Chuyển sàn, giá cổ phiếu khó giữ!

(ĐTCK) Với hơn 550 mã cổ phiếu trên UPCoM, sàn tập sự niêm yết này đang có trên 30 doanh nghiệp có quy mô vốn trên 1.000 tỷ đồng cùng nhiều doanh nghiệp  nhỏ hơn, nhưng có khát vọng phát triển lớn. 
Chuyển sàn, giá cổ phiếu khó giữ!

Qua giai đoạn tập sự, nhiều doanh nghiệp  mong muốn bước lên sàn niêm yết, với mong muốn giá cổ phiếu được xác định cao hơn và cơ hội cho doanh nghiệp  thu hút vốn mới cũng lớn dần.

Thống kê của Báo Ðầu tư Chứng khoán cho thấy, bên cạnh 3 doanh nghiệp đã chuyển từ sàn UPCoM sang niêm yết từ đầu năm đến nay (PIC, BHN, VTJ), có gần 10 doanh nghiệp khác cũng đã được thông qua chủ trương và sẵn sàng các bước để “nâng hạng” cổ phiếu của mình.

Khi niêm yết, lợi ích được đặt ra mà các doanh nghiệp hướng tới sẽ là nâng cao uy tín, tính thanh khoản của cổ phiếu, cơ hội thu hút vốn mới thông qua tìm kiếm cổ đông chiến lược, đối tác tiềm năng…

CTCP Thủy điện Gia Lai (GHC), CTCP Cấp nước Bến Thành (BTW), CTCP Cấp nước Nhà Bè (NBW) đã nộp hồ sơ niêm yết. CTCP Xuất nhập khẩu thủy sản Sài Gòn (SSN), CTCP Tập đoàn Tài chính I.P.A (IPA) vừa tổ chức Ðại hội đồng cổ đông và tất cả các cổ đông đều thông qua chủ trương đưa cổ phiếu lên sàn niêm yết.

SSN và IPA là có thương hiệu được biết đến ở các mảng chuyên ngành (thủy sản, tài chính), nhưng cũng đang sở hữu quỹ đất lớn và tập trung đầu tư vào lĩnh vực bất động sản.

Lên sàn niêm yết được coi là "bước đệm" để doanh nghiệp có điều kiện thu hút nguồn vốn lớn, cho các dự án đang triển khai.

Tại CTCP Ðầu tư Apax Holdings (IBC), doanh nghiệp có mảng kinh doanh cốt lõi hiện nay là giáo dục tiếng Anh. Chủ trương niêm yết của IBC nhằm tìm kiếm nguồn lực mới, giúp Công ty thực hiện khát vọng xây dựng thành doanh nghiệp hàng đầu về giáo dục, đồng thời việc quảng bá hình ảnh, uy tín - yếu tố quan trọng không kém trong kinh doanh ngành đặc thù này.

Về phía nhà đầu tư, làn sóng chuyển sàn của doanh nghiệp UPCoM từng được nhiều người kỳ vọng mở ra cơ hội “đón sớm”, rót vốn và chờ đợi. Tuy nhiên, thực tế khắc nghiệt hơn nhà đầu tư nghĩ.

Các mã chuyển sàn hầu như giảm giá (BHN lên HOSE ngày 19/1/2017, giá giảm từ 127.600 đồng/CP xuống  80.000 đồng/CP tính đến 9/6; VTJ lên HNX ngày 26/4/2017, giá giảm từ 11.000 đồng/CP về 8.300 đồng/CP; G20 giảm giá mạnh…). Chỉ có một số mã giữ được giá và tăng như NT2, PIC…

Ðiều đáng ghi nhận là quyết tâm chuyển sàn thể hiện quyết tâm minh bạch của doanh nghiệp, bởi lên niêm yết, doanh nghiệp phải thực hiện nghĩa vụ báo cáo thường kỳ, với chuẩn mực giám sát, kiểm toán cao hơn hẳn khi ở lại UPCoM.

Sứ mệnh chính của sàn UPCoM là tập sự cho doanh nghiệp đại chúng làm quen với minh bạch, với trách nhiệm công bố thông tin, nên “xuất khẩu” được cổ phiếu nào lên sàn niêm yết là mừng cổ phiếu đó.

Tuy nhiên, với doanh nghiệp, lựa chọn niêm yết đòi hỏi phải cân nhắc đến nhiều yếu tố, không chỉ là trách nhiệm minh bạch cao hơn, mà còn là việc cần lượng sức mình, liệu có vững giá không, khi sàn niêm yết có nhiều cổ phiếu sáng hơn nhiều?

Chỉ khi giá cổ phiếu của doanh nghiệp vững và có cơ hội tăng trưởng, doanh nghiệp mới mong cải thiện được tình trạng thanh khoản cho cổ đông và mong có cơ hội huy động vốn từ các nhà đầu tư mới.

Thực tế, ngay trên sàn niêm yết cũng có tới gần 200 mã cổ phiếu có thanh khoản rất yếu (turnover ratio dưới 0,02%). Câu chuyện chuyển sàn vì thế cả nhà đầu tư và doanh nghiệp đều nên… kỳ vọng có chừng mực.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục