Chuyên gia SHS: “Chọn cổ phiếu hãy như phụ nữ chọn hàng hiệu”, khuyến nghị cổ phiếu cho 3 tháng cuối năm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chọn cổ phiếu hãy như phụ nữ chọn mua sắm hàng hiệu, bởi chất lượng sản phẩm tốt hàng đầu, nguồn cung “nhỏ giọt” nên giá bán cao, DN cũng vậy, chọn DN đầu ngành, vị thế cạnh tranh, “cung hàng” nhỏ giọt, có cổ đông lớn đồng hành, có chính sách cổ tức tốt. Còn khi chọn cổ phiếu, phải bám vào 2 chủ điểm “giá trị” và “xu hướng”.
Chuyên gia SHS: “Chọn cổ phiếu hãy như phụ nữ chọn hàng hiệu”, khuyến nghị cổ phiếu cho 3 tháng cuối năm

Đây là nội dung được ông Phan Tấn Nhật, Trưởng nhóm phân tích Công ty chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (SHS) chia sẻ trong hội thảo S-Weekends – là chuỗi sự kiện SHS Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh tổ chức dành riêng cho các thành viên Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa TP.Hà nội – văn phòng đại diện khu vực phía Nam (HanoiSME VP Phía Nam).

Ông Phan Tấn Nhật (áo trắng) và ông Ngô Thế Hiển
Ông Phan Tấn Nhật (áo trắng) và ông Ngô Thế Hiển

Ông Nhật cho biết, trong quý III/2024, VN-Index phục hồi tốt sau khi kiểm định lại vùng giá 1.180 điểm-1.200 điểm. Tuy nhiên chỉ số tiếp tục chịu áp lực điều chỉnh ở vùng kháng cự mạnh 1.300 điểm, là vùng giá cao nhất từ đầu năm 2024 đến nay, cũng như vùng đỉnh tháng 06, 08/2022. VN-Index ở vùng 1.300 điểm là kháng cự có tính chất cơ bản, cần động lực lớn từ các yếu tố vĩ mô, kết quả kinh doanh.

Hiện tại, thị trường vẫn đang nhận được hỗ trợ từ việc (1) Kinh tế tăng trưởng tốt; (2) Lãi suất ổn định trên nền thấp; (3) FED bắt đầu chu kỳ hạ lãi suất; (4) Thị trường trái phiếu và Bất động sản có dấu hiệu cải thiện. Tuy nhiên một số yếu tố bất định vẫn duy trì như (1) Căng thẳng địa chính trị trên thế giới gia tăng mạnh; (2) Diễn biến bầu cử tại Mỹ trong tháng 11.

VN-Index hiện duy trì tích lũy trong kênh giá với biên độ hẹp dần. SHS Research kỳ vọng trong quý IV khi căng thẳng địa chính trị trên thế giới hạ nhiệt, kết quả kinh doanh quý III của các doanh nghiệp tiếp tục đà tăng trưởng, VN-Index sẽ vượt lên vùng giá 1.300 điểm để hướng đến các vùng giá cao hơn 1.320 điểm- 1.350 điểm.

Về chủ điểm đầu tư cho 3 tháng cuối năm, ông Nhật chia sẻ cách chọn cổ phiếu nên ưu tiên chọn cổ phiếu của doanh nghiệp đầu ngành, có ban lãnh đạo uy tín, có cổ đông lớn đồng hành, “nguồn cung” cổ phiếu ra thị trường nhỏ giọt, có chính sách cổ tức tốt càng tốt. Khi bắt đầu giải ngân thì cân nhắc 2 chủ điểm “xu hướng” (DN có đang có xu hướng tăng trưởng, cổ phiếu có động lực tăng giá, …) và “giá trị” (cổ phiếu đang dưới giá trị?, cổ tức có hấp dẫn so với lãi suất ngân hàng? Dự báo hiệu suất có tăng tốt hơn tăng trưởng thị trường chung…).

Nguyên tắc phân bổ, nhà đầu tư nên chọn ngành có đóng góp chính vào tăng trưởng kinh tế và dự báo tốc độ tăng trưởng tốt hơn tăng trưởng GDP; mua cổ phiếu một ngành chỉ 1-2 mã cổ phiếu, và 1 mã cổ phiếu không quá 20% NAV.

Theo đó, ông Nhật có đưa ra các khuyến nghị cho nhóm cổ phiếu có thể xem xét đầu tư cho 3 tháng cuối năm 2024.

Bao gồm, Cảng biển, logistic, theo chuyên gia SHS Research, đây là ngành mà GDP tăng 1 điểm thì ngành này tăng trưởng 2 điểm. Luận điểm đầu tư cho ngành này là kim ngạch xuất khẩu dự báo tiếp tục gia tăng cho cả năm 2025 nhờ dòng vốn FDI vào Việt Nam vẫn tăng trưởng trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu liên tiếp phải đối mặt với nhiều sự kiện bất định. Động lực từ tăng 10% giá sàn phí bốc dỡ container quốc tế (cảng nước sâu +20%). Và hoạt động thúc đẩy đầu tư công, cải thiện năng lực hạ tầng giao thông, kết nối cảng biển.

Các mã cổ phiếu được khuyến nghị cụ thể là GMD, HAH, ACV, VTP.

Bất động sản KCN: Với luận điểm đầu tư là dòng vốn FDI duy trì tích cực trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc, châu Âu - Trung Quốc và thúc đẩy đầu tư công, cải thiện năng lực hạ tầng giao thông, hạ tầng năng lượng, công nghệ. Khi lựa chọn cổ phiếu, có thể chọn các cổ phiếu của doanh nghiệp có chất lượng tài sản tốt thì khi hết khấu hao, lợi nhuận sẽ tăng rất tốt, và cũng nên chọn doanh nghiệp ít vay nợ. Cổ phiếu khuyến nghị SZC, IDC, GVR, BCM, SIP, DPR.

Ngân hàng: Ngân hàng là ngành được xem là huyết mạch của nền kinh tế, cung cấp hỗ trợ vốn cho tăng trưởng. Kinh tế phục hồi, tín dụng tăng trưởng so với cùng kỳ hỗ trợ cho kết quả kinh doanh của ngành này.

Theo ông Ngô Thế Hiển, Phó phòng Phân tích SHS, ngành ngân hàng là xương sống của nền kinh tế, dư nợ tín dụng trên tăng trưởng GDP có chiều hướng ngày càng gia tăng, 2001 dư nợ tín dụng trên tăng trưởng GDP chỉ 40%, nay khoảng 130-140% - là nguồn cung cấp vốn chính cho doanh nghiệp.

Năm 2023, khi doanh nghiệp gặp khó khăn nên không có nhu cầu vốn tín dụng, chưa kể 2022 là khủng hoảng trái phiếu DN bất động sản. Nhưng năm 2024, nhiều ngân hàng được nới room tín dụng cho thấy nhu cầu tín dụng khả thi hơn. Xét về định giá, PB hiện 1,3-1,4 thấp hơn nhiều so với giai đoạn Coivd, khoảng 1,7-1,8 lần, có lúc 2,0 lần – cho thấy đây là mức định giá hấp dẫn.

Cổ phiếu khuyến nghị cụ thể CTG, BID, ACB, MBB

Đầu tư công: Hoạt động giải ngân đầu tư công thường được thúc đẩy mạnh vào giai đoạn cuối năm trong khi mới hoàn thành 45% kế hoạch so với mục tiêu 95%. Theo chuyên gia SHS, đây là ngành khó lựa chọn cổ phiếu, nhất là nhóm xây dựng, xây lắp khi biên lợi nhuận thấp, phải thu nhiều nên phải chọn lọc kỹ. Cổ phiếu khuyến nghị VCG, VLB.

Công nghệ thông tin: Ngành tăng trưởng tốt nhất trên thế giới và Việt Nam. Trong đó, FPT là doanh nghiệp hiếm hoi duy trì được tốc độ tăng trưởng 20%/năm. Luận điểm đầu tư của nhóm này được hỗ trợ bởi Cách mạng công nghiệp lần thứ 04 – Công nghệ, trí thông minh nhân tạo. Nhu cầu chuyển đổi số trong nước tăng nằm trong chiến lược quốc gia lấy Kinh tế là một trong những động lực tăng trưởng. Tốc độ phát triển kinh tế số của Việt Nam là nhanh nhất Đông Nam Á trong hai năm liên tiếp (28% vào năm 2022 và 19% vào năm 2023), vượt gấp 3,5 lần tốc độ tăng trưởng GDP.

Bên cạnh đó là cơ hội hợp tác với các tập đoàn lớn xây dựng trung tâm dữ liệu, công nghiệp bán dẫn.

Cổ phiếu khuyến nghị FPT, CMG, CTR.

Dầu khí: Ngành liên quan an ninh năng lượng. Nhu cầu vận tải dầu khí phục hồi, đặc biệt khí LNG phục vụ chính sách phát triển nhiệt điện chạy khí (Quy hoạch điện VIII xác định đến năm 2030 sẽ xây mới 13 nhà máy điện khí LNG, có tổng công suất 22.400MW, đóng góp gần 15% tổng sản lượng điện trong năm 2030). Dự án điện khí Lô B - Ô Môn (12 tỷ USD) được chính thức triển khai cơ hội cho các doanh nghiệp trong ngành. Cổ phiếu khuyến nghị PVT, BSR, PVS, PVB, PVD.

Ngành khác như nông nghiệp (giá heo tăng, gía đầu vào giảm): DBC, BAF; phân bón, hoá chất (DCM, DGC, CSV), bán lẻ PNJ, MWG, chứng khoán (prefunding, khả năng nâng hạng 2025) HCM, SSI.

Phan Hằng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục