Chuyên gia Yuanta: "Tránh mua đuổi penny, đề phòng cuối tuần có điều chỉnh"

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Theo chuyên gia, sóng tăng hai ngày qua chủ yếu do tâm lý và do nhịp tăng lại của nhóm cổ phiếu vốn hoá nhỏ đã bị chiết khấu sâu trước đó. Nhà đầu tư hạn chế mua đuổi vì áp lực điều chỉnh đang khá cao.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam khuyến nghị, giai đoạn này nên hạn chế mua đuổi cổ phiếu penny. Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam khuyến nghị, giai đoạn này nên hạn chế mua đuổi cổ phiếu penny.

Sau chuỗi ngày giằng co nhàm chán, hai phiên đầu tuần (29 và 30/5), chỉ số VN-Index bất ngờ tăng hơn 14 điểm so với phiên cuối tuần trước, đạt 1.078,05 điểm.

Dòng tiền cũng hưng phấn hơn khi giá trị giao dịch phiên 29/5 đạt 13.788 tỷ đồng; phiên 30/5 vọt lên mức 16.424 tỷ đồng, trong khi vài tháng nay chỉ trên dưới 10.000 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam đã trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán một vài nhận định về thị trường.

Theo ông, điều gì làm nên hai phiên tăng điểm vừa qua?

Theo tôi, có mấy nguyên nhân sau đây:

Thứ nhất, tháng 4 vừa rồi nhóm cổ phiếu penny đã giảm rất mạnh, nhiều cổ phiếu liên tục giảm sàn với mức chiết khấu sâu và theo quy luật sau khi tích luỹ đủ thì nó sẽ tăng lại. Nhịp tăng vừa rồi chủ yếu do penny.

Thứ hai, thông tin ngân hàng hạ lãi suất điều hành khiến lãi suất huy động có xu hướng giảm về vùng cuối năm 2021 khiến dòng tiền đang "trú ẩn" ở kênh tiết kiệm bắt đầu dịch chuyển sang các kênh đầu tư, trong đó có chứng khoán.

Tất nhiên dòng tiền này mới dịch chuyển một phần, nhà đầu tư vẫn còn khá thận trọng nên họ có xu hướng lựa chọn chiến lược đầu tư "lướt sóng" thay vì mua ôm những cổ phiếu bluechip dài hạn như hồi năm 2021.

Và với chiến thuật "lướt sóng", nhà đầu tư sẽ đánh giá lãi suất giảm thì tìm kiếm mã nào đã giảm sâu để mua, thậm chí giảm dưới giá trị sổ sách và họ chọn penny. Đây là nhóm cổ phiếu được nhà đầu tư ưu tiên lựa chọn giai đoạn này. Bởi vì, không ai lướt sóng ngắn lại chọn bluechip do bluechip phải có chu kỳ sống nhất định.

Thứ ba, là nguyên nhân có tính chu kỳ. Trước động thái nới lỏng tiền tệ trở lại, mặc dù nền kinh tế chưa phục hồi nhưng vì thị trường chứng khoán là "hàn thử biểu" của nền kinh tế nên nó luôn phục hồi trước.

Diễn biến chỉ số VN-Index ngày 30/5/2023 (nguồn: FireAnt)
Diễn biến chỉ số VN-Index ngày 30/5/2023 (nguồn: FireAnt)

Có nghĩa là, nhịp tăng vừa rồi chỉ là "tạm ứng kỳ vọng"?

Đúng vậy, nhịp tăng điểm vừa rồi hoàn toàn là tăng do tâm lý chứ chưa doanh nghiệp nào hồi phục. Muốn hồi phục, nhanh nhất cũng phải hết quý III/2023 chúng ta mới có thể nhìn thấy bức tranh sáng hơn một chút.

Tôi cho rằng, thị trường hiện nay đang vận động cân bằng lại sau giai đoạn khó khăn vừa rồi. Để nền kinh tế và doanh nghiệp hồi phục thì cần phải đợi đến hết năm 2023, sau đó sẽ hồi phục mạnh trong năm 2024.

Vậy theo ông, xu hướng từ nay đến cuối tuần sẽ thế nào?

VN-Index hiện đang tiến về vùng 1.080 - 1.085 điểm, đây là ngưỡng cản khá mạnh (được thiết lập từ hôm 5/4). Trước đó nó đã có lần áp sát ngưỡng cản này nhưng không vượt qua được, lại quay về điều chỉnh. Cho nên không dễ để vượt qua ngưỡng cản này.

Mặt khác, chúng ta vẫn nói thị trường bị dẫn dắt chủ yếu bởi nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn, nhưng giai đoạn này nhóm vốn hoá lớn chưa đủ mạnh để dẫn dắt thị trường. Vừa rồi thị trường tăng chủ yếu do penny tăng (nhiều mã penny đã tăng 17-18% thậm chí vài chục phần trăm), nên sắp tới nó cũng sẽ điều chỉnh từ penny và ảnh hưởng tới toàn thị trường. Thông thường, những dòng tiền "nóng" kiểu này vào nhanh cũng sẽ ra nhanh.

Theo tôi, áp lực điều chỉnh trong tuần này khá cao. Về kỹ thuật, khi chỉ số tiến vào cùng cản mạnh 1.080 - 1.085 thì cần phải có điều chỉnh để dòng tiền cơ cấu lại danh mục, nhà đầu tư hạ bớt tỷ trọng và chuyển sang nhóm cổ phiếu mới.

Về cơ bản, thị trường muốn đi lên bền vững thì vẫn phải trông đợi vào nhóm cổ phiếu midcap và largecap, chứ penny không giúp thị trường tăng bền.

Nghĩa là, thời điểm này mà vào penny thì rủi ro sẽ cao?

Chính xác. Cái gì tăng nóng thì nó sẽ điều chỉnh nóng. Trong giai đoạn này, nhà đầu tư cần tránh FOMO, hạn chế mua đuổi những cổ phiếu penny đã tăng mạnh, đề phòng có điều chỉnh vào cuối tuần.

Như ông nói, từ quý III/2023, kinh tế và doanh nghiệp sẽ hồi phục, thị trường chứng khoán sẽ bám vào yếu tố cơ bản. Vậy thời điểm này là phù hợp để giải ngân những cổ phiếu cơ bản nhằm đón sóng hồi phục phải không?

Đúng vậy. Chọn cổ phiếu cơ bản cho giai đoạn này, tôi khuyến nghị lựa chọn bất động sản và chứng khoán. Tôi cho rằng, đây sẽ là hai nhóm ngành dẫn dắt khi thị trường hồi phục. Ngoài ra, xây dựng và vật liệu xây dựng cũng khá tiềm năng, tuy nhiên chưa thể tăng mạnh bằng.

Trong nhóm bất động sản và chứng khoán, ông khuyến nghị những mã cụ thể nào?

Về bất động sản, tôi nhìn thấy tiềm năng nhất sẽ là VHM của Vinhomes. Nguyên nhân vì VHM, dù các yếu tố cơ bản không có gì xấu, nhưng năm 2021 chưa có sóng tăng đủ mạnh nên vẫn còn dư địa tăng, thậm chí sẽ là chủ lực cho thị trường.

Ngoài ra, một số mã bất động sản khá năng động về mặt thanh khoản, nhà đầu tư có thể tham khảo là NLG của Tập đoàn Nam Long, KDH của Khang Điền.

Về chứng khoán, SSI là mã khá tiềm năng do vừa rồi chưa tăng nhiều, so với đà tăng của những mã có thị giá nhỏ hơn như BSI, FTS... Lãi suất giảm, SSI cũng là đối tượng được hưởng lợi do thời gian gần đây, mảng kinh doanh đóng góp nhiều hơn cho SSI không còn là môi giới chứng khoán mà là tự doanh và kinh doanh nguồn vốn.

Ngoài SSI, một số mã chứng khoán khá tiềm năng mà nhà đầu tư có thể cân nhắc là HCM, VCI...

Minh Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục