Ðể nâng cao sức cạnh tranh, doanh nghiệp Việt rất cần đầu tư máy móc, công nghệ hiện đại nhưng hiện nay ngoài sự nỗ lực từ bản thân, hầu như doanh nghiệp không thể tìm kiếm được các nguồn hỗ trợ khác.
Fecon đã không ít lần tiếp cận Quỹ hỗ trợ khoa học công nghệ của Bộ Khoa học và Công nghệ, hay các chính sách ưu đãi về thuế đối với đầu tư công nghệ cao, nhưng cuối cùng đều phải từ bỏ.
Lý do là cơ quan quản lý yêu cầu nhiều thủ tục phức tạp, giấy tờ, hóa đơn, dù doanh nghiệp có đáp ứng thì cũng chưa chắc chắn liệu hồ sơ có được chấp thuận. Vậy là đành bỏ cuộc.
Trên hành trình của doanh nghiệp, bản lĩnh những người đứng đầu như ông Khoa đã nhiều lần bị thử thách dữ dội. Thậm chí, lãnh đạo Fecon chia sẻ, không ít lần ông cảm thấy hụt hơi.
Có những lúc vô cùng chạnh lòng khi phải chấp nhận làm thầu phụ cho một doanh nghiệp kém mình về mọi mặt nhưng lại hơn về “mối quan hệ”.
Từ tinh thần của Hội nghị Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp, ông mong Chính phủ sẽ có các chính sách xóa bỏ sự ưu ái, thu hồi nguồn lực và các tài nguyên đang được sử dụng kém hiệu quả, lãng phí để tái phân bổ cho mọi chủ thể, đối tượng dựa trên hiệu quả cạnh tranh và khả năng cải thiện năng suất.
Nhà nước sẽ chuyển nguồn lực cho mọi đối tượng, thành phần kinh tế có tiềm năng sử dụng, tối ưu hóa nguồn lực mà đất nước đang có, chứ không ưu tiên cho một nhóm hay bộ phận doanh nghiệp nào đó.
Ðó không chỉ là mong ước của một doanh nhân, đã được ghi nhận tên tuổi trên thương trường, mà đó là nỗi niềm chung của nhiều lãnh đạo doanh nghiệp có mặt tại hội trường hôm đó.
60 nhiệm vụ trong Chỉ thị 20/CT-TTg, ký ngay tại Hội nghị, mà Thủ tướng giao cho 14 bộ là con số không nhỏ, lại có những việc khó có thể làm ngay vì vướng luật. Bởi vậy, nhiều doanh nhân cho rằng, nên có những đầu việc được khoanh vùng xử lý trước, như vậy Chỉ thị mới chắc chắn sẽ tiếp nối “lửa” từ Chỉ thị 35/2016 và những Hội nghị Thủ tướng gặp cộng đồng doanh nghiệp tới đây sẽ không còn những lời than phiền “trên nóng, dưới lạnh băng và vô cảm”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dẫn lời chí sĩ Lương Văn Can “buôn bán thịnh suy có quan hệ với quốc dân thịnh suy”. Ðể có một Việt Nam thịnh vượng, chắc chắn rằng, tinh thần khởi nghiệp sẽ phải mạnh mẽ hơn nữa, không chỉ ở những doanh nghiệp mới thành lập, ở những doanh nghiệp đang thành danh, mà phải ở cả các giai tầng khác của xã hội.
Việc hun đúc, nuôi dưỡng tinh thần, ý chí khát vọng vươn lên, khởi nghiệp, sáng tạo có ý nghĩa vô cùng to lớn, việc khơi gợi và thổi bùng lên ngọn lửa quyết tâm, khát vọng, chung sức, đồng lòng, vượt qua mọi khó khăn, thách thức là vô cùng quan trọng, nếu không muốn nói là có ý nghĩa quyết định đối với tiến trình phát triển của Việt Nam trên con đường tìm kiếm sự thành công và vượt qua chính mình.