Chuyên gia tài chính: Silicon Valley Bank sẽ trụ vững nếu đây không phải thời kỳ của mạng xã hội

0:00 / 0:00
0:00
Silicon Valley Bank (SVB) sụp đổ trở thành hiện tượng “bank run” từ mạng xã hội đầu tiên trong lịch sử. Khủng hoảng này sẽ khiến ngành ngân hàng thay đổi mãi mãi.
Chuyên gia tài chính: Silicon Valley Bank sẽ trụ vững nếu đây không phải thời kỳ của mạng xã hội

Sự sụp đổ của Silicon Valley Bank diễn ra với tốc độ nhanh nhất trong lịch sử, chủ yếu bởi tâm lý khủng hoảng được tạo ra từ các chia sẻ/post trên mạng xã hội, đặc biệt là trên Twitter. Theo giới chuyên gia, có khả năng lớn Silicon Valley Bank sẽ trụ vững nếu đây không phải thời kỳ của mạng xã hội.

Tình trạng “bank run” (sự kiện khách hàng rút tiền đồng loạt khiến ngân hàng gặp rủi ro mất khả năng chi trả và thanh toán) đã từng diễn ra trước đây. Tuy nhiên, tốc độ sụp đổ trong thời đại công nghệ khiến ngành ngân hàng, giới chức quản lý và cả các chuyên gia bị sốc.

Sự lo lắng từ cộng đồng nhanh chóng được “phóng đại” và lan rộng thông qua mạng xã hội. Từ khoá “SVB” được nhắc tới trên Twitter khoảng 200.000 lần trong ngày thứ Năm (9/3). Cũng trong ngày “định mệnh” này, các khách hàng của SVB rút 42 tỷ USD ra khỏi nhà băng, tương đương rút 500.000 USD mỗi giây trong suốt hơn 24 giờ. Tới thứ Sáu (10/3), nhà quản lý và Công ty Bảo hiểm tiền gửi liên bang (FDIC) đã phải nhập cuộc, đóng cửa hoạt động của SVB.

Tom Vartanian, tác giả của cuốn sách “200 Years of American Financial Panics” (Những vụ hoảng loạn của thị trường tài chính Mỹ trong 200 năm), chuyên gia tại Hội đồng Liên bang các nhà cho vay trong cuộc khủng hoảng cuối những năm 1980 nhận xét: “Chưa bao giờ có một nhà băng sụp đổ nhanh tới vậy”.

“Tốc độ nhanh chóng của cuộc khủng hoảng và sự bùng phát thông tin trên mạng xã hội đã nhắc nhở thị trường rằng, chúng ta đang sống trong thời đại thống trị của công nghệ, trong khi hệ thống các quy tắc quản lý được xây dựng từ những năm 1930. Toàn bộ hệ thống cần phải nhìn lại sự khác biệt của môi trường công nghệ hiện nay và sẽ có nhiều quy định về thanh khoản, tỷ lệ an toàn… của các nhà băng cần được xem xét lại”, Tom Vartanian cho biết.

Một vấn đề khác là việc bảo đảm cho các khoản tiền gửi. FDIC sẽ bảo đảm cho các khoản tiền gửi với giá trị không quá 250.000 USD. Khi nhà băng gặp “rắc rối”, người gửi tiền có thể nhận lại tiền gửi của mình tại ngân hàng, nhưng không quá 250.000 USD.

Trong khi đó, trường hợp của SVB rất đặc biệt. Đa phần khách hàng của nhà băng là công ty khởi nghiệp, quỹ đầu tư mạo hiểm và các nhà sáng lập công ty công nghệ giàu có. Tài khoản của các khách hàng chủ yếu trên 250.000 USD. Tính tới cuối năm 2022, tỷ lệ tiền không được bảo đảm bởi FDIC tại SVB lên tới 88%.

Để so sánh, tính tới cuối năm 2022, khoản tiền gửi tại JPMorgan được bảo đảm là 1,38 nghìn tỷ USD, so với tổng tiền gửi là 2,34 nghìn tỷ USD, tương đương tỷ lệ không được bảo hiểm tiền gửi là 59%. Con số này với Bank of America chỉ là 32%.

Vấn đề này đã khiến FDIC phải “nhượng bộ” khi xử lý khủng hoảng tại SVB. Thay vì thông báo thường thấy về việc khách hàng được bảo đảm với khoản tiền nhận về không quá 250.000 USD, FDIC cho biết, mọi khách hàng gửi tiền có thể tiếp cận đầy đủ tiền gửi. FDIC sẽ cung cấp tài liệu xác nhận tài sản cho người gửi tiền, trả trước một số phần tiền gửi và tiếp tục các phương án xử lý để có thêm tiền trả lại khách hàng của SVB.

Câu hỏi về việc tại sao các nhà băng lớn lại bị quản chặt, trong khi các nhà băng nhỏ hơn như SVB lại được “thả lỏng” hơn trong việc quản lý sẽ khiến giới chức tài chính Mỹ cần xem xét lại hành động đối với ngành ngân hàng trong thời gian tới.

Tư Thuần
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục