Chuyện ở vườn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Xung quanh vườn vắng lặng, nhưng những con người sống tại đó luôn có những câu chuyện để kể…
Chuyện ở vườn

1. Bữa rồi, tôi xuống vườn để trả lương cho người làm. Cậu ấy là một nông dân chính hiệu, dù rằng là người dân gốc Sài Gòn.

Khu vườn của gia đình tôi nằm ở ngoại ô Sài Gòn, giáp với Long An. Từ trung tâm thành phố tới đất khoảng hơn 30 cây số. Không quá gần cũng chẳng quá xa. Ngày nghỉ, khi các xe tải không chạy đua với công việc trên đường thì di chuyển từ trung tâm tới vườn nhanh lắm.

Thời gian đầu tiên, tôi chưa biết tới Hoàng để mướn việc làm và trông coi khu vườn nên phải thuê nhiều người khác nhau. Người ở Bình Phước, người ở Củ Chi. Họ “hành tỏi” ghê gớm lắm khiến tôi mệt mỏi và chán nản vô cùng. Cho tới khi hàng xóm giới thiệu Hoàng.

Hoàng là một anh chàng nông dân chất phác, kiếm sống hoàn toàn bằng nghề làm vườn. Cuộc sống của vợ chồng cậu đơn giản chỉ xoay quanh cây cỏ, ít khi ra tới ngoài lộ. Ai thuê gì làm nấy. Xịt cỏ, rẫy cỏ, chặt cây mọc hoang, xây tường bao, đổ lối đi… Cuộc sống giản đơn, hàng xóm xung quanh ít, vắng, nên cũng không phát sinh va chạm gì với ai. Ngoài giữ vườn cho tôi có lương hàng tháng thì Hoàng còn làm “part time” cho các khu vườn gần đó. Thu nhập không dư giả gì nhưng cũng đủ ăn.

Trong vườn có điện, có nước nhưng không có wifi. Gần đây, vợ chồng Hoàng trang bị điện thoại thông minh có 4G ngon lành, nên cô con gái đầu của cậu thường lấy điện thoại vào mạng, liên lạc với tôi.

Có ai đó nói, dân thành thị xây nhà lớn thực ra chỉ để dành cho người giúp việc hưởng. Bởi lẽ, các ông bà chủ thì phải bận kiếm tiền từ sáng tới tối, thời gian ở văn phòng hoặc ngoài đường nhiều hơn ở nhà. Trong khi đó, người giúp việc thì không đi đâu, nên tận hưởng tiện nghi sung sướng hơn ông bà chủ.

Với một gia đình viên chức, khu vườn là nơi vui chơi thư giãn, cũng là cái “giỏ” để sẵn đó, sau này có chút tiền dưỡng già.

Ở khu vườn ngoại ô, có thể nói cũng mang dáng dấp y chang vậy. Khung cảnh yên tĩnh, hoa cỏ, cây cối hữu tình, cá dưới ao sẵn, gà trong chuồng nhiều, mọi huê lợi chủ nhà ít được hưởng vì không có nhiều thời gian tới thăm. Và người làm vườn được hưởng mọi ưu đãi ấy, coi như sự thưởng của ông bà chủ đều đặn tặng cho mỗi giờ, mỗi ngày.

Khi gia đình tôi xuống vườn, vợ chồng Hoàng và các con đã đợi sẵn. Họ vui mừng vì có người xuống nói chuyện, cho quà. Nhìn cách họ tự tin đi lại, hái trái cây, quét dọn vườn tược, quả thực có đôi phút giây, tôi cảm giác ganh tị vô cùng. Mình làm chủ trên giấy tờ đất thôi, nhưng người chủ thực sự mới chính là vợ chồng cậu làm vườn và các con của họ.

2. Thời gian đầu mới tới nhận công việc giữ vườn cho gia đình tôi, vợ chồng Hoàng chỉ có một cô con gái đã lớn, khi ấy bé đã 10 tuổi. Vậy nhưng chỉ sau 7 năm, trong khung cảnh hữu tình cây cỏ, ao cá ấy, vợ chồng người làm vườn đã tiếp tục “sản xuất” thêm 2 người con nữa.

Bé gái lớn của Hoàng có chút vấn đề về nhận thức trong học tập. Trường học trong xã cách vườn chừng 3 cây số, bé cũng được tới lớp như bao đứa trẻ khác. Tuy nhiên, sau 4 năm phải học tới học lui lớp Một, cô bé và ba mẹ buông luôn. Ngán quá mà. Bé con không còn nhỏ nhưng cũng chưa đủ tuổi lớn để đi làm, cứ loanh quanh trong vườn và ôm chiếc ipad cũ được một người bà con tặng để chơi game.

Hai đứa trẻ sau sát tuổi nhau, hàng ngày đi chân trần chạy tới lui trong vườn. Tụi nhỏ không quen mang dép, quen với côn trùng, bứt lá chuối để chơi xếp hình, không hề biết tới trường mầm non. Nếu nói các con thiệt thòi quá cũng đúng, mà nói tụi nhỏ hạnh phúc quá cũng chẳng sai. Tuổi thơ của thế hệ 6x -7x ở dưới quê chẳng phải cũng như vậy sao!

Nên khi nghe tiếng xe của gia đình tôi tới vườn, con bé Ba chạy tới để chờ ôm chân liền, còn thằng Út thì cười ngượng ngùng nhưng cũng rất vui thích. Tuổi thơ hồn nhiên ấy, lớn lên cùng cây cỏ thiên nhiên, hẳn sẽ có nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Thương sự lam lũ của con nhà nghèo nông thôn, nhưng cũng thấy thương những đứa trẻ sống đầy đủ vật chất mà thành “gà công nghiệp” ở thành thị. Chắc gì đã ai thiệt thòi hơn ai!

Có thể nhờ việc không thèm biết tới việc đi dép, mà vợ chồng Hoàng khoe tụi nhỏ ít khi bệnh vặt. Nồi cơm nấu lên đầy ắp, nhưng đồ ăn thì hạn chế vô cùng. Dù thế, mấy chú kiki sống trong vườn cũng vẫn có phần ăn đầy đủ. Còn tiền thì mua thịt heo, thịt bò. Hết tiền thì câu cá dưới ao lên, chờ gà đẻ trứng để chiên với mắm. Đói bụng hái trái ổi sạch trên cây, khát nước chặt trái dừa xiêm, dừa dứa uống liền.

Trong suy nghĩ của tôi, vợ chồng Hoàng có khi cũng chẳng nhận biết được ngày lễ Tết, hay ngày cuối tuần. Ngày nào cũng nắng thì tưới cây, mưa thì nằm khểnh trong nhà chơi đùa cùng nhau. Thời gian cứ thế tàn tàn đi qua mà cũng hết năm hết tháng.

3. Nhớ lại ngày tôi bận bịu với việc bắt tay trồng cây làm vườn, ông xã tôi nói, em bị làm sao vậy, ở thành phố không muốn, muốn về quê ở luôn sao. Nhưng ai có “máu” trồng cây, làm nhà vườn, thì mới hiểu được niềm đam mê này.

Làm vườn có tốn kém không? Rất tốn kém. Làm vườn có mất thời gian không? Rất mất thời gian.

Vậy thì làm vườn vì điều gì?

Trước hết, mảnh vườn của một gia đình là nơi mà các thành viên được gắn kết với nhau mỗi khi rảnh rỗi. Cuối tuần cùng nhau tới vườn chơi, mọi người được ở bên nhau, gần gụi và ấm áp. Vườn còn giúp những đứa trẻ sống ở phố sẽ được hiểu hơn về cây cỏ, ao cá, thiên nhiên. Rời xa ipad, iphone, phim hoạt hình anime, tụi nhỏ được câu cá, hái trái cây và đi lại thong thả trong vườn cho đỡ cuồng chân.

Sau nữa, khu vườn cũng là một sự lựa chọn để đầu tư. Mua đất vườn 20 năm trước và 20 năm sau, là cả câu chuyện dài, nhưng cũng là câu chuyện sinh lời an toàn, không cần quá lao tâm khổ tứ. Với một gia đình viên chức, khu vườn là nơi vui chơi thư giãn, cũng là cái “giỏ” để sẵn đó, sau này có chút tiền dưỡng già.

Chỗ gần khu vườn của gia đình tôi, tới thời điểm này, người ta đang triển khai khu công nghiệp nhẹ. Tôi mong muốn vài năm nữa, khu vườn có thể biến thành được quán cà phê sân vườn nhẹ nhàng, để vợ chồng con cái Hoàng có công việc kiếm thêm chút vốn sinh nhai.

Xã hội phân công công việc rõ ràng rồi, nhưng cũng rất nên nghĩ rằng, nếu mình đã có cơm ăn, thì người làm thuê cho mình phải có cháo. Mà ăn cháo trắng với muối thì đâu có sức làm việc. Phải là cháo thịt bằm, cháo gà, cháo sườn…, mới thấy cuộc sống đủ đầy hơn và đáng yêu hơn.

Tết này, dưới vườn vui lắm. Vì mai vàng trồng khắp đường đi lối lại, nở bung cánh lai rai cả tháng. Vợ chồng Hoàng còn gói bánh tét nữa. Ăn Tết lớn mà.

SAM

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục