Chuyên gia: Đề xuất đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt thiếu thuyết phục

Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đề xuất đánh thuế với đồ uống có đường. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc đánh thuế TTĐB đối với mặt hàng này là không hợp lý.
Ảnh minh họa

Mục đích đánh thuế mặt hàng nước ngọt là gì?

Dự thảo Luật Thuế TTĐB bổ sung nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN có hàm lượng đường trên 5g/100ml (nước ngọt) vào đối tượng chịu thuế với mức thuế suất 10%. Lý do đưa mặt hàng nước ngọt vào đối tượng chịu thuế, theo Bộ Tài chính là nhằm bảo vệ sức khỏe nhân dân, khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc và Bộ Y tế về thực tế bệnh tật liên quan đến nước ngọt tại Việt Nam.

“Đánh thuế với mặt hàng nước ngọt để kịp thời ngăn ngừa và giảm thiểu tình trạng thừa cân, béo phì đáng báo động ở trẻ em và thanh thiếu niên, nhằm dự phòng giảm thiểu rủi ro bệnh tật và gánh nặng y tế đối với các bệnh không lây nhiễm. Việc đánh thuế mặt hàng nước ngọt cũng phù hợp với thông lệ quốc tế”, Bộ Tài chính giải thích.

Không đồng tình với giải thích này, GS-TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho rằng, trên thực tế thì trẻ em Việt Nam thiếu cân, thấp bé là chính, chứ không phải béo phì như Bộ Tài chính giải thích. Minh chứng là phụ nữ Việt trưởng thành hiện tại cao chưa tới 1,55 m, còn nam giới cao chưa tới 1,63 m, không chỉ thấp hơn so với bình quân trên thế giới, mà còn thấp hơn nhiều so với chiều cao bình quân các nước trong khu vực ASEAN.

“Không thể lấy căn cứ thiếu khoa học, không có đầy đủ dữ liệu để đánh thuế đối với mặt hàng nước ngọt. Quan điểm của Đảng và Nhà nước là nâng cao đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của người dân. Số trẻ em ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa được uống nước ngọt mỗi tuần một lon rất ít, nếu đánh thuế TTĐB đối với mặt hàng này thì ước mơ được uống nước ngọt càng trở lên xa vời đối với tuyệt đại đa số trẻ em, nhất là ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa”, GS-TSKH. Nguyễn Mại trăn trở.

“Mục đích bổ sung mặt hàng nước ngọt vào diện chịu thuế TTĐB là gì? Nếu vì lý do bảo vệ sức khỏe thì nước ngọt có phải là nguyên nhân gây ra bệnh thừa cân, béo phì hay không? Nếu nhằm tăng thu ngân sách nhà nước thì áp thuế đối với mặt hàng này liệu có đạt được và có tính khả thi hay không?”, GS-TSKH. Nguyễn Mại đặt câu hỏi.

Béo phì không phải do nước ngọt

Dẫn chứng các báo cáo khoa học, PGS-TS. Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng Việt Nam khẳng định, tỷ lệ thừa cân, béo phì ở Việt Nam nói chung thấp hơn hầu hết các nước ASEAN và trên thế giới. Cụ thể, tỷ lệ thừa cân, béo phì trung bình tại các nước ASEAN hiện tại là gần 34%, trong đó, cao nhất là Brunei (62,8%); Malaysia (hơn 50%); Philippines (37,2%); Thái Lan (34,7%); Singapore (33,6%)... Trong khi đó, Việt Nam chỉ có 18,3%.

“Nghiên cứu của WHO đã chỉ ra rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến thừa cân, béo phì như do tác nhân sinh học, di truyền, tác nhân môi trường, sử dụng thuốc lá; ít vận động thể chất; khẩu phần ăn không lành mạnh, ăn uống không cân bằng... trong đó nguyên nhân do sử dụng nước ngọt rất thấp”, bà Lâm khẳng định.

Căn cứ vào số liệu trên quy mô toàn cầu về tỷ lệ người thừa cân, béo phì tại thời điểm năm 2016 và 2024 của Liên đoàn Béo phì thế giới (WOF), TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho rằng, việc đánh thuế nước ngọt chưa chắc giúp tỷ lệ người mắc bệnh thừa cân, béo phì giảm xuống. “Tác dụng của thuế TTĐB đánh vào mặt hàng nước ngọt trong việc hạn chế bệnh thừa cân, béo phì là chưa rõ ràng”, ông Lực nhận định và đưa ra dẫn chứng từ báo cáo mới được WOF công bố. Cụ thể, có 21 quốc gia với tỷ lệ người thừa cân, béo phì tăng trong giai đoạn 2016-2024, dù đã đánh “thuế đường” nhiều năm như Hoa Kỳ, Brunei, Malaysia... Ngược lại, 65 quốc gia dù chưa bao giờ đánh thuế TTĐB với nước ngọt, nhưng tỷ lệ người thừa cân, béo phì lại giảm trong giai đoạn 2016-2024 như Trung Quốc, Indonesia, Đan Mạch, Italia, Na Uy...

