Dưới góc độ nhỏ hơn là quản trị DN, câu chuyện lựa chọn người nhà hay người tài cũng là vấn đề mà những DN Việt Nam gặp phải khi muốn thúc đẩy DN phát triển mạnh mẽ, tăng sức cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập.
“Chọn người nhà hay người tài” cũng là vấn đề mà trong phần 1 của Chương trình CEO - Chìa khóa thành công với chủ đề “Chiến lược tái cấu trúc – Chuyên nghiệp hay gia đình”, CEO phải “đau đầu” tìm giải pháp khi muốn cải tổ công ty để sẵn sàng cho bước phát triển mới.
Tình huống xảy ra tại một DN hoạt động trong lĩnh vực thực phẩm. Trước đây, khi mới thành lập, DN này đã quyết định dựa vào những người thân, anh em họ hàng trong gia đình của CEO và các cổ đông để nhanh chóng xây dựng một hệ thống phân phối đáng tin cậy. Những người thân trong gia đình đã đứng ra làm đại lý phân phối các sản phẩm cho DN tại một số tỉnh, thành phố lớn trong cả nước, góp phần vào sự lớn mạnh và thành công của DN. Tuy nhiên, đứng trước những sức ép từ hội nhập và cạnh tranh trên thị trường, việc duy trì hệ thống phân phối dựa trên mối quan hệ cá nhân đã lộ ra những hạn chế và kìm hãm sự phát triển của DN.
Trong khi CEO thấy rằng, DN cần phải tái cơ cấu lại hệ thống phân phối, thì các cổ đông lại một mực cho rằng hệ thống phân phối theo hình thức gia đình chính là một trong những điểm quan trọng làm nên thành công cho DN nhờ sự ổn định và linh hoạt.
CEO cho rằng, trong lĩnh vực kinh doanh của DN, hệ thống phân phối đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Do đó, cần chuyển đổi, xoá bỏ các đặc quyền đặc lợi trong mô hình các nhà phân phối gia đình sang mô hình chuyên nghiệp, vận hành theo cơ chế của thị trường. Trong bối cảnh thị trường cạnh tranh gắt gao, sự tham gia của các nhà phân phối chuyên nghiệp, quyết liệt mới có thể giúp công ty giữ vững và phát triển được thị trường.
Các cổ đông lại lập luận, nên tìm thêm các giải pháp để thúc đẩy và tạo động lực cho họ thay vì thay đổi. Đồng thời, khuyến khích họ tham gia tích cực hơn vào việc mở rộng và phát triển hệ thống theo hình thức “chân rết” cho DN, tránh gây xáo trộn, tốn kém chi phí. Từ những bài học thành công của các DN lớn trên thế giới và tại Việt Nam, có thể thấy mô hình công ty gia đình là nền tảng tốt và hoàn toàn có thể phát triển lớn mạnh.
Chung quan điểm với CEO, bạn Minh Anh cho rằng, phải tái cấu trúc, nhất là ở DN gia đình, bởi nó tồn tại hạn chế lớn khiến DN đi theo lối mòn quản trị, trì trệ bộ máy và đồng nghĩa với sự ảnh hưởng đến sự phát triển của công ty.
Tuy nhiên, tái cấu trúc, thay đổi với liều lượng thế nào cho hợp lý là câu hỏi mà các chuyên gia tư vấn đặt ra cho CEO.
Ông Trần Quốc Việt, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Kinh Đô, Tổng giám đốc Công ty Kinh Đô Miền Bắc bày tỏ, thay đổi không phải là đập hết đi rồi làm lại, “người giữ được cái tốt, bỏ đi cái xấu mới là thành công”. Ông Việt cũng cho rằng, không thể thành công nếu chỉ chuyên nghiệp ở bộ phận phân phối, mà phải là chuyên nghiệp ở tất cả các khâu.
Thực thi chiến lược tái cấu trúc thế nào để giữ được cái tốt, bỏ đi cái xấu, xây dựng và thuyết phục người nhà tham gia vào quy trình chuyên nghiệp sẽ là những bí quyết mà hai chuyên gia là ông Trần Quốc Việt và ông Robert Trần, Tổng giám đốc Tập đoàn Tư vấn Chiến lược Robenny Khu vực Mỹ và châu Á - Thái Bình Dương tư vấn cho CEO trong chương trình CEO - Chìa khóa thành công tuần này.