Chúng tôi ngồi đó, trong một buổi chiều mượt như nhung giữa mùa thu Hà Nội. Trên bàn, hai ly vang ngọt mang hương vị quả phúc bồn tử, cam thảo và dâu tây, trẻ trung và đầy mới lạ.
Từ ngã rẽ đầu tiên
Biết nhau từ năm 2007, ngày đó, tôi là phóng viên chuyên trách cho Cuộc thi Rượu vang Quốc tế được tổ chức ở Việt Nam. Còn Tô Việt, anh mới về ở hẳn Việt Nam sau hơn 20 năm học tập, tu nghiệp và làm việc ở Pháp, nơi mà rượu vang vang danh khắp địa cầu.
Thi đậu học bổng Công pháp Quốc tế (do Đại sứ quán Pháp và Bộ Ngoại giao Việt Nam tổ chức), năm 1984, Tô Việt sang Pháp với giấc mơ trở thành luật sư. Nhưng cũng rất nhanh sau đó, qua những lần tiếp xúc với rượu vang, những cánh đồng nho, anh bị chinh phục và chuyển hẳn sang học về nghề thử nếm rượu.
Ngày đó, Tô Việt đã chọn thành phố Nice để học tập và xây dựng sự nghiệp. Nice là cửa ngõ, đồng thời là nơi mà dòng chảy văn hóa của cả Pháp và Italia đi qua.
Điều đó giúp anh có cơ hội tìm hiểu về rượu vang, nền văn hóa vang một cách đầy đủ nhất. Giai đoạn này, Tô Việt may mắn được các tên tuổi hàng đầu trong lĩnh vực thử nếm rượu thế giới là ông Frank Thomas và ông Gérard Basset chỉ dạy.
Chính việc được tiếp xúc với những con người tinh hoa nhất, tại cái nôi có nền sản xuất, văn hóa rượu vang rực rỡ nhất đã giúp anh nhanh chóng trở thành một chuyên gia thử nếm hàng đầu.
Trong hơn 20 năm định cư và làm việc tại Pháp, Tô Việt là thành viên tích cực của Hiệp hội Thử nếm rượu vang quốc tế (ASI), thành viên Hội Thử nếm rượu Pháp (USDF).
Anh từng đạt giải thưởng “Pioneer Award” dành cho người có nhiều cố gắng trong việc truyền bá văn hoá rượu vang ở Việt Nam nói riêng và châu Á nói chung tại Cuộc thi Rượu vang Quốc tế Starwine lần thứ II ở Phila denphia, Mỹ.
Miệt mài trong nhiều năm liền, Tô Việt đem tình yêu rượu vang và những kiến thức quý báu san sẻ với nhiều người..
Sự thực là tên tuổi của anh đã nổi danh và được giới sành rượu thế giới và khu vực biết đến, trước cả người yêu vang trong nước.
... Đến người truyền lửa
Nếu ngã rẽ năm 1984 đưa Tô Việt sang Pháp thì 20 năm sau, vào năm 2004, một ngã rẽ khác lại đưa anh về Việt Nam.
Năm 2004, Tô Việt về nước trong cương vị Giám đốc Chương trình Quảng bá văn hoá vang tại Việt Nam. Được sự giúp đỡ của Hội Thử nếm rượu vang quốc tế, Hội đồng Hành chính vùng Languedoc - Roussillon và Hội Những người bạn Đà Lạt (ADALY) ở thành phố Montpellier (Pháp), anh nỗ lực đưa văn hoá vang vào Việt Nam, truyền bá và nâng cao kiến thức về rượu vang với người tiêu dùng trong nước, giúp các nhà sản xuất nâng cao chất lượng rượu.
Tô Việt đã có hàng trăm buổi giảng dạy về rượu vang cho các cán bộ cấp trung ương, cho các trường đại học, tư vấn giúp đỡ các nhà sản xuất vang trong nước, các nhà nhập khẩu vang ngoại trong việc cải tiến công nghệ và lựa chọn sản phẩm.
Phân phối rượu vang không hẳn là lĩnh vực dễ dàng hốt bạc như nhiều người lầm tưởng
Thời gian đầu, anh di chuyển như con thoi giữa Việt Nam và Pháp để vừa hoàn thành các công việc ở ASI, USDF, vừa hoàn thành nghĩa vụ của một sứ giả rượu vang tại Việt Nam.
Năm 2008, Tô Việt chính thức khai trương mô hình Toviet Wine Cellar - một showroom giới thiệu, bán và là nơi diễn ra các hoạt động liên quan đến rượu vang, văn hóa rượu vang. Anh cũng là người sáng lập Câu lạc bộ Những người yêu rượu vang Hà Nội (Hanoi Vino Club).
Tại Toviet Wine Cellar kios 2 Nhà GH3 CT17 Green House, Việt Hưng, Long Biên, Hà Nội, các hoạt động về rượu vang được duy trì hàng tuần. Tối thứ Năm là các buổi thử mù (Blind Tasting) và tối thứ Sáu là các buổi thử nếm rượu vang.
Nếu tối thứ Năm chủ yếu dành cho các thành viên Hanoi Vino Club và những người có kiến thức, nền tảng nhất định về rượu vang, thì buổi tối thứ Sáu là một sự kiện mở, dành cho cả những người mới bắt đầu tìm hiểu.
