Adayroi khai tử và cuộc đua “đốt tiền” của các đại gia

Việc doanh nghiệp lớn như Vingroup cũng không đảm bảo cho sự tồn tại của sàn thương mại điện tử đã cho thấy sự khốc liệt của thị trường.
Adayroi đã đã dừng cuộc chơi sau 4 năm hoạt động. Ảnh: Đ.T Adayroi đã đã dừng cuộc chơi sau 4 năm hoạt động. Ảnh: Đ.T

Không phải cứ đốt nhiều tiền là thắng

“Nghĩa trang” sàn thương mại điện tử vừa chính thức tiếp nhận Adayroi. Theo đó, trang thương mại điện tử Adayroi sẽ sáp nhập vào VinID, toàn bộ hệ thống siêu thị điện máy VinPro sẽ giải thể. Adayroi mới 4 tuổi, ra đời từ tháng 8/2015, thuộc sở hữu của VinCommerce (Vingroup) và chuyển giao về Masan từ đầu tháng 12/2019.

Theo thông báo từ VinCommerce gửi các nhà cung cấp, từ ngày 17/12/2019, toàn bộ sản phẩm hàng hóa/dịch vụ của các nhà cung cấp đang kinh doanh trên Adayroi theo các hợp đồng đã ký kết sẽ bị dừng bán và phân phối đến khách hàng. Đến ngày 31/12, VinCommerce sẽ giải quyết các vấn đề có liên quan đến khách hàng, nhà cung cấp.

Lý do tạm ngừng Adayroi là để “đánh giá và tái cấu trúc hoạt động của Công ty nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường và khách hàng trong giai đoạn phát triển mới”.

Theo báo cáo Bản đồ Thương mại điện tử Việt Nam trong quý III/2019 do iPrice Group thực hiện, website Adayroi.com đứng thứ 9 trong bảng xếp hạng, với lượng truy cập hàng tháng là 6,41 triệu lượt, thua xa các trang web thương mại điện tử khác như Shopee (34,5 triệu lượt), Sen Đỏ (30,9 triệu lượt), Thế giới Di động (29,3 triệu lượt), Tiki (27,1 triệu lượt)…

Tuy số lượt truy cập chỉ là một chỉ số trực quan bên cạnh các chỉ số quan trọng khác như số lượng đơn hàng, doanh thu, tỷ lệ hài lòng của khách hàng…, nhưng cũng đã cho thấy sự đuối sức của Adayroi so với các đối thủ trên thị trường.

Việc Adayroi dừng cuộc chơi, một lần nữa, đã khẳng định một điều rằng, không phải cứ đốt nhiều tiền là thắng. Trước Adayroi, tháng 3/2019, Central Group Việt Nam đã thông báo dừng mọi hoạt động bán hàng trực tuyến trên website thương mại điện tử Robins.vn.

Tiền thân của Robins Online là Zalora. Năm 2012, Zalora đặt chân vào Việt Nam và sau đó bị “đại gia” Thái Lan là Central Group mua lại vào năm 2016. Đến tháng 5/2017, tên miền Zalora bị gỡ bỏ và thay thế bằng Robins.vn. Dù lắm tiền, thế lớn, lại sở hữu tập đoàn đa ngành chuyên về bán lẻ tại Thái Lan, nhưng Central Group vẫn phải “chào thua” thị trường Việt Nam.

Trước đó, sàn thương mại điện tử của doanh nghiệp bán lẻ công nghệ tỷ USD là Thế giới Di động cũng đóng cửa Sàn thương mại điện tử Vuivui.com sau 2 năm hoạt động. Ông Nguyễn Đức Tài, lúc đó là CEO Thế giới Di động còn tin rằng, Vuivui.com sẽ vượt cả Thế giới Di động và Điện máy Xanh, thậm chí vươn lên dẫn đầu ngành vào năm 2020.

“Nghĩa trang thương mại điện tử” trước đó còn ghi tên hàng loạt sàn thương mại điện tử khác sau một thời gian hoạt động như Beyeu.com, Deca.vn, Lingo.vn...