“Đáng chú ý, Nhật Bản là nước không đánh thuế nước ngọt, nhưng tỷ lệ người thừa cân, béo phì luôn giữ ổn định trong 9 năm qua và là một trong những nước có tỷ lệ thừa cân, béo phì thấp nhất thế giới, nhờ văn hóa ẩm thực đặc trưng như sử dụng thực phẩm tươi, chế biến đơn giản, không tẩm ướp thêm gia vị, tiêu thụ ít đồ ăn nhanh, thực phẩm sản xuất công nghiệp… Điều đó đã chứng minh, nước ngọt không phải là tác nhân gây nên căn bệnh thừa cân, béo phì”, ông Lực khẳng định.

Đánh thuế cũng không có tác dụng trong việc giảm béo phì

Để nâng cao tính hiệu quả của chính sách thuế trong việc hạn chế tình trạng thừa cân, béo phì, theo khuyến cáo của Tax Foundation (tổ chức thu thập dữ liệu và công bố các nghiên cứu về thuế của Hoa Kỳ), thuế TTĐB đối với nước giải khát có đường phải được thiết kế phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của mỗi quốc gia, về đối tượng chịu thuế, thuế suất và cách thức sử dụng nguồn thu cho các chương trình nâng cao sức khỏe cộng đồng.

Tại Việt Nam, theo ông Cấn Văn Lực, trong giai đoạn 2016-2024, dù tỷ lệ mắc bệnh thừa cân, béo phì có tăng, nhưng vẫn nằm trong số 14 nước có tỷ lệ mắc bệnh thừa cân, béo phì thấp nhất thế giới (xếp thứ 179/192). Tuy nhiên, tốc độ tăng thừa cân, béo phì nói chung, mắc bệnh thừa cân, béo phì nói riêng ở nhóm dân số dưới 19 tuổi đã xếp ở vị trí thứ 108/192 quốc gia và vùng lãnh thổ.

“Vấn đề đặt ra là đánh thuế TTĐB đối với nước ngọt không thể hạn chế được tình trạng sử dụng nước ngọt, thậm chí lạm dụng nước ngọt ở đối tượng này dù áp mức thuế cao bao nhiêu đi chăng nữa cũng vô dụng. Vì đối tượng này chưa làm ra tiền, sống bằng tiền của gia đình nên họ không sợ bị đánh thuế”, ông Lực nhấn mạnh.

Nghiên cứu của TS. Nguyễn Ngọc Yến (Khoa Pháp luật kinh tế, Trường đại học Luật Hà Nội) cũng chỉ ra rằng, hiện chưa có số liệu thực tế từ các nước đã áp dụng biện pháp thuế cho thấy việc đánh thuế giúp giảm tỷ lệ thừa cân, béo phì. Ngược lại, một số nước đã đánh thuế lên nước ngọt sau một thời gian áp dụng thì tỷ lệ thừa cân, béo phì không những không giảm, mà còn tăng qua từng năm như Ấn Độ, Thái Lan, Chile, Mexico, Bỉ, Phần Lan, Philippines.

“Chính vì vậy, nhiều quốc gia như Đan Mạch, Na Uy, Hoa Kỳ (bang California, Illinois) đã bãi bỏ thuế TTĐB đánh vào nước ngọt sau một thời gian áp dụng do tính thiếu hiệu quả của biện pháp này đối với thừa cân béo phì không cao, lại gây tác động tiêu cực đối với kinh tế - xã hội”, bà Yến thông tin.

Lấy lý do bảo vệ sức khỏe người dân để đánh thuế TTĐB vào nước ngọt là chưa thuyết phục, vì trên thực tế, nhiều quốc gia không áp dụng biện pháp đánh thuế TTĐB với nước ngọt, nhưng thành công trong việc kiểm soát thừa cân, béo phì nhờ thực hiện các biện pháp tuyên truyền, giáo dục lối sống, chế độ dinh dưỡng lành mạnh và tăng cường hoạt động thể chất như Singapore, Nhật Bản, Đức...

TS. Nguyễn Ngọc Yến, Trường đại học Luật Hà Nội

Hàn Tín
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục