.

"Năm 2010 là năm khó khăn của nền kinh tế nhưng với DBC lại là năm thành công nhất trong 15 năm qua. Không chỉ tăng vốn thành công, DN còn đảm bảo mức lợi nhuận 180 tỷ đồng trên vốn điều lệ trên 420 tỷ đồng. Tôi cho rằng, không chỉ trong giai đoạn hậu khủng hoảng mà trên thương trường, khó khăn luôn hiện hữu. Vấn đề là trong những khó khăn chung thì mỗi DN cần biết cách tìm ra thuận lợi riêng để vươn lên", anh So tin tưởng.

Bước sang thị trường bất động sản - một lĩnh vực hoàn toàn mới - là một thử thách không nhỏ với Nguyễn Như So. Từ đời binh nghiệp (cuộc chiến thứ nhất) về lèo lái một DN nhà nước làm ăn thua lỗ (cuộc chiến thứ 2) và hiện tại mở rộng sang kinh doanh bất động sản trên cương vị CEO một công ty niêm yết (cuộc chiến thứ 3), sức ép với Nguyễn Như So là không nhỏ. Nhưng vị giám đốc anh hùng này tin tưởng, với cách làm minh bạch, cầu thị, trách nhiệm cao nhất, những thành quả trong lĩnh vực này sẽ đến với Công ty và NĐT trong tương lai không xa.

Nguyên Thành
Nguyên Thành

Tin cùng chuyên mục