Trong các buổi sinh hoạt nói trên, người tham gia không những được trải nghiệm các cung bậc cảm xúc cùng vang, mà còn được chính Tô Việt và các cộng sự, là những chuyên gia rượu vang chia sẻ kinh nghiệm về thẩm vang, về các nhà sản xuất, các giống nho… Miệt mài trong nhiều năm liền, anh đem tình yêu rượu vang và những kiến thức quý báu san sẻ với nhiều người.
Là người có kinh nghiệm, kiến thức, nhận được sự ủng hộ của nhiều bằng hữu, lại kết hợp mô hình kinh doanh rượu vang đơn thuần và các hoạt động về văn hóa rượu, nhưng để duy trì các hoạt động thường kỳ về rượu vang đòi hỏi Tô Việt phải nỗ lực rất nhiều.
“May ra hòa vốn, nhiều khi lỗ, vì với mức thu phí vài trăm nghìn đồng/người, chúng tôi phải rất cố gắng để duy trì hoạt động”, lời chia sẻ của anh cho thấy, phân phối rượu vang không hẳn là lĩnh vực dễ dàng hốt bạc như nhiều người lầm tưởng.
Còn đó những trăn trở
Thị trường rượu vang những năm gần đây phát triển khá tốt, thói quen tiêu dùng thay đổi theo chiều hướng đi lên. Người dân ngày càng hướng đến những sản phẩm chất lượng cao hơn và có một bộ phận không nhỏ chuyển dần từ sử dụng rượu mạnh sang rượu vang.
Trong hơn 10 năm qua, với cương vị chuyên gia rượu vang được đào tạo một cách bài bản có thể nói là đầu tiên của Việt Nam, Tô Việt đã miệt mài truyền bá văn hóa vang đến với người yêu vang trong nước. Anh đã thành công khi cấy “mã gien” yêu vang với nhiều người Việt, mà bản thân người viết là một ví dụ.
Nhìn vào sự thăng hoa của thị trường, nhiều người cho rằng, rượu vang đang là lĩnh vực hốt bạc. Tuy nhiên, theo quan điểm của Tô Việt, đây là thị trường tiềm ẩn nhiều rủi ro với những người làm kinh doanh.
“Không giống như các mặt hàng khác, rượu vang là sản phẩm khá đặc thù, do vậy để có thể kinh doanh rượu vang, không chỉ đòi hỏi các mối quan hệ xã hội phong phú, kiến thức và đam mê, mà một yếu tố tiên quyết là phải dài vốn.
Có thể bạn có tiền nhập một vài container rượu, nhưng ít nhất, bạn phải có số vốn gấp 2 - 3 lần, vì rượu vang là sản phẩm không dễ tiêu thụ và kén khách. Nếu không trường vốn, câu chuyện lỗ có thể nhìn thấy ngay từ lúc đầu”, Tô Việt nói.
Một vấn đề khác là thuế dành cho rượu vang khá lớn. Theo Tô Việt, mức áp thuế cho rượu vang hiện nay là 145%, tương đối cao so với các nước trong khu vực (chỉ thấp hơn một số quốc gia đạo hồi như Malaysia, Indonesia). Ngoài ra, câu chuyện thuế tạm tính cũng là một mối lo lớn.
Có những doanh nghiệp trong năm vừa qua bị truy thu hàng chục tỷ đồng tiền thuế, tính từ năm 2008, trong đó doanh nghiệp bị truy thu 28 tỷ đồng, có doanh nghiệp bị truy thu 80 tỷ đồng.
Khái niệm thuế tạm tính dẫn đến việc các doanh nghiệp không lường được những bất trắc về cơ chế tính thuế. Với mức truy thu lớn như vậy, doanh nghiệp khó có khả năng trả nợ, thậm chí phá sản.
Ngoài ra, câu chuyện về cách tính thuế bình quân trên cơ sở các dòng nho cũng đang cho thấy không ít bất cập. Ví dụ, với các loại rượu được làm từ nho Merlo, hiện mức thuế suất ban đầu là từ 4 USD/chai.
Điều này là bất hợp lý khi có những chai rượu nhập khẩu có giá mua không đến 4 USD. Hoặc, với các chai rượu có dung tích khác nhau, việc áp mức thuế chung trên đầu chai gây thiệt hại cho nhà nhập khẩu khi muốn nhập rượu có dung tích nhỏ.
Đáng chú ý, trên thị trường có tình trạng cùng một nhãn rượu, cùng niên vụ, nhưng giá bán mỗi nơi mỗi khác, thậm chí có những sản phẩm mà giá bán có thể chênh nhau 2 lần.
Theo Tô Việt, tình trạng này là bởi vì Việt Nam đang thiếu một hiệp hội ngành nghề điều tiết hoạt động. Các nhà nhập khẩu và phân phối thì vẫn mạnh ai nấy làm.
Thực tế này đòi hỏi cần sớm ra đời một hiệp hội các nhà nhập khẩu rượu vang, hỗ trợ các đơn vị thành viên trong hoạt động. Quan trọng hơn, hiệp hội có thể giúp điều tiết thị trường, hạn chế tình trạng bát nháo trong việc bán rượu như hiện tại.