Ông Lê Quang Hưng cho rằng, mức định giá thị trường hiện tại khá hợp lý để đầu tư trong dài hạn, nhất là khi nhà đầu tư kỳ vọng vào câu chuyện tăng trưởng lợi nhuận trong năm sau dẫn tới định giá P/E của thị trường Việt Nam hấp dẫn hơn so với trung bình dài hạn. Không chỉ là cổ phiếu, tỷ trọng đầu tư cũng nên phân bổ đến những tài sản liên quan đến thu nhập cố định như trái phiếu hay tiền gửi có kỳ hạn, chứng chỉ tiền gửi,…
Kênh trái phiếu mang lại thu nhập ổn định, nhà đầu tư có thể cân nhắc. Ông Hưng đánh giá kênh đầu tư này sẽ phát triển tốt trong năm 2025, đặc biệt khi thị trường đã dần hồi phục sau khi trải qua những biến động lớn trong giai đoạn 2022-2023. Đồng thời gần đây, những chính sách mới, luật mới liên quan đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp được đưa ra nhằm tăng tính minh bạch, bảo vệ nhà đầu tư, hướng tới sự phát triển bền vững của thị trường. Hiện trái phiếu doanh nghiệp cũng đang dần lấy lại được niềm tin của nhà đầu tư.
"Thị trường trái phiếu kỳ vọng sẽ phát triển tốt trong năm 2025", ông Lê Quang Hưng nhận định, đồng thời đưa ra phân tích, năm 2024 thị trường trái phiếu có sự phục hồi mạnh về giá trị phát hành nhưng chủ yếu đóng góp đến từ khối ngân hàng, nhóm các doanh nghiệp bất động sản hồi phục với tốc độ chậm. Thị trường bất động sản đang hồi phục có thể dẫn đến nhu cầu phát hành trái phiếu mới cho các dự án tiềm năng. Mặt khác, tình hình cấu trúc nợ của các trái phiếu chậm trả trước đây đang có những tín hiệu khả quan với khối lượng trái phiếu đã thanh toán và tái cấu trúc tăng dần, tỷ lệ thu hồi trái phiếu chậm trả có xu hướng tăng dần theo thời gian. Niềm tin của nhà đầu tư đối với thị trường này đang dần hồi phục.
|
Hội thảo Đầu tư 2025: Giải mã biến số- Nhận diện cơ hội thu hút sự quan tâm của đông đảo nhà đầu tư. Ảnh Chí Cường. |
Chia sẻ sự khác biệt trong hoạt động của các quỹ nội và quỹ ngoại, ông Hưng cho rằng, khác biệt lớn nhất là phạm vi đầu tư. Quỹ nội đầu tư các tài sản tại thị trường Việt Nam như cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ tiền gửi. Quỹ ngoại có nhiều lựa chọn hơn ở các thị trường khác, dòng tiền luân chuyển giữa các thị trường các nước khác nhau, ngoài ra cũng phải cân nhắc đến đến áp lực tỷ giá. Như trong năm 2024 dòng tiền quỹ ngoại rút ròng nhiều do: mặt bằng lãi suất cao được duy trì tại Mỹ, động thái hiện thực hóa lợi nhuận từ các nhà đầu tư nước ngoài để chuyển sang các thị trường khác có mức sinh lời tốt hơn (Mỹ, Nhật,…).
“Ở góc nhìn quỹ nội, chúng tôi đánh giá cao triển vọng thị trường cổ phiếu Việt Nam trong thời gian tới, với tác động tích cực từ việc nâng hạng thị trường, kết quả kinh doanh tăng trưởng giúp định giá hấp dẫn hơn, bên cạnh đó là tỷ lệ sở hữu khối ngoại tại thị trường chứng khoán Việt Nam Việt Nam đang ở mức thấp. Nếu thị trường chứng khoán Việt Nam có câu chuyện riêng, thu hút được dòng tiền ngoại quay trở lại thì dư địa tăng trưởng của thị trường sẽ khá hấp dẫn”, ông Lê Quang Hưng, Giám đốc Cao cấp Phân tích đầu tư Techcom Capital nhận định.