Chuyện mã số mã vạch với hàng xuất khẩu: Giờ không phải lúc nghĩ cách làm khó doanh nghiệp

Giữa lúc các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đang là dòng chảy chính, thì không ít luồng nước ngược khiến doanh nghiệp đã khó lại chồng thêm khó.
Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có cơ hội trở lại… bình thường. Trong ảnh: Nhà máy chế biến thủy sản Caseamex tại Cần Thơ. Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có cơ hội trở lại… bình thường. Trong ảnh: Nhà máy chế biến thủy sản Caseamex tại Cần Thơ.

Câu hỏi gửi Bộ Khoa học và Công nghệ

Ngay sau khi Tổng cục Hải quan có văn bản về việc sử dụng mã số, mã vạch nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu vào ngày 9/6/2020, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã thông tin ngay tới hội viên.

VASEP sốt sắng vì Tổng cục Hải quan không yêu cầu người khai hải quan phải trình văn bản xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về việc sử dụng mã số, mã vạch nước ngoài.

Văn bản này cũng xác định rõ, cơ quan hải quan không thực hiện xử phạt hành chính liên quan đến sử dụng mã số, mã vạch nước ngoài gắn trên hàng hóa xuất khẩu. Nếu sau này phát hiện doanh nghiệp chưa có văn bản xác nhận hoặc ủy quyền sử dụng mã số nước ngoài, thì thông báo cho Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng biết để xử lý.

“Trong lúc doanh nghiệp bối rối, hoang mang, thì nhận được văn bản này. Cơ hội trở lại… bình thường cho hàng xuất khẩu của Việt Nam, nhất là khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) vừa được Quốc hội thông qua, sẽ có hiệu lực vào ngày 1/8/2020”, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký VASEP bày tỏ vui mừng.

Trước đó, ngày 25/5/2020, Bộ Khoa học và Công nghệ đã có văn bản đề nghị Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Hải quan thông báo cho Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng trường hợp doanh nghiệp xuất khẩu chưa có văn bản xác nhận hoặc ủy quyền sử dụng mã nước ngoài để theo dõi, tổ chức hậu kiểm. Yêu cầu trên được hiểu là, hải quan sẽ kiểm tra các lô  hàng xuất khẩu, trên cơ sở đó “thông báo” cho Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng theo đề nghị của văn bản trên.

Nhưng, chỉ 5 ngày trước đó, một trong các kết luận của cuộc họp với Phó thủ tướng Vũ Đức Đam về nội dung này là yêu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ có văn bản gửi Bộ Tài chính theo tinh thần sẽ không kiểm tra, xử phạt doanh nghiệp đối với quy định về sử dụng mã số, mã vạch nước ngoài trước khi Nghị định 74/2018/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 132/2008/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa được sửa đổi.

Cuộc họp này, với sự có mặt của đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công thương, Bộ Tư pháp, Tổng cục Hải quan, Tổ Tư vấn về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đã thống nhất việc sửa đổi quy định mã số, mã vạch trong Nghị định 74. Bộ Công thương sau đó đã mời đại diện hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp đến bàn phương án, trong đó có VASEP, Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam…

Câu hỏi là, tại sao Bộ Khoa học và Công nghệ lại có công văn với động thái ngược dòng như vậy?

Chỉ mong “bình thường cũ”

Trước khi Nghị định 74 được ban hành, nội dung về sử dụng mã số, mã vạch với hàng xuất khẩu chưa có. Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa cũng như Nghị định 132/2008/NĐ-CP không đề cập vấn đề này. Lý do là, mã số, mã vạch không liên quan đến chất lượng hàng hóa, cũng không phải là yêu cầu bắt buộc trong ghi nhãn hàng hóa.

Mọi việc trở nên “không bình thường” khi Trung tâm Mã số, mã vạch quốc gia (đơn vị sự nghiệp thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng), vì thực hiện Nghị định 74, đã yêu cầu cơ quan hải quan kiểm tra và dừng lô hàng xuất khẩu nào không có giấy ủy quyền của chủ sở hữu nước ngoài.

Hệ quả là, doanh nghiệp muốn xuất khẩu hàng hóa phải liên hệ với đối tác để có ủy quyền, dù điều này không có trong thông lệ quốc tế. Với thực tế một doanh nghiệp có thể làm hàng cho nhiều đối tác, việc xin ủy quyền mã số, mã vạch phải thực hiện với đủ đối tác, sự phức tạp tăng lên gấp nhiều lần.

Đáng nói là, việc xác nhận mã số, mã vạch nước ngoài tại Việt Nam chỉ được một cơ quan là Trung tâm Mã số, mã vạch quốc gia (GS1 Việt Nam) có trụ sở tại Hà Nội thực hiện, nên doanh nghiệp ở phía Nam phải ra Hà Nội làm thủ tục. Thời gian từ khi xin được ủy quyền đến khi làm thủ tục xong với Trung tâm có khi lên tới 20-30 ngày, chưa kể chi phí.

“Trong lúc dịch bệnh, xuất được lô hàng nào mừng lô đấy, mà doanh nghiệp phải đợi nhiều thủ tục quá. Đây là lý do chúng tôi đề nghị bỏ quy định liên quan đến mã số, mã vạch hàng xuất khẩu tại Nghị định 74”, ông Nam giải thích.

Ở góc nhìn rộng hơn, ông Nguyễn Đình Cung, Tổ trưởng Tổ Tư vấn Hội đồng quốc gia về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh đồng tình với đề xuất bỏ nội dung này, bởi “đây là nội dung không có căn cứ pháp lý, cũng không liên quan đến quản lý chất lượng hàng hóa”. Nhà nhập khẩu yêu cầu doanh nghiệp in mã số, mã vạch để hàng hóa có thể ra thẳng siêu thị, không cần thêm bước dán mã này. Thực tế, doanh nghiệp Việt Nam khi đặt gia công ở nước ngoài cũng để bên gia công in mã số, mã vạch lên bao bì, nhưng pháp luật Việt Nam cũng như các nước khác không yêu cầu có ủy quyền.

Thậm chí, ông Cung coi việc dành phần chứng nhận ủy quyền trong Nghị định 74 cho GS1 Việt Nam như một loại giấy phép con. Các ý kiến trên đã được ông Cung đề xuất trong cuộc họp cuối tháng 5/2020 với Phó thủ tướng Vũ Đức Đam và các bộ liên quan. “Phó thủ tướng đã đồng tình, các bên cũng thừa nhận là phải bỏ để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Chưa bỏ được thì phải hướng dẫn để không cần thực hiện nội dung này, chứ không thể lại đặt vấn đề hậu kiểm như Bộ Khoa học và Công nghệ đưa ra”, ông Cung nói.

Có lẽ, lúc này, các cơ quan quản lý nhà nước khác phải nghĩ cách thúc đẩy, hỗ trợ, giúp doanh nghiệp vượt khó, bắt kịp cơ hội mới, chứ không mãi làm khó doanh nghiệp.

Lại thêm quy trình phức tạp, làm khó doanh nghiệp

Trong Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 69/2010/NĐ-CP, Tổng cục Môi trường đưa ra quy trình đánh giá rủi ro và cấp giấy chứng nhận an toàn sinh học của sinh vật biến đổi gen với 2 bước: doanh nghiệp đăng ký cấp giấy phép khảo nghiệm rủi ro của sinh vật biến đổi gen tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và đề nghị Bộ công nhận kết quả khảo nghiệm sau khi hoàn thành; doanh nghiệp đề nghị cấp giấy chứng nhận an toàn sinh học tại Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Góp ý về Dự thảo, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, một công việc bị tách thành hai khâu, do hai cơ quan thực hiện, cơ quan sau chỉ xử lý trên hồ sơ của cơ quan trước. Quy trình như vậy quá phức tạp, khiến doanh nghiệp phải đi lại nhiều lần, gây tốn kém chi phí và tăng rủi ro cho hoạt động kinh doanh, không phù hợp với chủ trương cơ chế một cửa trong cải cách hành chính.

Khánh An
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục