Chuyện ở suối cá thần...

(ĐTCK-online) Đời nói chung là buồn. Nghiệp chứng cũng thế. Ngày vui ngắn chẳng tày gang. Đúng lúc thiên hạ nghĩ đã vào trend, lấy đà thì đùng một cái, phiên cuối tuần rồi thị trường rơi như mất phanh.
Chuyện ở suối cá thần...

Dạng thiên hạ “người trần mắt thịt” như mình thì đi một nhẽ, đến thần thông quảng đại như mấy bác ở các CTCK dạo này cũng loạn chưởng hết cả. Đợt rồi, để ý thấy có CTCK 10 phiên phân tích thị trường thì 9 phiên... nguyễn y vân cái  câu “thị trường nhạy cảm, nhà đầu tư cần thận trọng”. Tiền bạc thì rõ là nhạy cảm rồi, nhưng mình cứ cố thủ xem người ta ăn hết vòng 1, đang chuẩn bị dao thớt để làm vòng 2 thì tủi lắm. Cứ nhận định, phân tích theo mô hình copy & paste kiểu ấy thì đúng như một nhà đầu tư vui tính nào đó nhận xét là, ngày càng có tính... giải trí cao. 

Cuối tuần, chẳng có việc gì làm, đang ngồi ngẫm ngợi linh tinh thì gã bạn bia cỏ nối máy đến rủ: ông ơi, mấy hôm nay thị trường đỏng đảnh khó chiều quá, anh em mình đi đâu thư giãn cái đi.

Thư giãn cái gì. Ông lại tính xấu khó bỏ. Mấy lần bị vợ bắt tại trận ở chỗ các cháu công nhân ca hát chưa chừa hay sao mà còn rủ rê?

Ấy, tôi rủ ông đi đổi gió cho đỡ nhức đầu với “chứng khốn” thôi. Làm gì mà bụng dạ đen tối thế. Rõ là bệnh nghề nghiệp. Chứng trường bị lừa nhiều nên đến anh em cũng phải đề phòng nữa phỏng?

Ừ đổi gió tí cho đầu óc thoáng đãng cũng hay. Nhưng đi đâu nhỉ? Sầm Sơn, Cửa Lò thì các bác ấy vẫn đang mùa mài dao nên chắc buồn; Quất Lâm, Đồ Sơn đi vào tiết heo may lại nhạy cảm, dễ bị gấu mẹ vĩ đại bắt nọn lôi thôi.

Hay mình đi suối cá thần đi ông - gã bạn nảy ra sáng kiến.      

Vậy là rủ rê thêm vài nhân mạng, cả nhóm khăn gói quả mướp lên đường. Tưởng thần thánh thì phải ở nơi non cao, rừng xanh núi đỏ, hóa ra đường đến làng Lương Ngọc, xã Cẩm Lương, huyện Cẩm Thuỷ (Thanh Hoá) - nơi “trời ban” cho một suối cá thần, cũng chẳng xa xôi diệu vợi là mấy.

Suối Cá thần Cẩm Lương nằm bên chân núi Trường Sinh, cách trung tâm tỉnh lỵ xứ Thanh chừng 80 cây số. Đến nơi mới thấy thiên nhiên kỳ thú thật. Cả đàn cá nghìn con, nhỏ thì bằng chuôi dao, lớn to cỡ bắp chuối, màu sắc sặc sỡ, phát sáng nhiều màu. Dân ở đây còn bảo, có lần còn nhìn thấy ông “cá chúa”, mang có vành đỏ như kiểu người phụ nữ đeo khuyên tai, mắt mang viền xanh đỏ, đuôi được “trang sức” bởi một chấm đỏ viền xanh. Nghe cứ như truyền thuyết!

Dân trong vùng bảo, đây là giống cá thần. Sự sung túc của đàn cá trên dòng suối sẽ đem lại sự bình yên no ấm, nên không ai dám ăn thịt loại cá này, vì đó là hành động xúc phạm đến thần linh, chẳng những gây ra tai họa cho mình mà còn cho cả cộng đồng. Người ta còn đồn rằng, có dân làng khác do đói quá đã đến suối bắt “cá thần” về nấu ăn, nhưng khi nấu lên thì không thấy cá mà chỉ là một nồi nước không (không biết nhà ấy có nuôi mèo không nhỉ...)!

Nhưng hình như đó là chuyện xưa thì phải, hôm mấy anh em đến, cụ già bán đồ lưu niệm ở đó than thở, gần đây đã thấy lác đác có người đến bắt trộm cá. Chẳng biết là do đói ăn vụng túng làm liều hay bắt cá thần bán cho cửa hàng cá cảnh.

Hóa ra, quyền thần phép thánh càng ngày càng mất thiêng ông nhỉ, ông bạn chép miệng.

Anh em mình ếch ngồi đáy giếng đừng phán bừa. Ông cá vật cho thì hết đường về với thằng cu, cái tí. Cái này phải nói là thiên hạ càng ngày càng táo tợn mới đúng. Ở chốn chứng trường cũng vậy thôi. Tiền phạt càng ngày càng cao, có khi còn phải đáo tụng đình, nhưng vì cái câu “liều ăn nhiều” mà phong trào làm giá hình như ngày càng được nhân rộng đấy….

À, ông nói tôi mới nhớ ra. Vừa rồi, thị trường xứ ta có một chuyện hy hữu. Một ông DN dược đàn em công khai tố ông đàn anh cùng ngành làm giá cổ phiếu. Chuyện đã đem ra thanh thiên bạch nhật, người tố, người bị tố cũng đều là “kẻ có tóc” cả. Vụ này cơ quan quản lý làm được quá còn gì.

Cũng chưa chắc, ông bạn đi cùng tỏ vẻ hiểu chuyện. Nói các ông nghe nhé. Ông dược đàn anh từng công khai tuyên bố thâu tóm ông dược đàn em, người trong nhà cũng đã mua cả triệu cổ phiếu. Về tình thì ai cũng biết, không có cái vụ thâu tóm hụt ấy thì làm gì có chuyện ông em vù một cái lên đỉnh. Mà cũng không có cái vụ “không mua mà lại bán” của ông anh thì ông em cũng đâu đến nỗi hao hụt còn một nửa như thế. Nhưng về lý thì tìm được cái cơn cớ để chỉ mặt đặt tên, “ông làm giá tôi” cũng đâu dễ. Một phút cả giận mất khôn, phán thế không cẩn thận bị tố ngược tội vu khống thì chí nguy!

Mà các ông bảo đi đổi gió cho đầu óc thoáng đãng mà chuyện sàn vẫn không bỏ được nhỉ. Nghe thấy bảo, phía trên suối cá có đền Ngọc thờ “Tứ phủ long vương” linh thiêng lắm. Ông nào còn say chứng lên xin ông cá cho ăn cả khúc đầu, khúc giữa lẫn khúc đuôi thị trường cho đã. Phiên cuối tuần rồi, thị trường lại dậy sóng, có người bảo mới xong phần đầu, còn khúc giữa nạc nhất sắp đến rồi.

Nhưng có khi xơi phải cá nóc đấy, ông chuyên gia mua đỉnh, bán đáy than thở.

Chế biến tốt thì cá nóc vẫn cứ hấp dẫn. Xưa nay, con cá Index vốn được phân chia thế này: đầu: nhỏ lẻ ăn; giữa: tay to ăn, đuôi: CTCK ăn... phí giao dịch. Nay thì khác nhiều. Tôi dẫu nhỏ lẻ nhưng cứ phần thân mà chén các ông ạ.

Thì ai chẳng biết, phần thân cá là phần ngon nhất. Nhưng anh em mình kim chỉ đá lửa, được cái nết chưa ngồi đã nóng, suốt ngày đoán đỉnh, dò đáy, thường ăn ít ở phần thân, mà khi thị trường đi xuống cũng chết nhiều nhất ở phần này.

Nhưng cuối tuần rồi, cú gãy đổ trong vòng có hơn 20 phút ngoạn mục quá còn gì. Các vị cứ thích cá lội ngược dòng thì có khi đến cái vây cũng te tua chứ nói gì đến khúc đầu, khúc giữa. Trên sàn hay ngoài xã hội, một chữ nhẫn phải học cả đời!

Thế nên, anh em mình, khúc đầu hay khúc giữa, cứ có miếng là được. Các cụ bảo, “lộc bất tận hưởng”. Cứ tham lắm rồi đến lúc chỉ còn cái vây cá lại chép miệng: “Mặc cho con tạo xoay vần. Được thua... cũng chuyện phù vân ở đời”. Cũng là một kiểu AQ đấy các ông ạ!

Phí Trọng Hiếu
Phí Trọng Hiếu

Tin cùng chuyên mục