Chuyện tăng vốn của PVI

(ĐTCK-online) Tăng vốn điều lệ từ 500 tỷ đồng lên 1.000 tỷ đồng trong năm 2007 để tăng sức mạnh tài chính là mục tiêu mà Tổng công ty Bảo hiểm dầu khí Việt Nam (PVI) đưa ra tại Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông lần thứ nhất (NQ 01), ngày 8/2/2007. Cũng tại Đại hội này, các cổ đông đã uỷ quyền cho HĐQT quyết định thời điểm phát hành, số đợt phát hành và giá phát hành.
Tính đến hết 7/2007, PVI đạt doanh thu trên 1.350 tỷ đồng, lợi nhuận đạt trên 100 tỷ đồng. Tính đến hết 7/2007, PVI đạt doanh thu trên 1.350 tỷ đồng, lợi nhuận đạt trên 100 tỷ đồng.

Về đối tượng phát hành, NQ 01nêu rõ, các cổ đông hiện hữu (không bao gồm CBCNV) được mua theo tỷ lệ 2:1 với giá bằng mệnh giá; cổ đông là CBCNV được mua theo tỷ lệ 1:1 với giá bằng mệnh giá. NQ 01 cũng đề cập quyền của cổ đông hiện hữu (sau đợt tăng vốn lần 1) theo tỷ lệ 2:1 với giá bằng 4 lần mệnh giá, trừ Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (không được hưởng quyền mua này). Nghị quyết là như vậy, nhưng trong quá trình triển khai tăng vốn, PVI có một số điều chỉnh và sự điều chỉnh này đã khiến một số cổ đông tỏ ra bất bình. Phản ứng của họ là gửi công văn đến UBCK đề nghị làm sáng tỏ việc phát hành của PVI. ĐTCK đã có cuộc làm việc với đại diện PVI để tìm câu trả lời từ tổ chức này.

Trong đơn thư gửi đến UBCK, nhà đầu tư bày tỏ bức xúc liên quan đến 3 vấn đề chính tại PVI, đó là việc PVI điều chỉnh phương án phát hành cổ phiếu lần 1 (từ 500 tỷ lên 851 tỷ đồng); việc PVI điều chỉnh đối tượng phát hành lần 2 và việc PVI dành lượng lớn cổ phần bán theo chương trình quyền chọn cho người lao động mà không có thông tin rõ ràng.

Liên quan đến bức xúc thứ nhất, đơn thư cho rằng, PVI thực hiện không đúng NQ 01 khi bán cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 2:1, còn bán cho CBCNV với tỷ lệ 1:1 và điều này là vi phạm quy định về đối xử công bằng giữa các cổ đông theo Luật Doanh nghiệp. Ông Phạm Hoài Nam , Giám đốc Ban Tổng hợp Pháp chế PVI cho biết, việc tăng vốn của PVI là đúng pháp luật và Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông (trong đó có việc bán cho CBCNV với tỷ lệ 1:1 theo mệnh giá). Để đảm bảo sự phát triển của PVI theo kế hoạch, HĐQT PVI với tư vấn của SSI đã chia việc tăng vốn điều lệ làm 2 lần. Lần 1 là thực hiện những gì đã được Đại hội đồng cổ đông quyết định và theo SSI là không làm ảnh hưởng đến quyền lợi của Nhà nước (mà thể hiện là việc không bán cho Tập đoàn dầu khí tỷ lệ 2:1 với giá bằng 4 lần mệnh giá). Việc tăng vốn tiếp theo do có khúc mắc nêu trên, nên HĐQT đã quyết định họp Đại hội đồng cổ đông bất thường ngày 19/7/2007 để xin ý kiến.   

Bức xúc thứ hai đề cập trong đơn thư là việc PVI đã điều chỉnh đối tượng phát hành cổ phiếu lần 2 khi không bán tiếp cho cổ đông cũ với tỷ lệ 2:1 với giá bằng 4 lần mệnh giá, khiến những người mua cổ phiếu PVI với kỳ vọng hưởng quyền mua tiếp theo bị thiệt hại. Ông Nam cho biết, do thấy việc bán theo tỷ lệ 2:1 cho cổ đông hiện hữu (không bao gồm Tập đoàn dầu khí VN) là không phù hợp với các quy định hiện hành nên tại phiên họp Đại hội đồng cổ đông bất thường, HĐQT đã đề xuất phương án bán cho cổ đông chiến lược khoảng 100 tỷ đồng để làm tăng sức mạnh của PVI và không thực hiện việc bán cho cổ đông cũ với giá bằng 4 lần mệnh giá. Đề xuất này đã được Đại hội thảo luận và thông qua với tỷ lệ 99,03%. Một số ý kiến không nhất trí bày tỏ việc phải mua lại cổ phần của PVI với giá cao và đề nghị HĐQT cần quan tâm đến quyền lợi của họ trong các lần phát hành sau (kể cả việc trả cổ tức bằng cổ phiếu). HĐQT PVI đã ghi nhận các ý kiến này.    

Việc phát hành khoảng 100 tỷ đồng cho cổ đông chiến lược, theo ông Trịnh Văn Lượng, Giám đốc Ban đầu tư PVI là HĐQT muốn tạo ra giá trị gia tăng lớn hơn cho Tổng công ty. Nếu bán tiếp 100 tỷ đồng cổ phần của PVI cho cổ đông hiện hữu với giá ưu đãi thì giá giao dịch cổ phiếu của PVI sẽ bị điều chỉnh giảm tương ứng ngay sau ngày chốt quyền (PVI là cổ phiếu niêm yết). Do đó, cổ đông sẽ không có lợi ích thực. “PVI chọn phương án bán cho cổ đông chiến lược là do các cổ đông này sẽ mua với giá cao (không thấp hơn 80% giá đấu giá đợt 1), nắm giữ lâu dài (tối thiểu 3 năm) và góp phần phát triển thương hiệu, phát triển kinh doanh cùng PVI. Như vậy, cổ đông PVI mới có lợi ích thực”, ông Lượng nói. Hiện nay, PVI đã chọn ra 9 trong số hơn 20 tổ chức đầu tư đăng ký làm cổ đông chiến lược và dự kiến sẽ chỉ chọn 1-2 nhà đầu tư phù hợp nhất với tiêu chí của Tổng công ty để bán cổ phần theo diện cổ đông chiến lược. Cũng theo ông Lượng, phương án phát hành lần 2 của PVI vẫn đang chuẩn bị trình các cơ quan có thẩm quyền.

Theo tìm hiểu của ĐTCK, hiện nay, PVI đang làm thủ tục thanh quyết toán lần đấu giá cổ phần ra công chúng và sau khi hoàn tất giai đoạn này, PVI sẽ phải xin thay đổi giấy phép đăng ký kinh doanh với mức vốn điều lệ mới. Sau đó PVI sẽ tiếp tục phải xin giấy phép của UBCK và giấy phép của Bộ Tài chính mới có thể thực hiện phát hành cổ phiếu lần 2. Như vậy, phương án phát hành lần 2 của PVI vẫn còn rất “mở”, chưa có gì được “chốt” cả.

Bức xúc cuối cùng trong đơn thư là việc PVI không rõ ràng khi xin ý kiến thông qua phương án bán cổ phần cho CBCNV theo chương trình lựa chọn, ông Nam cho biết, Thông tư 18/TT-BTC ban hành ngày 13/3/2007 (sau thời điểm họp Đại hội đồng cổ đồng lần 1). Sau khi Thông tư này có hiệu lực, HĐQT PVI đã nghe báo cáo của Tổng giám đốc và Chủ tịch công đoàn PVI đề xuất phương án phát hành lựa chọn cho CBCNV và uỷ quyền cho ông Lượng báo cáo tại Đại hội đồng cổ đông bất thường. Phương án bán cho CBCNV với giá bằng 2 lần mệnh giá (không phải bằng 1 lần mệnh giá như một số ý kiến đã nêu) và ràng buộc sau 3 năm mới được chuyển nhượng. Phương án được PVI xây dựng trên cơ sở tuân thủ pháp luật và chỉ thực hiện khi được UBCK Bộ Tài chính chấp thuận. Phương án này đã được Đại hội  qua với tỷ lệ 99,03% phiếu thuận.

Đại diện PVI cho biết, là công ty đại chúng, việc đối diện với sự phản ứng của cổ đông là không thể tránh khỏi. Nhất là nhiều cổ đông đã quá kỳ vọng do đã mua cổ phần của PVI với giá cao so với giá trúng thầu đợt IPO lần 1. Tuy nhiên, điều mà PVI muốn nhấn mạnh với cổ đông là PVI đã là một DN niêm yết, nên các hoạt động của PVI bắt buộc phải minh bạch, bởi PVI không chỉ chịu sự kiểm soát của UBCK mà còn cả Bộ Tài chính (do hoạt động trong ngành bảo hiểm). Hiện nay, theo xu hướng đi xuống chung của TTCK, giá cổ phiếu PVI cũng bị ảnh hưởng và đây chỉ là vấn đề có tính hiện tượng của thị trường. Tính đến hết tháng 7/2007, PVI đã đạt doanh thu trên 1.350 tỷ đồng, lợi nhuận đạt trên 100 tỷ đồng, hoàn thành trên 70% kế hoạch năm 2007. Về bản chất, PVI là một DN mạnh trong ngành bảo hiểm và sẽ hướng đến việc tăng vốn điều lệ lên 2.000 tỷ đồng vào năm 2010, duy trì tỷ suất lợi nhuận/vốn điều lệ trên 12%, từng bước mở rộng thị phần thị trường bảo hiểm và mở rộng đầu tư vào các dự án trong và ngoài ngành dầu khí.                                   

Thiên Phúc
Thiên Phúc

Tin cùng chuyên mục