Để doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch

(ĐTCK) Năm 2020 trở thành một năm đặc biệt trong lịch sử phát triển của nền kinh tế toàn cầu khi con người phải đối mặt với đại dịch Covid-19. Về mặt đời sống xã hội, đã có 7,4 triệu người bị mắc dịch, tạo nên nỗi lo sợ bao trùm.
TS. Trần Quí Thanh, Chủ tịch Tân Hiệp Phát. TS. Trần Quí Thanh, Chủ tịch Tân Hiệp Phát.

Về mặt kinh tế, hàng loạt dự báo được đưa ra bởi các tổ chức uy tín đều cho rằng, kinh tế thế giới sẽ suy thoái mạnh, cần nhiều năm để phục hồi sau tác động của đại dịch.

Tại Việt Nam, đại dịch gây ra những khó khăn bất ngờ, khiến gần 35.000 doanh nghiệp phải ngừng hoạt động, giải thể, phá sản trong 4 tháng đầu năm nay.

Sau nhiều ngày Việt Nam không có ca lây nhiễm dịch mới ngoài cộng đồng, chúng ta có thể tạm yên tâm để trở lại với “trạng thái bình thường mới”, một thuật ngữ chỉ cho hoạt động của xã hội sau đại dịch.

Việt Nam may mắn hơn nhiều quốc gia khác khi phòng chống kịp thời và đẩy lùi được đại dịch rất sớm.

Tuy nhiên, làm cách nào để doanh nghiệp phục hồi kinh doanh sau đại dịch đang là một câu hỏi khó, là vấn đề chung của nhiều doanh nghiệp, doanh nhân, nhất là các doanh nhân hiện nay.

Với Tân Hiệp Phát, đại dịch cũng khiến Công ty chịu ảnh hưởng, nhất là ở việc tiêu thụ sản phẩm.

Tuy nhiên, quá trình xây dựng Tân Hiệp Phát với không ít lần trải qua những cú sốc sinh tử đã khiến tôi không ngại gì khủng hoảng từ đại dịch, thậm chí coi đây là cơ hội tốt để củng cố nội lực, tăng sức bền cho cuộc đua trên thương trường.

Doanh nghiệp của các bạn cũng vậy, cùng đối diện với một hiện thực, nhưng nếu cứ để chìm trong khó khăn thì chắc chắn tương lai sẽ nhận lại khó khăn, còn nếu thay đổi tâm thái, coi đây là cơ hội tốt để củng cố lại nội lực, nhìn vấn đề kinh doanh một cách sâu sắc hơn, sẽ có nhiều khả năng trụ lại được lâu bền với thương trường.

Việc cần làm là sắp xếp lại bộ máy nhân sự của doanh nghiệp: Tối ưu hóa về nguồn nhân lực là việc đầu tiên, quan trọng nhất. Ðặt người đúng chỗ, đúng việc. Không để những nhân sự dư thừa, không làm được việc, thậm chí cản trở người khác, ảnh hưởng đến việc chung.

Thứ hai, công nghệ hóa tối đa các hoạt động của doanh nghiệp: Ai cũng biết, cũng nói đến công nghệ, nhưng khai thác công nghệ để đưa vào hoạt động của doanh nghiệp thì mới có rất ít doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc. Tùy theo mô hình sản xuất - kinh doanh, dịch vụ của từng đơn vị để áp dụng.

Ví dụ, nhiều công ty không còn thuê văn phòng là những căn nhà to lớn, hay nhiều gian phòng của một building, mà bỏ hẳn, hoặc cắt giảm bớt chỉ còn một phòng nhỏ. Nhân viên làm việc tại nhà, kiểm soát qua các ứng dụng công nghệ. Cách làm này tiết kiệm được rất nhiều chi phí thường xuyên và cũng là cơ hội để cắt giảm được nhân sự, nâng cao hiệu quả quản lý.

Thứ ba, đưa ra các chương trình khuyến mãi kịp thời, phù hợp để lôi kéo khách hàng sớm quay trở lại với các sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp. Sẽ có bạn hỏi phải lấy nguồn ở đâu ra để thực hiện các chương trình khuyến mãi?

Câu trả lời là hãy thực hiện thật tốt hai điều vừa nêu trên. Cũng xin nói thêm vào thời điểm quan trọng để phục hồi, thì không nên đặt nặng vào lợi nhuận, mà tập trung vào tăng lượng hàng hóa tiêu thụ, thu hút khách hàng trở lại với thói quen tiêu xài, mua sắm, thụ hưởng các dịch vụ. Hiện nay, hầu hết các khách sạn, công ty du lịch lữ hành hạ giá tour rất thấp là vì mục đích này.

Cuối cùng là khai thác thị trường mới, tìm kiếm đối tác mới: Cuộc thương chiến Mỹ - Trung vẫn tiếp tục diễn ra và đã có làm sóng chuyển dịch doanh nghiệp Mỹ từ Trung Quốc sang các nước Ấn Ðộ, Malaysia, Indonesia và Việt Nam.

Ðây là cơ hội rất lớn để các doanh nghiệp tìm kiếm đối tác phục vụ cho cả hai việc từ mua bán nguồn nguyên liệu cho đến hàng hóa thành phẩm. Việc khai thác thị trường mới không chỉ ở các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa, mà còn đối với các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ.

Ðại dịch dạy cho tất cả các doanh nghiệp không chỉ riêng Việt Nam mà cả quả đất này một bài học, đó là không bao giờ phụ thuộc vào một vài đối tác. Hãy lưu ý rằng, cho dù thêm một kênh buôn bán mới, khách hàng mới, đối tác mới, cho dù rất nhỏ cũng không được bỏ qua, phải chăm sóc, nuôi dưỡng thì mối quan hệ đó mới lớn lên, mới trưởng thành. Bỏ qua một cơ hội nhỏ thì không bao giờ có được thành công lớn.


tranquithanh.com

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục