Cuối tuần trước khi VN-Index điều chỉnh nhẹ, khi được khuyến nghị từ chuyên viên tư vấn công ty chứng khoán rằng, thị trường đang vào phiên điều chỉnh, với đặc tính sóng hồi khi điều chỉnh sẽ mạnh và nhanh, có thể xóa sạch thành quả của những phiên tăng, anh/chị nên canh bán lướt hàng trên danh mục của mình, có nhiều nhà đầu tư đặt câu hỏi: nên bán hay không? Nếu gom hàng từ những phiên trước Tết Kỷ Hợi, họ cũng đã lãi, dù có những mã cũng chỉ được vài phần trăm.
Khi mua chứng khoán, những nhà đầu tư này đều chia sẻ chung nhận định thị trường sẽ khởi sắc sau Tết, ít nhất là đến cuối tháng 2, khi Việt Nam là cái tên được nhắc đến rất nhiều trên trường quốc tế, trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên diễn ra tại Hà Nội.
Trên một chatroom thu hút số lượng lớn nhà đầu tư, một số chia sẻ quyết định tạm xuống tàu, chờ thị trường điều chỉnh sẽ vợt lại hàng. Ấy nhưng, phiên đầu tuần, VN-Index tăng mạnh, giá nhiều cổ phiếu lại tăng vượt dự kiến của nhà đầu tư.
Cổ phiếu POW đã vọt lên 17.500 đồng/cổ phiếu, gần bằng với mức giá cao nhất được thiết lập kể từ khi POW niêm yết, trong khi dư địa tăng giá vẫn còn trước khả năng rục rịch tăng giá điện và nóng thông tin về chi phí đầu vào của ngành điện tăng vọt.
Khối lượng khớp lệnh cũng không xoàng, đạt 8,5 triệu đơn vị. Nếu duy trì khối lượng khớp lệnh mỗi phiên gần 5 triệu đơn vị, cổ phiếu này sẽ lọt vào VN30 và tiềm năng nhà đầu tư ngoại buộc phải mua (các quỹ đánh theo chỉ số) là rất lớn.
Cổ phiếu BSR của Lọc Hóa dầu Bình Sơn cũng thu hút sự chú ý của nhà đầu tư khi đạt được đà tăng vững chắc trong tuần giao dịch đầu tiên sau Tết. Từ mức giá 13.000 đồng/cổ phần, BSR đã tăng lên 14.700 đồng/cổ phần, tức là mức lãi hơn 10% cho các nhà đầu tư trong chưa đầy 10 ngày giao dịch.
Những cổ phiếu có câu chuyện riêng như Dược Hậu Giang với mục tiêu săn mua của cổ đông lớn Taisho (Nhật Bản) cũng tạo ra lợi nhuận tốt cho nhà đầu tư. Theo đăng ký chào mua của nhà đầu tư này, họ sẽ tiếp tục bỏ ra số tiền hàng trăm tỷ đồng để gia tăng tỷ lệ sở hữu lên trên 35%.
Một nguồn tin am hiểu doanh nghiệp cho biết, khả năng gom được hàng nếu chấp nhận mua giá cao của Taisho là vô cùng dễ dàng. Còn nhớ năm ngoái, khi tập đoàn này chào mua công khai DHG, đồng loạt các quỹ chào lệnh bán cho Taisho với số lượng lên tới 20 triệu đơn vị, trong khi họ chỉ đăng ký mua 9 triệu cổ phần DHG. Với giá 120.000 đồng/cổ phần, cao hơn 20% so với thị giá cổ phiếu trên sàn thời điểm đó, các quỹ sẵn sàng bán tất tay.
Ông Vũ Quang Thịnh, Tổng giám đốc Dynam Capital, Nhà quản lý quỹ Vietnam Holding cho rằng, các doanh nghiệp có sản phẩm tốt trong một ngành đang tăng trưởng, có chỉ số tài chính lành mạnh… luôn là mục tiêu săn đuổi của nhà đầu tư nước ngoài. Nhiều khi để thâu tóm thành công doanh nghiệp, mức giá họ chi ra nằm ngoài dự đoán của tất cả mọi người. Những nhà đầu tư nhỏ lẻ có cơ hội ăn theo những cổ phiếu có câu chuyện riêng như vậy.
Tất nhiên không phải con tàu nào cũng lao về phía trước. Cổ phiếu VCS của CTCP Vicostone gây băn khoăn cho nhà đầu tư khi doanh nghiệp vẫn hoạt động kinh doanh tốt, tăng trưởng 2 con số, kế hoạch 2019 tiếp tục đặt ra mức tăng trưởng 2 con số nhưng giá lại rất ì ạch. Có những phiên hầu như tất cả cổ phiếu của doanh nghiệp tăng trưởng đều tăng mà cổ phiếu này lại đỏ, thậm chí rớt về giá sàn và chạm 55.500 đồng/cổ phiếu, mức giá thấp nhất trong vòng 2 năm trở lại đây.
Cắt nghĩa tăng giảm của từng mã cổ phiếu là khó, giữ kỷ luật và theo mục tiêu đã đặt ra cũng khó không kém. Thành thử những chuyến tàu đầu năm này được nhận định sẽ có nhiều diễn biến lạc quan, nhưng đòi hỏi bản lĩnh vững vàng của các nhà đầu tư.