Theo thông báo mời họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2019 của SCY, Công ty dự kiến tổ chức cuộc họp từ chiều 17/4/2019 đến trưa 18/4/2019.
Tại phiên họp thứ nhất diễn ra chiều 17/4, SCY sẽ thực hiện công tác đón tiếp cổ đông và thông qua nhân sự của Đại hội đồng cổ đông bao gồm: Chủ tịch Đoàn, Ban thư ký, Ban kiểm phiếu, quyết định của Hội đồng quản trị về việc thành lập Ban kiểm tra tư cách cổ đông, quy chế tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông; sau đó là… bế mạc.
Phiên họp thứ hai, diễn ra vào sáng hôm sau bao gồm công tác tiếp đón và kiểm tra tư cách cổ đông, báo cáo kết quả tỷ lệ tham dự, báo cáo kết quả phiên họp thứ nhất, báo cáo kết quả sản xuất - kinh doanh năm 2018 và kế hoạch năm 2019, các tờ trình…
Đây có lẽ là chương trình họp đại hội có thời gian tổ chức lạ nhất với các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán.
Thông thường, các cuộc họp chỉ kéo dài trong một buổi chiều, hoặc cùng một ngày. Thậm chí, tại nhiều doanh nghiệp, để tiết kiệm thời gian, các tài liệu mang tính báo cáo và thuộc danh mục phải gửi trước cho cổ đông xem, đều được xin phép không đọc, trừ các tờ trình.
Với trường hợp của SCY, việc đưa ra chương trình họp có thể không quá ảnh hưởng khi đặc thù cổ đông của Công ty là cổ đông Nhà nước nắm giữ 97,62% và phần còn lại gần như thuộc cán bộ, công nhân viên và người có liên quan. Họp đại hội đồng cổ đông tổ chức cho đủ “công việc”, còn thực tế, 1 cổ đông lớn đã đủ quyết tất cả mọi vấn đề.
Tuy nhiên, họp dài không phải đại hội nào cũng suôn sẻ. Cách đây 7 năm, cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên của CTCP Phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà (SJS) cũng bị kéo dài bất thường so với các DN khác.
Cuộc chiến giữa 2 nhóm cổ đông trong giành vị thế người đại diện tại Hội đồng quản trị SJS đã thay đổi vào phút chót dựa vào chương trình họp, khi nhóm cổ đông mới có quyền phủ quyết bất ngờ lật ngược tình thế nhờ vào điều kiện không được thay đổi chương trình họp, trong đó có vấn đề bầu Hội đồng quản trị. Vào thời điểm đó, chương trình họp có thể là một “cái bẫy” cho các cổ đông SJS khi không chú ý và bám sát nội dung phút chót này.
Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, một lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho rằng, chương trình họp đại hội đồng cổ đông là vấn đề của doanh nghiệp và do các cổ đông tự quyết. Theo Luật Doanh nghiệp, chương trình có thể được thay đổi nếu các cổ đông thống nhất thông qua.
Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp kéo dài thời gian họp cùng với việc có thể thay đổi chương trình (ví dụ thêm, bớt các nội dung bất lợi cho cổ đông nhỏ lẻ, hoặc nhóm cổ đông bị vắng mặt tại thời điểm bỏ phiếu), thì đây sẽ là rủi ro các cho nhà đầu tư không thể tham dự toàn bộ chương trình.