Chuyện tình Chứng & Khoán

(ĐTCK) Sau khi vợ chồng Chứng - Khoán bị bắt, con cháu bơ vơ, nheo nhóc. Một bọn cơ hội, tạm đặt tên là “Hội bán khống” cũng nhân đó dậu đổ bìm leo.
Chuyện tình Chứng & Khoán

Đã lâu lắm rồi, không rõ ở vùng nào, một phú ông có cô con gái tên Khoán đã đến tuổi gả chồng. Phú ông kén rể rất lạ: Ai mà chăn con cóc không nhảy ra khỏi đĩa trong một tuần hương thì người đó sẽ được làm rể.

Đã có nhiều người trong vùng đến thử tài nhưng đều thua cuộc.

Một dịp, có chàng trai tên Chứng đến làm công cho phú ông. Chàng trai khỏe mạnh, lại thông minh nên con gái phú ông yêu mến lắm…

Ngày kia, phú ông lại tổ chức kén rể. Hôm thi tài, thấy chàng trai làm công tham dự, phú ông lên mặt bảo:

- Mày thi không được thì công mày làm lâu nay không được tính, rõ chưa!

Chứng mới hỏi lại:

- Thế nếu con thi mà thành thì ông tính thế nào?

Trước nhiều người, phú ông không thể nói khác, bèn cao giọng:

- Thì mày lấy con gái ông, ông còn nhường cả tài sản cho mày.

Cuộc thi diễn ra thật hấp dẫn. Phú ông sai con gái đem ra một lồng cóc thả vào đĩa. Các ứng viên, mỗi người một cái que mà chăn. Que thì bé, đĩa thì nông, nên thoắt một cái, nó nhảy ra khỏi đĩa. Đã có đến mười người thi đều thất bại. Đến lượt Chứng thì trong lồng chỉ còn con cóc cuối cùng. Lạ thay, khi được bỏ vào đĩa, cóc ngồi lim dim, chốc chốc lại gật gù có vẻ khoái trá lắm! 

Đã trót mạnh mồm, phú ông buộc phải ngậm bồ hòn làm ngọt, nhưng trong bụng suy nghĩ lung lắm: quái lạ, cóc có phải nắm xôi đâu mà ngồi im như thóc thế nhỉ? 

Dân làng cũng lấy đó làm sự lạ mà bàn tán mãi không thôi. Chỉ có Chứng và Khoán là nháy mắt nhìn nhau. Hóa ra, trước khi đem lồng cóc ra, Khoán đã nhét vào miệng một con mấy vê thuốc lào. Cóc say thuốc “tự phê” trong đĩa, mắt chớp chớp, miệng đớp đớp y như cái anh gì ngồi múa trong xe ô tô mà dân tình bàn tán vừa rồi.

Những bài học rút ra từ câu chuyện này: Thứ nhất, trong các chuyện cổ tích, tất cả những người nghèo đều… giỏi. Địa chủ, phú ông, quan lại… thi thố gì đều mắc lỡm họ cả (chả hiểu tại sao, họ giỏi mà cứ nghèo?). Thứ hai, những người nghèo này rất hay kiếm được món thừa kế rất sộp. Thứ ba, làm gì thì làm, muốn chắc thành công thì phải có… tay trong!

Và như mọi câu chuyện khác, chàng trai nghèo và con gái phú ông nên vợ nên chồng, tiếp quản tài sản của bố vợ rồi đẻ ra một lũ con cháu lít nhít… Nhưng câu chuyện chưa dừng lại ở đây. Một ngày, vùng ấy bị tấn công. Lực lượng này sử dụng toàn… xe Tăng. Những chiếc xe Tăng cực kỳ hiện đại: loại xe Tăng chạy bằng Xăng gọi là Xăng Tăng; xe Tăng chạy bằng dầu gọi là Dầu Tăng; rồi thì Điện Tăng, Gas Tăng, Vàng Tăng… vân vân và vân vân...

Như thường lệ, sau những choáng váng ban đầu, dân làng đào hầm vót chông, sôi sục chống Tăng. Ngay cả kế sách vườn không nhà trống (không ăn gì) cũng được đem ra sử dụng. Nhưng đói quá không chịu nổi nên kế này đành bỏ…

Lại nói đến gia đình Chứng - Khoán. Từ khi được tiếp quản tài sản của phú ông thì ruộng cả ao liền, trâu bò dê chó cứ tự nảy nở sinh sôi. Vợ chồng con cái đêm lướt sàn vàng, ngày lên sàn chứng, cuộc sống êm ả trôi qua trong bạc tiền… Nhưng cũng từ đó mà sinh ra chơi bời vô độ, nên chân teo bụng ỏng, mắt mũi mờ đục. Ngày trước, thị lực còn nhìn được ba bốn chục mét, nay tầm nhìn xa chỉ… T+3, T+4 mét là cùng!      

Chính vì mắt kém, nên gặp trận càn của bọn Tăng, vợ chồng bị bắt đầu tiên. Nhiều người như anh em nhà Nhỏ - Lẻ, vợ chồng Tiết - Kiệm, hay cả mấy cậu ngoại quốc ngụ cư, cũng vì tình làng nghĩa xóm mà xông ra giải cứu. Nhưng đã chả cứu được mà lại còn bị bắt làm con tin.

Sau khi vợ chồng Chứng - Khoán bị bắt, con cháu bơ vơ, nheo nhóc. Một bọn cơ hội, tạm đặt tên là “Hội bán khống” cũng nhân đó dậu đổ bìm leo. Chúng lý sự rằng, của cải trước đây chả phải Chứng - Khoán tự làm ra mà là lấy của phú ông, còn phú ông cũng cướp của dân nghèo. Nên giờ chúng chỉ làm cái việc phân phối lại, giúp “xì hơi” một quả bong bóng sắp vỡ mà thôi!

Mặc cho dân làng phản đối, bọn bán khống vẫn trơ trơ. Lấy mãi quen tay, nên chẳng cứ tài sản nhà Chứng - Khoán mà chúng còn phạm cả sang nhà Địa - Ốc, Vàng - Đô… Mèo già hóa cáo, chúng còn nghĩ ra đến lắm mẹo mực để qua mặt dân làng. Cứ một bọn lại có một “kho hàng” ở những nơi kín đáo để oa trữ của gian…

Nhưng con giun xéo lắm cũng quằn, vừa rồi các cụ cao niên trong làng đã nhóm họp và lập ra một… hương ước. “Lệ làng” ghi rõ, từ nay “yêu cầu” và “khuyến cáo” những kẻ bán khống phải nghiêm chỉnh, “cảnh báo” nếu phát hiện sai phạm nặng có thể gô cổ giải lên quan. Nghe đâu, đã có kẻ bị lôi ra đình phạt vạ vì phạm lệ làng… Nhưng có nhẽ mức phạt còn nhẹ, nên bọn cóc khác vẫn nhờn mà nhảy nhót lung tung!

Trở lại chuyện vợ chồng nhà Chứng - Khoán từ ngày bị bắt làm con tin, khi được thả thì mắc chứng trầm uất nên suốt ngày ủ rũ. Chưa kể thị lực ngày càng kém nên đi đâu cũng dò dẫm, mò mẫm, nhìn thương lắm… 

Những bài học rút ra từ câu chuyện này: Thứ nhất, xưa nay, kỵ nhất là để miếng mỡ trước miệng mèo rồi “khuyến cáo” nó phải nâng cao tinh thần đạo đức. Thứ hai, muốn mèo không ăn vụng, một là phải cho nó ăn no. Hai là dụng công đứng rình rồi quất thật đau khi nó chưa kịp chùi mép (kiểu như Trạng dạy mèo). Thứ ba, giữa lúc thực phẩm ê chề thì miếng mỡ cũng chả quý báu gì. Cứ mở cửa cho cả họ nhà mèo ăn thoải mái. Vài bữa ngấy ngán, nhìn thấy mỡ có khi vái dài.

Phí Trọng Hiếu (tronghieu@vir.com.vn)
Phí Trọng Hiếu (tronghieu@vir.com.vn)

Tin cùng chuyên mục