Bên cần gặp bên có
Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, năm 2023, số lao động Việt Nam sang Nhật làm việc chiếm đến hơn một nửa tổng số lao động đi ra nước ngoài, đạt trên 74.000 người. Tính đến đến cuối năm 2023, số lượng người lao động mang quốc tịch Việt Nam chiếm 25,3% trong tổng số hơn 2 triệu lao động nước ngoài đang làm việc tại Nhật Bản, với khoảng 518.364 người. Bốn tháng đầu năm 2024, Nhật Bản tiếp tục là điểm đến yêu thích nhất của lao động Việt, khi thị trường này tiếp tục giữ vị trí số 1, với khoảng 30.000 lao động.
Nhiều năm liền, Nhật Bản trở thành “miền đất hứa” với nhiều người Việt Nam. Theo đó, cũng xuất hiện nhiều doanh nghiệp tư vấn, môi giới và đưa người lao động sang thị trường này. Tuy nhiên, trên thực tế, dù nhận ra Nhật Bản là thị trường tiềm năng, nhưng nhiều doanh nghiệp Việt Nam từng tham gia mảng này cũng phải từ bỏ cuộc chơi bởi không đủ tiềm lực tài chính, thiếu mạng lưới và hệ thống tuyển sinh, đào tạo, thu xếp việc làm ở cả hai đầu Việt Nam và Nhật Bản. Đặc biệt, trên thị trường chưa có nhiều doanh nghiệp lớn nào làm về mảng lao động có kỹ năng, tay nghề, nên khoảng trống lao động này là khá lớn.
Quay trở lại câu chuyện của Cen Land. Sau giai đoạn thị trường bất động sản suy yếu mạnh bởi khủng hoảng kinh tế, dịch bệnh, là doanh nghiệp tham gia sâu trong mảng phân phối, phát triển bất động sản, Cen Land không tránh khỏi bị ảnh hưởng. Nhận thấy thực tế đó và trong nỗ lực tìm hướng đi mới, Cen Land đã nhanh chóng chuyển mình sang một số lĩnh vực mới phát triển các dịch vụ bất động sản chăm sóc sức khỏe, cung ứng nhân lực có tay nghề cho các thị trường tiềm năng như Đức, Nhật Bản..
Đến nay, sau một năm chính thức bước vào thị trường Cộng hòa liên bang Đức, Cen Land đã được biết đến nhiều hơn trong mảng đào tạo, cung ứng nhân lực và việc hướng sang đất nước mặt trời mọc đã được ban lãnh đạo doanh nghiệp này ấp ủ, chuẩn bị các nền tảng từ ở cả Việt Nam và Nhật Bản trong một thời gian dài.
Trao đổi với phóng viên Đầu tư Chứng khoán, ông Nguyễn Trung Vũ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Cen Land cho hay, Nhật Bản là thị trường vô cùng tiềm năng khi nước này đang bước vào giai đoạn dân số già, thiếu lao động có tay nghề, chuyên môn. Trong khi ngược lại, Việt Nam đang có nhiều lợi thế về dân số vàng, nguồn nhân lực. Đó chính là lý do để Cen Land mạnh dạn chuyển hướng sang lĩnh vực này.
“Trong chuyến làm việc, tìm hiểu thị trường lao động của tôi sang Nhật năm ngoái, chỉ một cuộc hội thảo giới thiệu của CEN đã thu hút gần 400 tổ chức, doanh nghiệp đến đặt vấn đề hợp tác nhận lao động sang làm việc”, ông Vũ nói và cho biết thêm, ông được truyền cảm hứng từ đại thành công của FPT khi xuất khẩu nhân sự phần mềm sang Nhật.
“Từ nhân sự IT, đến nhân sự y tế, dịch vụ khách sạn, nông nghiệp…, người Nhật đều rất khát”, Chủ tịch CenLand cho biết.
Theo Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), Nhật Bản đang đối mặt với tình trạng già hoá dân số, thiếu hụt lao động trầm trọng, đặc biệt là lao động trẻ có tay nghề. Và để thu hút lao động nước ngoài có chất lượng, Nhật Bản dự kiến sẽ dừng chương trình thực tập sinh vào năm 2027, có thêm nhiều chính sách cởi mở hơn với lao động nước ngoài. Đây chính là cơ hội tốt cho người lao động Việt Nam nói chung, cho những doanh nghiệp đầu tư mạnh mẽ vào mảng du học, xuất khẩu lao động như Cen Land nói riêng.
Hiện, Cen Land đang tập trung vào mảng du học, đào tạo nhân sự có kỹ năng, tay nghề, chú trọng vào việc dạy tiếng, định hướng và đào tạo nghề bài bản cho các học viên Việt Nam trước khi sang Nhật. Để đáp ứng tốt yêu cầu công việc, Cen Land sẽ thành lập Công ty Cen Nhật hoạt động theo mô hình outsourcing (quản lý, cho thuê nhân sự), tập trung vào các ngành nghề đang khát nhân lực như: logistics, nhà hàng, khách sạn, sửa chữa cơ khí, điều dưỡng.
