Tuần này, có nhiều sự kiện có tác động tới diễn biến thị trường như kỳ họp chính sách vào ngày 14/12 của Fed, đáo hạn hợp đồng tương lai, hoạt động cơ cấu ETF, và câu chuyện về room tín dụng được cởi mở hơn… Trong đó, động thái từ Fed sắp tới được đánh giá là yếu tố quan trọng.
Sáng nay (12/12), giá USD có sự biến động trái chiều ở các ngân hàng thương mại (tại EIB giữ nguyên giá mua vào 23.380 đồng/USD, bán ra 23700 đồng/USD; tại VCB tăng giá mua lên 23.450 đồng/USD, bán ra 23.760 đồng…), trong khi trên thị trường tự do, giá mua là 24.150 đồng/USD không đổi, nhưng chiều bán ra 24.220 đồng/USD, giảm 30 đồng so với cuối tuần.
Giới đầu tư kỳ vọng, xu hướng đồng USD giảm giá là cơ sở để Fed hạ mức tăng lãi suất từ 75 điểm xuống 50 điểm phần trăm vào cuộc họp tới.
Chia sẻ trong chương trình bí mật đồng tiền số 50, ông Hưng cho rằng, nếu là nhà đầu tư dài hạn thì không nên phản ứng với các thông tin kinh tế Mỹ hàng ngày bởi điều đó không có nhiều ý nghĩa. Hầu như tuần nào Mỹ cũng có những thông tin quan trọng và chúng ta không nhất thiết phải phản ứng theo hướng đấy.
Theo ông Hưng, sự giảm sâu của thị trường Việt Nam vừa qua liên quan chủ yếu đến vấn đề thanh khoản thị trường cổ phiếu lẫn trái phiếu, sự tác động của Fed sẽ ảnh hưởng ở một mức nhất định, nhưng không phải là trọng yếu.
Nhưng về góc nhìn thị trường năm tới, động thái của Fed vẫn là một trong những yếu tố trọng yếu tác động đến thị trường thế giới, trong đó có Việt Nam.
Ông Nguyễn Gia Khánh, Chuyên viên tư vấn chứng khoán CTCP Chứng khoán SSI nhìn nhận, xu hướng thị trường 2023 sẽ phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố vĩ mô. Vấn đề quan trọng nhất của vĩ mô hiện nay đó là lạm phát. Hầu như các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước đều đang đặt ra câu hỏi là khi nào Fed dừng tăng lãi suất và sau khi dừng tăng sẽ đi ngang trong bao lâu, cuối cùng thì khi nào sẽ bắt đầu quá trình giảm lãi suất.
“Khoảng 1 năm hoặc ít nhất là 2 quý, có nghĩa là đến quý I/2023 có thể Fed sẽ công bố 1 lộ trình về đợt tăng cuối cùng, tuy vậy cũng không thể khẳng định đó sẽ là đợt cuối cùng với các số liệu mà chúng ta đang có. Vậy thì cũng chưa thể khẳng định được liệu chúng ta có đi sideway sau quý 2 hay không”.
Còn quan điểm của ông Hưng, nếu sắp tới diễn ra sideway thì trạng thái ấy sẽ không quá dài (so với giai đoạn 2019), bởi nền kinh tế thế giới cũng như nền kinh tế Việt Nam tính chu kỳ đã ngắn hơn. Quan trọng nhất là Chính phủ Việt Nam hiện tại đã có sự phản ứng chính sách nhanh hơn và mạnh mẽ hơn.
Giai đoạn 2019, VN-Index đi khá lâu, bởi mất rất nhiều thời gian để giải quyết các vấn đề trong hệ thống ngân hàng, từ nợ xấu tăng cao, vấn đề thanh khoản. Sau đó, Chính Phủ mới bắt đầu đẩy mạnh các chương trình tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước và các thương vụ IPO nổ ra. Lúc ấy sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài quay trở lại, thị trường mới có mức tăng trưởng mạnh.
Trong giai đoạn vừa qua, thị trường Việt Nam và thị trường thế giới có lệch pha nhất định, thị trường Mỹ tăng mạnh từ đầu tháng 11 nhưng Việt Nam thì bắt đầu tăng từ cuối tháng, tuy vậy, để đánh giá, ông Hưng cho rằng thị trường Mỹ tăng là yếu tố đóng góp một phần cho sự phục hồi của thị trường Việt Nam.