Cuộc đua “đốt tiền” vẫn tiếp tục

Bất chấp thua lỗ, dừng kinh doanh, cuộc chiến khốc liệt trên sàn thương mại điện tử vẫn tiếp diễn. Các ông chủ đang không ngừng đổ tiền vào. Điển hình nhất là Sen Đỏ.

Thương mại điện tử đang là ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất và tăng trưởng nhanh nhất tại Đông Nam Á. Hơn 150 triệu người dân Đông Nam Á đang mua những thứ họ cần qua mạng, với tổng giá trị lên đến 35 tỷ USD, so với mức 5 tỷ USD năm 2015. Dự báo, thương mại điện tử tại Đông Nam Á sẽ đạt tổng giá trị 150 tỷ USD vào năm 2025.    

Theo ông Trần Hải Linh, Tổng giám đốc Sen Đỏ, sàn thương mại điện tử này vừa hoàn tất vòng gọi vốn series C với giá trị 61 triệu USD.

Vòng gọi vốn lần này có 2 nhà đầu tư mới là EV Growth (Indonesia) và Kasikornbank (Thái Lan). Các nhà đầu tư cũ như SBI Group, BEENOS, SoftBank Ventures Asia, Daiwa PI Partners và Digital Garage tiếp tục rót tiền. Đây cũng chính là những nhà đầu tư đã rót 51 triệu USD trong series B cho sàn thương mại điện tử này trong năm 2018.

Hay như Tiki, dù liên tục thua lỗ, nhưng vẫn được VNG cùng JD.com (Trung Quốc) và STIC (Hàn Quốc) đầu tư hàng ngàn tỷ đồng. Lý do là, dù lỗ, nhưng Tiki vẫn đang phát triển tốt vì đang được đầu tư nhiều vào hạ tầng, kho bãi, dịch vụ... Tiki đang thực hiện vòng gọi vốn Series D. Vòng gọi vốn mới có thể được Tiki nâng lên mức 100 triệu USD, dẫn dắt bởi nhóm các nhà đầu tư Hàn Quốc, gồm Korea Investment Partners, STIC Investments và Sparklabs Ventures.

Trong khi đó, 2 năm gần đây, Alibaba đã đổ tới 4 tỷ USD vào Lazada với tham vọng thống trị thị trường thương mại điện tử Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Còn Shopee cũng không “kém miếng”, tháng 3/2019, công ty mẹ Sea (Singapore) thông báo phát hành cổ phiểu để huy động vốn và đầu tư thêm 1,5 tỷ USD vào Shopee…

Theo ông Nguyễn Hòa Bình, Tổng giám đốc NextTech Group, thị trường thương mại điện tử đang vô cùng khốc liệt với sự tham gia của các doanh nghiệp lớn, giàu tiềm năng, sẵn sàng chấp nhận thua lỗ lớn để chiếm thị phần, khách hàng. Đã có nhiều doanh nghiệp cạn vốn phải bỏ cuộc. “Không ai dám nói trước điều gì trong thị trường mà cuộc chơi thuộc về các đối thủ có tiềm lực tài chính và là cuộc đua đường dài”, ông Bình nhận xét.

Theo VNDirect, thương mại điện tử Việt Nam vẫn đang trong cuộc đua "đốt tiền". Ngành thương mại điện tử Việt Nam vẫn còn rất non trẻ, nên các doanh nghiệp phải đầu tư rất nhiều vào quảng cáo, hạ tầng kho bãi, nguồn nhân lực…, nhằm định vị tên tuổi của mình.

Còn theo đánh giá của ông Trần Trọng Tuyến, CEO Công ty công nghệ Sapo, cuộc đua “đốt tiền” giữa các công ty sẽ tiếp diễn. Để giúp một trang thương mại điện tử phát triển, ngoài tài chính khủng, các công ty còn cần có một chiến lược đủ dài, đủ rộng, đủ để bỏ xa các đối thủ khác.

Hữu Tuấn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục