Chuyển sàn sang HOSE, doanh nghiệp định vị giá trị mới

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Hàng loạt doanh nghiệp trên UPCoM hay HNX đang nô nức chuyển sang niêm yết trên sàn HOSE, trong nỗ lực nâng tầm vị thế của doanh nghiệp.

Ảnh: Dũng Minh. Ảnh: Dũng Minh.

Nô nức sang sàn HOSE

Sau 11 năm niêm yết cổ phiếu trên sàn HNX, Công ty cổ phần Dược phẩm Bến Tre đã chính thức chuyển sang niêm yết trên HOSE từ cuối tháng 10.

Lên kế hoạch chuyển sàn từ vài năm trước nhưng phải chờ tới thời này, khi mọi điều kiện từ nội tại doanh nghiệp đến thị trường chung đã chín muồi, Công ty mới mang cổ phiếu sang "sân chơi" mới.

Tháng 10 vừa qua, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM đã nhận được hồ sơ của 5 doanh nghiệp xin niêm yết. Đó là Công ty cổ phần Chứng khoán VIX (mã VIX), Công ty cổ phần Clever Group (mã ADG), Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (mã ACB), Ngân hàng thương mại cổ phần Hàng hải Việt Nam (mã MSB) và Ngân hàng thương mại cổ phần Phương Đông (mã OCB). Trong đó, có ba doanh nghiệp xin chuyển sàn (VIX và ACB đang ở HNX và ADG đang giao dịch trên UPCoM); hai ngân hàng niêm yết mới (MSB và OCB).

Tháng trước đó, HOSE cũng nhận được hồ sơ của 2 doanh nghiệp lớn đang niêm yết trên HNX xin chuyển sàn là Vinaconex (mã VCG) và Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn – Hà Nội (SHB).

Trong làn sóng chuyển sàn niêm yết, thu hút sự chú ý lớn nhất của thị trường là nhóm ngân hàng. Đầu tuần này, cổ phiếu LPB của LienVietPostBank đã chính thức niêm yết trên sàn HOSE và đang là ngân hàng đầu tiên niêm yết trên HOSE trong năm 2020.

Sau LPB, Ngân hàng Quốc tế (VIB) chuẩn bị chuyển sàn từ UPCoM sang niêm yết trên HOSE.

Hai “ngôi sao” của sàn HNX là SHB và ACB cũng dự kiến cuối năm nay, hoặc muộn nhất là đầu năm sau sẽ chính thức niêm yết cổ phiếu trên sàn mới.

Hai “ngôi sao” của sàn HNX là SHB và ACB dự kiến vào cuối năm 2020, hoặc muộn nhất đầu năm 2021 sẽ chính thức được niêm yết trên sàn mới.

Việc chuyển sang niêm yết cổ phiếu trên HOSE sau hơn một thập kỷ bám trụ ở sàn HNX, được lãnh đạo ACB chia sẻ, là bởi chỉ số VN-Index mang tính đại diện cao cho thị trường chứng khoán và thường được các quỹ đầu tư sử dụng làm tham chiếu đo lường hiệu quả đầu tư.

Chính vì vậy, việc chuyển sàn có thể làm tăng giá giá trị thị trường cổ phiếu và đem lại lợi ích cho các cổ đông tốt hơn.

Còn theo ông Vũ Quang Đông, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Dược Bến Tre, việc chuyển sang niêm yết tại sàn HOSE là “sự kiện đặc biệt quan trọng đối với Dược phẩm Bến Tre, đánh dấu sự trưởng thành về mọi mặt, cả về hoạt động sản xuất - kinh doanh lẫn công tác quản trị, nâng cao hơn sự minh bạch và lành mạnh về tài chính của Công ty”.

Thực tế, nhiều doanh nghiệp ngay từ đầu đã mong muốn niêm yết trên HOSE nhưng vì chưa đủ tiêu chí nên chọn phương án niêm yết trên HNX để làm quen với các quy định công bố thông tin của công ty đại chúng, khi đủ các điều kiện sẽ thực hiện chuyển sàn.

Tìm kiếm giá trị mới

Dưới góc nhìn của ông Trần Minh Hoàng, Trưởng phòng Phân tích Công ty Chứng khoán VCB (VCBS), làn sóng chuyển sàn của những doanh nghiệp lớn trên HNX hay thị trường UPCoM sang HOSE đã góp phần giúp cho thị trường chứng khoán trở nên sôi động, tăng tính thanh khoản, đồng thời giúp đánh giá lại giá trị cổ phiếu. Với diễn biến thuận lợi của thị trường chứng khoán, nhiều mã cổ phiếu được định giá cao hơn so với nền giá cũ.

Phần lớn cổ phiếu của các doanh nghiệp có kế hoạch chuyển sàn trong thời gian qua đều có diễn biến tích cực về giá và thanh khoản. Thậm chí, có những cổ phiếu tăng trần liên tục trong 3 - 5 phiên liền như SHB, ACB…

Nhưng chắc hẳn đó không phải là lý do, hoặc chí ít không phải lý do duy nhất cho các cuộc chuyển sàn sang HOSE.

Theo quy định hiện hành, để được niêm yết trên HOSE, doanh nghiệp phải có vốn điều lệ tối thiểu đã góp tại thời điểm đăng ký niêm yết là 120 tỷ đồng, trong khi tiêu chuẩn vốn điều lệ của doanh nghiệp niêm yết trên HNX chỉ là 30 tỷ đồng.

Về thời gian hoạt động, doanh nghiệp phải có ít nhất hai năm hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần trước thời điểm đăng ký niêm yết, trong khi trên HNX chỉ cần một năm.

Tiêu chí hiệu quả hoạt động của sàn HOSE cũng cao hơn. Theo đó, trước thời điểm đăng ký niêm yết, doanh nghiệp phải kinh doanh hai năm liền có lãi, nhiều hơn một năm so với HNX yêu cầu... Đặc biệt, HOSE có tiêu chuẩn niêm yết cao hơn về việc công bổ thông tin. Theo đó, doanh nghiệp phải công khai mọi khoản nợ đối với công ty của người nội bộ, cổ đông lớn và những người có liên quan.

Với yêu cầu cao hơn về tính minh bạch, sàn HOSE là nơi thu hút sự quan tâm lớn của nhà đầu tư, đặc biệt là các quỹ đầu tư ngoại.

Thanh khoản tốt hơn, cổ phiếu được định giá vì thế cũng sát hơn và các doanh nghiệp cũng thuận lợi hơn trong các kế hoạch huy động vốn mới để đầu tư phát triển sản xuất – kinh doanh. Dễ hiểu vì sao sàn HOSE được xem là đích đến của nhiều doanh nghiệp trên UPCoM và HNX.

Câu chuyện của Công ty cổ phần Nhựa và môi trường xanh An Phát (mã AAA) là một ví dụ khá tiêu biểu về câu chuyện “minh bạch hơn, long lanh hơn”. Sau 6 năm niêm yết trên HNX, cuối tháng 11/2016, Công ty đã quyết định chuyển sang niêm yết trên HOSE.

Với quy mô niêm yết ban đầu gần 52 triệu cổ phiếu, sau gần 4 năm trên sàn HOSE, vốn điều lệ của AAA đã tăng gấp 4 lần và hiện đang ở mức gần 2.112 tỷ đồng.

Ông Phạm Ánh Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị AAA từng chia sẻ, việc chuyển sang sàn HOSE đã giúp Công ty tạo dấu ấn cũng như thu hút các nhà đầu tư quan tâm hơn tới cổ phiếu AAA, giúp Công ty thuận lợi hơn trong việc thu hút nguồn vốn.

“Việc chuyển sàn sang HOSE phải đáp ứng những tiêu chí khắt khe hơn, chuẩn minh bạch được yêu cầu cao hơn. Nhưng điều đó cũng giúp các doanh nghiệp phải tự nâng cấp mình. AAA vẫn đang nỗ lực đạt kế hoạch kinh doanh, minh bạch hoạt động và công bố thông tin kịp thời đến nhà đầu tư”, ông Dương khẳng định.

Ở thời điểm hiện tại, thị trường cũng đã cảm nhận được nhiều doanh nghiệp niêm yết đang tìm kiếm cơ hội nâng cấp và định vị giá trị của mình trên sàn chứng khoán, mà chuyển sàn niêm yết như các doanh nghiệp trên HNX hay UPCoM đã và đang tiến hành là một cách.

Còn nhiều doanh nghiệp khác lại chú trọng hơn trong hoạt động quan hệ nhà đầu tư (IR), nâng cấp quản trị. Có thể nhìn thấy điều này qua chất lượng công bố thông tin và minh bạch của các doanh nghiệp có sự tiến bộ đáng kể. Tình hình vi phạm công bố thông tin của các doanh nghiệp trong năm 2019 trên hai sở giao dịch chứng khoán đều ghi nhận giảm 10% so với năm trước đó.

Có những doanh nghiệp tổ chức định kỳ hàng quý các sự kiện như ngày hội chuyên viên phân tích (analyst meeting); các chuyến thăm doanh nghiệp cho nhóm nhà đầu tư/chuyên viên phân tích; hội nghị nhà đầu tư, giới thiệu các đợt chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu… bên cạnh các hoạt động truyền thống khác.

Nhiều doanh nghiệp đã sớm bắt nhịp với các nền tảng công nghệ hiện đại hay mạng xã hội để tiếp cận nhà đầu tư với chi phí thấp, như truyền hình trực tiếp buổi giới thiệu cơ hội đầu tư thông qua Webcast, Facebook, YouTube…

Một khi các doanh nghiệp có ý thức tự tạo sức ép để minh bạch hơn, hoạt động hiệu quả hơn, nâng tầm giá trị trong mắt công chúng đầu tư, không chỉ doanh nghiệp, cổ đông doanh nghiệp được hưởng lợi. Rộng hơn, điều này sẽ giúp hàng hóa trên thị trường chứng khoán chất lượng hơn, thị trường phát triển lành mạnh hơn.

Xu hướng dịch chuyển từ sàn HNX, UPCoM sang HOSE là tích cực

Ông Phạm Hồng Sơn,Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Ông Phạm Hồng Sơn,Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Trong bối cảnh khó khăn do đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp niêm yết hay các doanh nghiệp đăng ký giao dịch đã có một sự nỗ lực rất lớn. Trong đó, vấn đề quản trị công ty được Chính phủ, Bộ Tài chính và cơ quan quản lý rất quan tâm. Trên thực tế, qua các cuộc khủng hoảng tài chính và nhất là trong đại dịch vừa qua, những doanh nghiệp có quản trị công ty tốt thì sẽ vững vàng hơn.

Đặc biệt, khi Luật Chứng khoán mới đi vào cuộc sống, trong đó có cả các quy định về quản trị công ty và công bố thông tin. Do đó, các doanh nghiệp cần theo dõi và cập nhật để tăng tính tuân thủ, thực thi tốt hơn nữa, từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp.

Trong thời gian vừa qua, thị trường đã chứng kiến việc nhiều doanh nghiệp lớn chuyển từ sàn UPCoM hay từ HNX sang sàn HOSE. Ở góc độ quản lý, tôi cho rằng, xu hướng dịch chuyển này là tích cực, bởi các doanh nghiệp đến thời điểm hợp lý sẽ tự chọn đúng “sân chơi” của mình.

Đối với các doanh nghiệp quy mô lớn có sở hữu vốn nhà nước, việc chuyển sàn sẽ mang nhiều ý nghĩa hơn, giúp tăng cường tính minh bạch và khai thác hiệu quả khối tài sản hiện hữu.

Hải Vân

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,284.09 -6.09 -0.47% 232,038 tỷ
HNX 242.58 -1.33 -0.55% 1,769 tỷ
UPCOM 91.57 0.09 0.09% 657 tỷ