Chuyện lạ 1% cổ phần quyết cả tương lai doanh nghiệp

(ĐTCK) Vốn điều lệ 62,7 tỷ đồng, nhưng chỉ có 2 cổ đông, với 13.600 cổ phần sở hữu dự họp, KHB vẫn đủ điều kiện tổ chức họp ĐHCĐ thường niên và họp thành công. Chuyện lạ... bình thường!
Chuyện lạ 1% cổ phần quyết cả tương lai doanh nghiệp

Năm 2013 sắp kết thúc, mùa đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) năm tài chính mới sắp bắt đầu. Thế nhưng, nhìn lại việc tổ chức ĐHCĐ thường niên các DN niêm yết, NĐT sẽ không khỏi giật mình bởi khá nhiều DN, có cả “hàng hot” trên TTCK, nhưng lại bị cổ đông lãng quên với vai trò làm chủ.

2 cổ đông, 13.600 cổ phần “quyết” tương lai KHB

Ngày 4/12/2013, trong khi các DN đang hối hả tổng kết kinh doanh năm cũ để đưa ra phương hướng sản xuất - kinh doanh năm 2014, thì tại CTCP Khoáng sản Hòa Bình (mã KHB), diễn ra cuộc họp ĐHCĐ thường niên 2013.

Vốn điều lệ 62,7 tỷ đồng, nhưng chỉ có 2 cổ đông, với 13.600 cổ phần sở hữu dự họp, KHB vẫn đủ điều kiện tổ chức họp ĐHCĐ thường niên và họp thành công, vì đây là lần thứ 3, HĐQT triệu tập họp. Hai lần trước đó, các cuộc họp diễn ra vào ngày 28/10/2013 và 18/11/2013 không được tổ chức thành công, vì cũng chỉ có 2 cổ đông, đại diện cho 13.600 cổ phần tham dự họp.

Việc chỉ có 2 cổ đông, với 13.600 cổ phần tham dự ĐHCĐ thường niên cho thấy, Ban lãnh đạo Công ty cũng không mặn mà với chính DN mình đang trực tiếp quản lý, điều hành. Từ trước và sau khi chốt danh sách tham gia ĐHCĐ thường niên năm 2013, NĐT chỉ tiếp nhận được thông tin ông Đỗ Phan Thắng, Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc KHB liên tục đăng ký bán và không bán thành công 10.000 cổ phiếu, là số cổ phần mà ông này sở hữu, có thể là 1 trong 2 cổ đông tham dự họp.

Với vai trò Tổng giám đốc, ông Thắng thậm chí không cần nắm cổ phiếu KHB nào. Nhưng ở cương vị Phó chủ tịch HĐQT, số cổ phần trị giá 100 triệu đồng tính theo mệnh giá, 32 triệu đồng tính theo thị giá mà ông Thắng sở hữu, dường như nhẹ bẫng so với trách nhiệm và nhiệt huyết cần có hàng ngày, hàng giờ để điều hành DN.

Không chỉ ông Thắng, mà cả HĐQT - vốn là đại diện cho cổ đông của DN, để giám sát hoạt động của DN, điều hành của Ban Tổng giám đốc cũng… gần như không sở hữu cổ phần. Rốt cuộc, tại DN này, HĐQT đóng vai trò làm thuê, trong khi các ông chủ chỉ chuyên tâm “nhảy nhót” trong các giao dịch qua sàn và chẳng bao giờ hiện diện.

Với thực trạng thua lỗ triền miên 7 quý liền, doanh thu sụt giảm, KHB đang đối diện với một câu chuyện buồn cười: người có tiền (cổ đông, ông chủ) không để ý, còn người có quyền (HĐQT, Ban điều hành) không tập trung kinh doanh!  DN như bị bỏ rơi.

 

Và những DN bị… bỏ rơi khác

Câu chuyện của KHB có lẽ là đặc biệt nhất trong số những DN niêm yết bị cổ đông lãng quên. Nhưng những DN na ná như vậy thì vẫn còn rất nhiều.

Tại CTCP Khoáng sản Bắc Giang (mã BGM), năm 2013, với 2 cuộc họp ĐHCĐ: 1 thường niên và 1 họp bất thường, Công ty đã phải sử dụng tới 6 lần triệu tập họp. Cả 6 lần, số cổ đông dự họp dù có thay đổi đôi chút, nhưng đều chỉ có dưới 25% vốn cổ phần tham dự họp.

Với BGM, lý do của sự lơ đãng đó là địa điểm tổ chức quá xa, tận huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang; nhưng một nguyên nhân có vẻ không nhỏ khác, là cổ đông cũng không còn quan tâm đến một DN mà cả năm trước đó (năm 2012) và nửa đầu năm 2013 hoạt động kinh doanh èo uột.

Năm 2013, không ít lần con sóng cổ phiếu BGM xuất hiện, nhưng trên bàn “nghị sự”, 2 cuộc họp ngoài câu chuyện đường hướng kinh doanh, còn là vấn đề phát hành cổ phần, đều không thu hút được sự chú ý của cổ đông.

Một DN niêm yết khác, thuộc dòng khoáng sản là CTCP Khoáng sản Na Rì Hamico (mã KSS) cũng không mấy sáng sủa hơn, khi cuộc họp ĐHCĐ thường niên năm 2013 phải đến lần thứ 3 mới được triệu tập thành công, với 8 cổ đông đại diện cho 2,4246 triệu cổ phần tham dự trực tiếp và 11 cổ đông đại diện gần 1,1548 triệu cổ phần ủy quyền tham dự. Tổng tất cả 19 cổ đông trên sở hữu/đại diện sở hữu chỉ chiếm 14,8% vốn điều lệ Công ty. Trong khi đó, danh sách cổ đông của KSS lên tới 2.908 cổ đông.

Cũng như BGM, tương lai của KSS với hàng loạt nội dung lớn, từ thông qua các nội dung tài chính năm 2012, kế hoạch năm 2013, đến kế hoạch phát hành cổ phần, trái phiếu chuyển đổi…, được quyết bởi 11 cổ đông này. Gần 2.900 cổ đông, đại diện cho 85,2% cổ phần của KSS xin được… nghe theo.

Câu chuyện của BGM, KSS cũng tương tự xảy ra tại một số DN khác như: CTCP Khoáng sản Tây Bắc (KTB), CTCP Xây lắp Dầu khí Nghệ An (PVA)…

Ngoài những DN có tình hình kinh doanh kém khả quan gần như bị cổ đông… bỏ rơi như trên, vẫn có một số DN dù tình hình kinh doanh khá tốt, nhưng mức độ quan tâm của NĐT đến tương lai DN cũng không lớn như: CTCP Nhựa và môi trường xanh An Phát (mã AAA) năm 2013 cũng phải đến lần thứ 3 triệu tập cổ đông thì mới tổ chức thành công ĐHCĐ thường niên, do số cổ đông tham dự chỉ sở hữu 34,43% vốn điều lệ Công ty.

Dường như, NĐT chỉ quan tâm đến con số lợi nhuận cuối kỳ báo cáo và “sóng” cổ phiếu, mà quên đi vai trò làm chủ thực sự của mình.       

>>HAG: Deutsche Bank AG quyết làm cổ đông lớn

>>HDO: hai cổ đông chuyển nhượng lượng cổ phiếu lớn

Uyên Phạm
Uyên Phạm

Tin cùng chuyên mục