Dòng tiền dẫn sóng 2024
Tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Quý, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn Đầu tư, Khối KHCN, HSC cho biết, nhà đầu tư cá nhân đang là lực đỡ thị trường khi khối ngoại liên tục bán ra từ tháng 03/2023 đến nay. Tuy nhiên, nhà đầu tư cá nhân thường có tâm lý yếu và khó giữ được kỷ luật như nhóm các nhà đầu tư quỹ chuyên nghiệp, và mang tâm lý đầu cơ ngắn hạn. Đáng lưu ý, nhiều nhà đầu tư hiện nay vẫn lựa chọn kênh ít rủi ro hơn như gửi tiền ngân hàng mặc dù lãi suất huy động giảm cho thấy mức độ thận trọng cần thiết.
Dòng tiền hiện tại đang khá yếu. Đòn bẩy tài chính trên thị trường cũng đang ở mức cao, tương đương thời điểm VN-Index ở 1.500 điểm, nên nếu thiếu nguồn tiền và căng margin thì xác suất tạo đỉnh sẽ cao. Tuy nhiên, điểm tích cực là do các công ty chứng khoán đã quyết liệt tăng vốn trong giai đoạn 2021 – 2023 và tiếp tục chiến lược tăng vốn trong năm 2024 nên margin giai đoạn này sẽ có thêm sự hỗ trợ về dòng tiền trong thời gian tới.
Bà Trần Thị Kim Oanh, Giám đốc Vùng Kinh doanh, Khối KHCN bổ sung thêm rằng, đầu năm 2024 sẽ đến kỳ đáo hạn tiền gửi tiết kiệm với lãi suất cao 9 – 10% và nhà đầu tư sẽ tìm kiếm kênh có tỷ suất sinh lời cao hơn tiết kiệm. Nhà đầu tư cá nhân đã sẵn sàng bước vào kênh chứng khoán để tạo ra lợi nhuận tốt nhất năm 2024.
Về dòng tiền của nhà đầu tư nước ngoài, bà Bùi Hoàng Minh, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn Đầu tư, Khối KHCN đánh giá, trái ngược với bức tranh dòng vốn FDI liên tục chảy vào, áp lực bán ròng của khối ngoại lại diễn ra mạnh mẽ trên thị trường niêm yết. Áp lực bán ròng và tăng cường giao dịch mua bán ở Việt Nam (đặc biệt là các phiên bùng nổ thanh khoản) của khối ngoại đã tạo ra tâm lý bất ổn cho nhà đầu tư cá nhân. Nhìn kỹ hơn, Việt Nam còn là quốc gia bị rút ròng mạnh nhất so với các quốc gia trong khu vực của dòng vốn ETF, dù trong những nhịp chỉnh chung, Việt Nam vẫn mang lại hiệu suất sinh lời tốt.
Bà Minh cho rằng, chênh lệch lãi suất giữa thị trường Mỹ và Việt Nam đang ở mức cao sẽ tiếp tục làm phát sinh hoạt động đầu cơ, kích hoạt hoạt động giải ngân vào thị trường Mỹ và cản trở dòng vốn ngoại quay trở lại ngay lập tức vào các thị trường cận biên, mới nổi như Việt Nam.
Bên cạnh đó, đồng VND có thể tiếp tục mất giá trong năm thứ 3 liên tiếp. Dự trữ ngoại hối của Việt Nam vẫn ở mức thấp và cần thêm thời gian để tích luỹ trở lại.
Tuy nhiên, thị trường chứng khoán Việt Nam được cho là đang ở vùng định giá hấp dẫn trong dài hạn khi nền tảng kinh tế cho thấy dấu hiệu cải thiện rõ nét từ cuối 2023. Việc định giá tăng trở lại phụ thuộc nhiều vào thanh khoản và nội tại của các doanh nghiệp Việt Nam.
Với các nhà đầu tư tổ chức trong nước, các quỹ đầu tư nội và tự doanh được dự báo sẽ gia tăng giải ngân vào các cơ hội đầu tư mới và đồng thời tăng tỷ trọng phân bổ vào kênh cổ phiếu, đặc biệt là nhóm các công ty bảo hiểm, công ty tài chính thường đầu tư chủ đạo vào kênh trái phiếu chính phủ có lợi suất giảm đi trong môi trường lãi suất thấp.
Còn đối với hoạt động đầu tư tài chính - chứng khoán của các doanh nghiệp, bên cạnh một bộ phận các doanh nghiệp thiếu vốn, thì không ít doanh nghiệp nhiều tiền thì đang tập trung tìm cơ hội M&A, mua tài sản giá rẻ để tăng thị phần, mở rộng thị trường mới. Ở thời điểm hiện tại, HSC chưa chứng kiến dòng tiền lớn từ hoạt động đầu tư tài chính của các doanh nghiệp, nhưng 2024 – 2025 dự báo hoạt động này sẽ gia tăng, nhất là trong giai đoạn xu hướng thị trường bứt phá, hoặc khi giá điều chỉnh đến mức rẻ hơn.
Đầu tư, từ đâu?
Nhận định về cơ hội đầu tư năm 2024, HSC đưa ra chiến lược đầu tư theo hai phương pháp.
Theo phương pháp Top down, HSC chỉ ra 5 chủ điểm đầu tư năm 2024.
Một là nền tảng vĩ mô cải thiện, tăng trưởng GDP lấy lại động lực từ cú hích từ xuất khẩu hay dòng vốn FDI sôi động sẽ giúp các ngành nghề hưởng lợi như: cảng, logistics, thuỷ sản, dệt may, bất động sản khu công nghiệp, sản xuất công nghiệp.
Hai là giải ngân đầu tư công sẽ tạo ra diện mạo mới cho hạ tầng cơ sở.
Ba là tăng trưởng tín dụng năm 2024 sẽ có nhiều cải thiện, mục tiêu tăng trưởng 15% là khả thi, nên cơ hội sẽ đến với nhóm ngân hàng, dịch vụ tài chính.
Bốn là môi trường lãi suất thấp kéo dài sẽ mang lại cơ hội cho nhóm tiêu dùng, bất động sản, sản xuất công nghiệp.
Năm là xu hướng từ cuộc đua chíp bán dẫn, công nghệ thông tin toàn cầu sẽ tạo ra nhiều bứt phá cho các doanh nghiệp tận dụng được cơ hội này như công nghệ, viễn thông.
Với phương pháp Bottom up, HSC cũng đưa ra 3 chiến lược chính. Đầu tiên là chiến lược đầu tư ăn cổ tức, tiêu chí lựa chọn là cổ phiếu có cổ tức bằng tiền mặt trên 7%, các doanh nghiệp hoạt động ổn định, có tiềm năng tăng trưởng như: VEA, phân đạm, bất động sản khu công nghiệp.
Bên cạnh đó là chiến lược rủi ro cao - lợi nhuận cao, tiêu chí là các ngành, công ty hồi phục từ đáy, rủi ro thị trường cao, beta >1 như bán lẻ, bất động sản, ngân hàng (có tỷ trọng bất động sản – bán lẻ cao), sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu.
Cuối cùng là chiến lược đầu tư cân bằng, là đầu tư các doanh nghiệp lớn, tăng trưởng ổn định, rủi ro thị trường thấp hơn, beta <1: công nghệ, hàng tiêu dùng, ngân hàng.
Nói thêm về kinh nghiệm đầu tư ngắn hạn, ông Nguyễn Văn Quý cho rằng các nhà đầu tư cần trang bị công cụ, kiến thức, xây dựng phương pháp đầu tư cụ thể, bám chặt vào phương pháp này để quản trị rủi ro thấp. Đồng thời xác định giải ngân bao nhiêu tiền, mức lãi lỗ có thể chấp nhận để giao dịch chủ động và tạo ra tỷ suất sinh lời tốt nhất.
Với tư cách là nhà môi giới chứng khoán có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề, bà Oanh lưu ý rằng việc có người đồng hành cùng đầu tư như một chuyên gia, một cộng đồng nhà đầu tư để cập nhật thông tin, kiểm soát bẫy trên thị trường, giảm việc bị ảnh hưởng tâm lý và không bị ngủ quên trên chiến thắng là điều cần thiết.
Dựa trên báo cáo chiến lược 2024 gần nhất mới công bố, Chuyên gia HSC cho rằng dư địa cải thiện của thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ đi cùng với sự cải thiện của các nền tảng vĩ mô và của doanh nghiệp trong năm 2024. Dù còn nhiều nghi ngại trong bối cảnh không chắc chắn của kinh tế thế giới, nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng 6.1% và 6.7% trong hai năm 2024 – 2025 nhờ hoạt động xuất nhập khẩu phục hồi, đẩy mạnh đầu tư công và tư nhân, tiêu dùng bền vững và ngành du lịch hồi phục về mức trước dịch Covid-19.