“Đồng Yên giảm giá do chính sách lãi suất âm của Nhật, nhưng chính sách này chắc chắn sẽ sớm thay đổi ngay trong năm nay khiến thu nhập của người lao động tăng lên. Đặc biệt, với cách làm “đi từ gốc đến ngọn” của CEN, lao động sang Nhật sẽ chi trả mức phí hợp lý hơn, giúp nhiều bạn trẻ đặc biệt ở các vùng nông thôn có cơ hội được học tập và làm việc tại Nhật dễ dàng hơn”, ông Nguyễn Trung Vũ cho biết.
Quy trình khép kín
Nhật Bản đang trong tình trạng già hóa dân số: 2050, dân số Nhật Bản sẽ giảm xuống còn 90 triệu người. Trong đó, số người trên 65 tuổi dự kiến chiếm khoảng 40% và số người dưới 15 tuổi chỉ chiếm khoảng hơn 8%.
Nhật Bản đang đối mặt với tình trạng thiếu lao động trầm trọng, đặc biệt là lực lượng nhân sự đã qua đào tạo và có kỹ năng tay nghề trong các ngành công nghệ thông tin, sản xuất và chăm sóc sức khỏe. Đến năm 2030, Nhật Bản dự kiến thiếu khoảng 630.000 lao động trong các ngành này.
Trao đổi cùng Đầu tư Chứng khoán, Nguyễn Văn Tài, Giám đốc Công ty cổ phần Cung ứng nhân lực Hà Thành, một đối tác của Cen Land cho hay, trong con mắt của các nhà sử dụng lao động phía Nhật Bản, người Việt Nam có ưu điểm học việc nhanh, chăm chỉ và phía Nhật Bản đánh giá rất cao các tố chất này.
Ông Tài cho hay, khoảng 20 năm về trước, người Việt giỏi, đi thực tập sinh chủ yếu là người tốt nghiệp cao đẳng, đại học, có trình độ khá nên được phía Nhật đánh giá cao. Sau đó, có một thời gian chất lượng nguồn nhân lực bị giảm sút, giờ là lúc thích hợp để thực hiện lại giai đoạn huy hoàng ngày trước. Đó cũng là lý do để Hà Thành đồng hành cùng Cen Land phát triển thị trường Nhật Bản.
Ông Tài cũng cho biết thêm rằng, với mô hình của Cen Land, cơ bản các học viên chỉ mất phí đào tạo, công sức học, với chi phí không đáng kể. Các công ty như phía Cen Land hay Hà Thành chủ yếu nhận chi phí từ các bên tuyển dụng Nhật, do đó, số tiền các học viên phải nộp có thể giảm từ mức phổ biến trên thị trường hiện nay là 110 triệu đồng/người xuống mức thấp hơn.
Cũng cho biết thêm về cơ hội tại thị trường Nhật Bản, ông Nguyễn Đức Long, Giám đốc Công ty cổ phần Camon Group cho biết, Camon Group đóng chân ở Osaka, sau một thời gian dài hoạt động đã được cộng đồng ghi nhận là doanh nghiệp có uy tín trong lĩnh vực bất động sản cho thuê, đưa đón, hỗ trợ du học sinh, hỗ trợ sinh viên, người lao động tìm việc như điều dưỡng, kỹ sư…
Ông Long cho hay, ưu tiên của doanh nghiệp là lựa chọn các công ty Nhật đối xử tốt với người lao động, lương cao. Bản thân Camon Group cũng không thu phí của người lao động, mà sẽ nhận thù lao từ phía các đơn vị tuyển dụng.
Thông qua việc hợp tác với Cen Land, ông hy vọng, Cen Land sẽ đào tạo được lực lượng nhân sự tốt nhất, hoàn chỉnh nhất trước khi đưa sang Nhật, và quan trọng là không chỉ dạy tiếng, kiến thức mà cả về văn hoá, để người lao động dễ hoà nhập với môi trường Nhật, điều này sẽ đảm bảo thành công cho người lao động cũng như người sử dụng lao động.
Quay trở lại câu chuyện của Cen Land, doanh nghiệp này hiện đã xây dựng được một lực lượng đông đảo các đối tác, là cánh tay nối dài để hoàn thiện quy trình tuyển sinh, đào tạo, đưa lao động sang Nhật làm việc.
Theo ông Vũ, Cen Land sẽ hỗ trợ người lao động từ đầu cho đến khi sang Nhật Bản lao động, hỗ trợ người lao động trong suốt quá trình làm việc tại Nhật Bản trong hệ sinh thái khép kín và đa dạng của mình.
“Chúng tôi không chỉ đưa người lao động sang Nhật như cách làm thông thường, mà quy trình của Cen Land là khép kín, từ tuyển dụng, đào tạo, đưa sang Nhật, bố trí việc làm, hỗ trợ người lao động trong suốt thời gian tại Nhật Bản đến khi về nước. Để làm được điều này, Cen Land đã hợp tác cùng nhiều bên, là các cánh tay nối dài của doanh nghiệp nhằm đáp ứng tốt nhất công tác nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cũng như thoả mãn các yêu cầu từ phía sử dụng lao động”, ông Vũ nói.