Chuyện gian lận trong nội bộ ngân hàng

(ĐTCK)  Nhóm nhân viên Ngân hàng Agribank đã sử dụng user và password của cấp quản lý vào mạng nội bộ và tất toán khống 177 sổ tiết kiệm.

Agribank đã bị thất thoát hơn 40 tỷ đồng khi bị nhân viên rút khống 177 sổ tiết kiệm của khách hàng

 

Ngân hàng, với bản chất hoạt động là kinh doanh tiền tệ nên luôn phải đối mặt với nguy cơ bị gian lận, thậm chí lừa đảo để chiếm đoạt vốn từ cả bên ngoài lẫn bên trong. Nhiều vụ việc, khách hàng có chủ đích lừa đảo ngân hàng khi làm hồ sơ, giấy tờ giả để vay vốn rồi chiếm đoạt. Nhưng thời gian gần đây đã có rất nhiều vụ việc gian lận từ nội bộ ngân hàng và thường để lại hậu quả rất nghiêm trọng, bởi các cán bộ ngân hàng là những người hiểu rõ nhất hệ thống quản trị nội bộ và các chốt kiểm soát được thiết lập và hoạt động ra sao.

Nhìn từ thực tế, hành vi thực hiện gian lận phổ biến là làm giả chứng từ giao dịch, lợi dụng thông tin khách hàng, lợi dụng quyền hạn và uy tín để gian lận, lừa đảo khách hàng. Như vụ án Huỳnh Thị Huyền Như là một ví dụ điển hình.

Một vụ án khác cũng gây bất ngờ với dư luận là vụ án rút khống 177 sổ tiết kiệm của một nhóm nhân viên Agribank được đưa ra xét xử vào năm ngoái. Nhóm nhân viên này đã sử dụng user và password của cấp quản lý vào mạng nội bộ và tất toán khống 177 sổ tiết kiệm. Nhân viên hậu kiểm đã tiếp tay cho hành vi gian lận này bằng cách bỏ qua quy trình hậu kiểm, chỉ kiểm tra trên máy mà không đối chiếu chứng từ gốc dẫn đến thất thoát hơn 40 tỷ đồng của Nhà nước.

Trong vụ án đang được điều tra, nguyên Giám đốc chi nhánh Hồng Hà của Ngân hàng Agribank đã bị bắt để điều tra về hành vi lạm dụng quyền hạn chức vụ. Vị giám đốc này đã ký bảo lãnh không hồ sơ, không hạch toán, không thu phí bảo lãnh cho một số DN với số tiền lên tới vài trăm tỷ đồng.

Theo Luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc điều hành Công ty Luật Basico, trong số các gian lận nội bộ xảy ra tại ngân hàng, gian lận lợi dụng vốn của ngân hàng để thực hiện các giao dịch vượt qua giới hạn pháp luật là gian lận rất nguy hiểm. Nó ảnh hưởng đến nguy cơ thanh khoản và an toàn vốn của ngân hàng. Thông thường, gian lận kiểu này xảy ra ở các cấp lãnh đạo ngân hàng, thậm chí là cấp cao nhất và khi đó thủ đoạn lợi dụng ở mức tinh vi và quy mô lớn hơn.

Ngoài ra, cấp nhân viên cũng có thể gian lận ở quy mô nhỏ như bỏ qua mục đích sử dụng vốn vay của khách hàng và tiến hành cho vay dù khoản vay không đủ điều kiện, gây ra rủi ro tín dụng cho ngân hàng. Hoặc những gian lận tài chính phổ biến khác như lợi dụng lợi thế của ngân hàng để mưu cầu tư lợi cá nhân thông qua các thỏa thuận với các đơn vị liên kết cung cấp dịch vụ.

Làm thế nào để hạn chế gian lận nội bộ, LS. Hải cho rằng, yếu tố quan trọng nhất là giới chủ ngân hàng, việc kiểm soát chặt chẽ hơn phải được bắt đầu từ đây. Nếu giới chủ “có vấn đề” thì không có quy trình, hệ thống kiểm soát nào có thể “quản” được. Đối với rủi ro thanh khoản, giới chủ hoàn toàn có thể hạn chế được, còn đối với các rủi ro kinh doanh xảy ra trong hoạt động thường ngày, ngân hàng có thể tăng cường đào tạo nghiệp vụ, tăng cường cơ chế kiểm soát nội bộ, đưa ra chế tài “mạnh”… Thực tế cho thấy, để bảo đảm an toàn tài sản, an toàn tiền gửi trong ngành ngân hàng, thì quy trình mới chỉ bảo đảm điều kiện “cần”, còn điều kiện “đủ” là sự quản lý chặt chẽ về mặt con người trong quá trình tác nghiệp. Điều này đòi hỏi các ngân hàng phải có biện pháp tổng hợp từ khâu thẩm tra tuyển dụng chặt chẽ, tập huấn đào tạo nghiệp vụ và tư duy trách nhiệm pháp lý thường xuyên cho nhân viên, kết hợp với các biện pháp kiểm soát thường xuyên và các phương án chủ động phòng chống các rủi ro hoạt động.

Ông Chris Costa, Giám đốc điều hành khối dịch vụ kế toán pháp lý của Ernst & Young cho rằng, gian lận nghiêm trọng nhất và thường xuyên nhất lại đến từ chính bộ phận quản lý cấp cao. Và để hạn chế gian lận nội bộ, cần có đánh giá tổng thể về tất cả rủi ro gian lận của công ty. Việc đánh giá cần thực hiện với tất cả các bên có lợi ích liên quan để đưa ra danh mục rủi ro gian lận. Dựa trên danh mục đó, DN xây dựng chương trình kiểm soát rủi ro gian lận và chương trình này phải được phổ biến, thực hiện, đào tạo tới các cấp nhân viên. Khi hệ thống kiểm soát đã hoạt động, tiếp theo, cần có kiểm toán nội bộ để kiểm tra hệ thống có được thực hiện chặt chẽ hay không, bởi các rủi ro thường xuyên thay đổi khi có sản phẩm mới, thị trường mới. Ngoài ra, DN nên có cơ chế tố giác bí mật, bởi kinh nghiệm cho thấy, ở các DN có cơ chế này thì gian lận được phát giác nhanh chóng và xử lý kịp thời hơn.                                 

Hoàng Duy
Hoàng Duy

Tin cùng chuyên mục