Đóng góp chính cho đà phục hồi trên là các vấn đề mang tính chất thanh khoản ngắn hạn của một số doanh nghiệp hay một số ngành đang gặp khó khăn như bất động sản đã được giải quyết một phần và điều đó tạo tâm lý tích cực cho nhà đầu tư.
Nói tóm lại, các yếu tố nội ngoại đều có tác động, nhưng những yếu tố xuất phát từ nội tại doanh nghiệp tại Việt Nam có đóng góp nhiều hơn.
Liên quan đến thông tin NHNN công bố nới room tín dụng 1,5 - 2% cho hệ thống các tổ chức tín dụng, ông Hưng cho rằng không bất ngờ vì đã được nhiều chuyên gia và nhà đầu tư dự báo từ trước. Điều quan trọng, room được nới thì các ngân hàng có khả năng giải ngân được số tiền đấy hay không.
Hiện nay không còn nhiều ngân hàng giữ được chỉ số tài chính an toàn để có thể tiếp tục cho vay. Một số ngân hàng không có chỉ số tích cực, sẽ cần thiết phải tăng huy động lên, qua cơ sở đó sẽ thúc đẩy mặt bằng lãi suất tiếp tục tăng để ngân hàng có thể giải ngân. Bởi vậy, ông Hưng nhận định rằng, nhóm cổ phiếu sẽ được ảnh hưởng tích cực dựa trên thông tin trên sẽ là ngành ngân hàng, đặc biệt là những cổ phiếu top đầu ngành ngân hàng, như TCB.
Đối với nền kinh tế nói chung, việc nới room tín dụng nếu theo đúng định hướng của Chính phủ vào các ngành ảnh hưởng đến tăng trưởng, ví dụ như liên quan đến xuất khẩu, đầu tư… thì sẽ là tác động tốt. Còn nếu việc nới room tín dụng mà để giải quyết cho vấn đề thanh khoản của hệ thống chung thì sẽ khó cho tăng trưởng chung - ông Hưng phân tích thêm.
Đỉnh điểm đáo hạn trái phiếu có thể diễn ra vào quý II/2023 với khoảng 130.000 tỷ đồng khiến giới đầu tư e ngại. Chia sẻ thêm vấn đề này, ông Hưng cho rằng, trước đó, thị trường có sự quan tâm rất lớn vào tháng 12 vì lượng trái phiếu đáo hạn vào tháng cuối của năm 2022 là lớn nhất, và thanh khoản của cả hệ thống vào những tháng cuối năm thường sẽ khó khăn hơn nhưng ở thời điểm hiện tại, ít nhất là các doanh nghiệp nhỏ cũng đã xử lý được, còn các doanh nghiệp lớn vẫn gặp một số các khó khăn.
Tuy nhiên, một số vấn đề như room tín dụng được nới ra thì cũng đã “dễ thở” hơn, chưa kể thị trường chứng khoán cũng đã có một nhịp hồi nhất định. Do đó, những vấn đề liên quan đến tài sản đảm bảo bằng cổ phiếu đến thời điểm này đã được giải quyết khá nhiều.
Trong tháng 12, quan điểm ông Hưng cũng cho rằng, mọi thứ cũng đang tốt hơn so với các dự báo trước đây, còn câu chuyện năm sau sẽ phụ thuộc vào diễn biến thị trường.
Ông Hưng đặt giả định, nếu nửa đầu năm sau, nền kinh tế Việt Nam vẫn có mức tăng trưởng ổn định, thường áp lực tăng trưởng tín dụng ở những tháng đầu năm sẽ không cao như những tháng cuối năm nên thanh khoản chung cho hệ thống sẽ tốt hơn. Nhưng cũng không hẳn là quá tích cực. Nếu thị trường trái phiếu doanh nghiệp, chỉ cần liên quan đến trường hợp cụ thể, ngay cả khi 99% doanh nghiệp đã ổn, nhưng chỉ cần 1% nào đấy rơi vào trường hợp vỡ nợ cũng sẽ gây ra tâm lý rất tiêu cực với thị trường.