Trao đổi với Đầu tư Bất động sản, lãnh đạo một doanh nghiệp bất động sản cho biết, doanh nghiệp có một dự án bị đắp chiếu từ năm 2009 đến nay, muốn chuyển nhượng một phần cho doanh nghiệp khác triển khai nhưng không thực hiện được dù dự án đã có quyết định phê duyệt quy hoạch 1/500.
Theo vị lãnh đạo này, các điều kiện yêu cầu dự án, phần dự án bất động sản chuyển nhượng phải xong việc bồi thường, giải phóng mặt bằng. Đối với trường hợp chuyển nhượng toàn bộ dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, thì phải xây dựng xong các công trình hạ tầng kỹ thuật tương ứng theo tiến độ ghi trong dự án đã được phê duyệt là quy định có phần cứng nhắc. Bởi lẽ, lý do chủ yếu của việc chuyển nhượng phần lớn là do các chủ đầu tư thiếu vốn để giải phóng mặt bằng. Nếu cứ để dự án nằm “chờ chết”, thì các khoản phát chi phí phát sinh sẽ càng làm cho doanh nghiệp nhanh chóng kiệt quệ.
Trong khi đó, tại một dự án khác ở TP. HCM, dự án này đã được phê duyệt, đã có quyết định phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500, doanh nghiệp cũng đã hoàn thành việc bồi thường, giải phóng mặt bằng, xây dựng xong hạ tầng kỹ thuật tương ứng, đã được UBND Thành phố chấp thuận đầu tư và đã có quyết định giao đất thực hiện dự án. Dự án được chủ đầu tư ban đầu chuyển nhượng một phần cho chủ đầu tư khác triển khai tiếp. Phần dự án này hiện tại đã sắp đi vào hoàn thiện. Tuy nhiên, khi chuẩn bị các thủ tục để xin cấp và bàn giao giấy chủ quyền nhà cho khách hàng, chủ đầu tư mới phát hiện ra chủ đầu tư ban đầu chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế chuyển mục đích sử dụng đất.
Để giải quyết, chủ đầu tư cũ đã có văn bản gửi lên cơ quan chức năng xin hướng dẫn về thủ tục đóng thuế cho một phần dự án và tách phần dự án công ty này đầu tư, thế nhưng, giờ vẫn chưa thể hoàn thành, khiến khách hàng lo lắng.
Hay như trường hợp Dự án Usilk City, quận Hà Đông, Hà Nội của Sông Đà Thăng Long. Với dự án nhiều tai tiếng, việc tìm được đơn vị mua trọn cả dự án là rất khó. Do đó, giải pháp tốt nhất là chuyển nhượng từng phần. Tuy nhiên, việc này sẽ gặp vướng mắc trong thủ tục chuyển nhượng, bởi Sông Đà Thăng Long đang nợ gần 400 tỷ đồng thuế và đã bị Cục Thuế Hà Nội phong tỏa hóa đơn. Nếu yêu cầu bên nhận chuyển nhượng một phần dự án bỏ hàng trăm tỷ đồng để đóng cho cả dự án là không thể. Do đó, việc các cơ quan quản lý linh hoạt tìm cách để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và cả dự án, đảm bảo quyền lợi cho người mua nhà là điều cần thiết.
Đại diện lãnh đạo Công ty Hải Phát, đơn vị nhận chuyển nhượng Dự án CT2-105 thuộc Dự án Usilk City cho biết, để tháo gỡ vướng mắc, Công ty đã khiến nghị cơ quan quản lý cho phép tách riêng để nộp thuế sử dụng đất từng cấu phần trong dự án.
Nếu giải pháp này được chấp nhận, nhiều khả năng Dự án Usilk City sẽ được “giải thoát” và hàng trăm khách hàng đã bỏ tiền mua nhà tại dự án này sẽ có nhà ở sau nhiều năm dài chờ đợi.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (HOREA) cho biết, chuyển nhượng dự án là hoạt động chuyển nhượng giữa các nhà đầu tư với nhau, chưa phải là chuyển nhượng sản phẩm cho người tiêu dùng. Nếu doanh nghiệp bên chuyển nhượng chưa hoàn tất các thủ tục hoặc công đoạn đầu tư, thì nên cho phép doanh nghiệp bên nhận chuyển nhượng dự án sẽ tiếp tục thực hiện hoàn tất các công việc này.
Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty luật SBLAW nhấn mạnh, việc tháo gỡ những vướng mắc về chuyển nhượng bất động sản trong Luật Kinh doanh bất động sản 2014 là điều cần thiết, không chỉ đối với các nhà đầu tư nội, mà còn cả đối với nhà đầu tư nước ngoài. Thực tế, rất ít trường hợp nhà đầu tư mua toàn bộ doanh nghiệp, vì thông thường, các doanh nghiệp Việt Nam thường có nhiều dự án khác nhau, tình hình tài chính doanh nghiệp không minh bạch, rõ ràng, nên khá rủi ro.