Chuyển sàn, nên hay không trước thềm hợp nhất 2 Sở?

(ĐTCK) Báo cáo trước Quốc hội tuần qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Chính phủ đang xem xét Đề án hợp nhất 2 Sở Giao dịch chứng khoán (Sở GDCK) để hình thành nên 1 Sở GDCK tại Việt Nam. Thông điệp của Thủ tướng đang là mối quan tâm của nhiều doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp đang có ý định chuyển sàn.
AAA, APG, SCR, SHA sắp hoàn tất chuyển sàn, một số doanh nghiệp khác như PVI, VTV đã có kế hoạch chuyển sàn AAA, APG, SCR, SHA sắp hoàn tất chuyển sàn, một số doanh nghiệp khác như PVI, VTV đã có kế hoạch chuyển sàn

Chuyển sàn, nên làm hay nên đợi?

Khá nhiều doanh nghiệp (DN) đang xúc tiến các thủ tục để chuyển niêm yết cổ phiếu từ Sở GDCK Hà Nội (HNX) sang Sở GDCK TP. HCM (HOSE) như AAA, APG... Trước đó, hàng loạt DN đã thực hiện chuyển sàn. Các DN từng chuyển từ HOSE sang HNX thường do bị bắt buộc (không đủ điều kiện niêm yết trên sàn lớn), còn các DN chuyển từ HNX sang HOSE là do muốn tìm đến một sàn có tiêu chuẩn cao hơn để niêm yết.

Báo cáo trước Quốc hội tuần qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Chính phủ đang xem xét Đề án hợp nhất 2 Sở GDCK để hình thành nên 1 Sở GDCK tại Việt Nam. Nếu Chính phủ quyết việc hợp nhất, dự kiến việc này cần khoảng 3-4 năm để hoàn tất 3 phần việc trọng yếu: hợp nhất về nhân sự, công nghệ, thị trường. Theo thời gian, toàn bộ cổ phiếu trên thị trường sẽ tập trung giao dịch tại sàn TP. HCM. Sàn TP. Hà Nội sẽ tổ chức thị trường giao dịch trái phiếu Chính phủ, trái phiếu DN và sàn giao dịch của TTCK phái sinh. Trước diễn biến này, các DN đang chờ đợi thông tin để cân nhắc việc chuyển sàn nên làm hay nên đợi.

Theo quy định, việc chuyển sàn phải trải qua không ít thủ tục. Sau khi được Đại hội đồng cổ đông thông qua, DN phải báo cáo Sở định đi, rồi phải nộp hồ sơ lên Sở định đến. Sau các thủ tục với Sở, DN phải tiếp tục phối hợp với Trung tâm Lưu ký chứng khoán để đề xuất việc chuyển toàn bộ dữ liệu thông tin từ Sở nọ sang Sở kia.

Thực tế, sự khác nhau về tiêu chuẩn niêm yết, hệ thống quy trình, quy chế... của HNX và HOSE chính là lý do khiến các DN muốn chuyển sàn phải trải qua không ít thủ tục và mất thời gian, đồng thời phát sinh rủi ro trong quản lý, giám sát đưa cổ phiếu lên sàn. Sau khi HNX và HOSE hợp nhất, việc chuyển sàn trở nên dễ dàng. Khi đó, chuyển sàn không phải là việc chính của DN, mà chủ yếu do Sở GDCK hình thành sau hợp nhất tiến hành, trên cơ sở chuyển từ bảng nọ sang bảng kia.

Một số DN chia sẻ, nếu lộ trình hợp nhất 2 Sở được công bố thì DN có căn cứ yên tâm đợi Sở GDCK hình thành sau hợp nhất, thay vì tính chuyện chuyển từ nơi nọ sang nơi kia. 

Hợp nhất Sở, việc tất yếu trên con đường tương lai

Trả lời phỏng vấn Đầu tư Chứng khoán trên số ra vừa qua, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Bằng cho biết, Đề án hợp nhất Sở được xây dựng hướng đến mục tiêu nâng tầm thị trường, thúc đẩy thị trường chứng khoán bước vào giai đoạn phát triển theo chiều sâu, tăng hiệu quả và từng bước hội nhập.

Theo Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, xu hướng hội nhập Sở đã và đang diễn ra mạnh mẽ trên thị trường khu vực và quốc tế, Việt Nam không thể làm khác thông lệ khi hướng đến mục tiêu tăng tính cạnh tranh và hiệu quả của thị trường. Chẳng hạn, Nhật Bản từng có 6 Sở GDCK, nhưng sau đó đã hợp nhất còn 1; Hồng Kông có 4 Sở, nay hợp nhất còn 1; Hàn Quốc trước đây có 2 Sở, nay cũng chỉ còn 1… Trên bình diện khu vực, Sở GDCK Euronext có sự liên kết bởi 6 Sở GDCK các quốc gia thành viên.

Tại Việt Nam, Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán giai đoạn 2011 - 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 252/QĐ-TTg ban hành năm 2012, đã quy định việc tái cấu trúc mô hình tổ chức thị trường chứng khoán theo hướng cả nước chỉ có 1 Sở GDCK. Các thành viên thị trường kỳ vọng, Chính phủ sẽ sớm thông qua và công bố quyết định này khi Đề án hợp nhất Sở do Bộ Tài chính trình Chính phủ đã nhận được sự đồng thuận cao của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tư pháp.

Việc hợp nhất sẽ giúp các công ty chứng khoán giảm chi phí đầu tư hệ thống khi chỉ phải kết nối giao dịch với một đầu mối Sở. Với nhà đầu tư, việc hợp nhất giúp họ dễ theo dõi thị trường hơn, khi các tiêu chí quy về một cách làm. Với các DN đang niêm yết, việc hợp nhất có thể sẽ không tạo nên tác động trực tiếp, nhưng lộ trình này đang được nhiều DN chờ đợi để cân nhắc việc có nên chuyển sàn hay ở lại, chờ hợp nhất Sở.                

Hữu Hòe

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục