Chuyên gia chứng khoán "cáo" hay "nhím" đều... nói trật!

(ĐTCK) Có khi nào bạn tự hỏi vì sao công chúng đầu tư luôn tìm đến các chuyên gia trước mỗi quyết định đầu tư, dù không ít lần, họ phản ứng trước nhận định của giới chuyên gia?
Chuyên gia chứng khoán "cáo" hay "nhím" đều... nói trật!

Những ngày cuối năm là lúc các phương tiện truyền thông thường đi hỏi các chuyên gia, từ chuyên gia chứng khoán, chuyên gia kinh tế độc lập, đến các nhà phân tích về triển vọng nền kinh tế và triển vọng các kênh đầu tư, trong đó có thị trường chứng khoán (TTCK) năm tới. Mà dự đoán thì có trúng, có sai.

Các thông tin mà những chuyên gia cung cấp cũng chỉ là ý kiến cá nhân, thậm chí CTCK khi phát hành báo cáo cũng ghi rõ “chống chỉ định” trong việc sử dụng các ý kiến trong báo cáo. Thế nhưng, những người đọc những thông tin đó đôi khi cho đó là “vô trách nhiệm”, có khi lại muốn “đối chất” với các chuyên gia.

Mối quan hệ giữa các chuyên gia với những thành viên trên thị trường nhiều khi rất căng thẳng.

Đã có những chuyên gia bị doanh nghiệp và NĐT phản đối gay gắt về những nhận định hơi “sốc” của mình.

Trong năm 2013, Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội thậm chí đã định tổ chức một cuộc đối chất với sự tham gia của hàng trăm thành viên với Tiến sĩ Alan Phan khi ông này bày tỏ quan điểm: “càng để hàng tồn kho bất động sản nhiều càng có lợi cho dân”, “không cần phải giải cứu thị trường bất động sản” và “hãy để DN bất động sản chết đi”.

Không ít lần, trong phần bình luận bên dưới một bài báo đăng tải trên các trang mạng, độc giả kêu gọi các chuyên gia… đừng khuyến cáo gì nữa.

Chuyện ở Việt Nam như thế, ở nước ngoài cũng vậy. Giới truyền thông nước ngoài thường xuyên đăng những bài kiểu như “Vì sao các nhà kinh tế dự báo quá tệ?” hoặc giới nghiên cứu học thuật thì thường chỉ ra là các chuyên gia của CTCK toàn … “dự báo trật” giá cổ phiếu.

Ấy vậy mà cứ có sự kiện gì thì y như rằng các báo trong nước cũng như nước ngoài lại đua nhau đi tìm một chuyên gia nào đó để phỏng vấn, hoặc trích ý kiến nhận định trong báo cáo của công ty A, công ty B.

Các phương tiện truyền thông ắt hẳn không cần làm vậy, nếu độc giả của họ, trong đó có những NĐT, không cần những thông tin đó.

Chuyên gia có nhiều thông tin hơn

Vai trò của các chuyên gia là thu thập thông tin và phân tích, rút ra kết luận về ảnh hưởng của những thông tin đó với các khoản đầu tư. Với mối quan hệ và nguồn lực riêng của mình, mỗi chuyên gia sẽ có những kênh thông tin khác nhau và một bộ phận trong số các chuyên gia đó sẽ được tiếp cận với các thông tin chưa/không được tiết lộ cho công chúng.

Ngay cả ở những thị trường tưởng là minh bạch như Mỹ, việc bất cân xứng thông tin này vẫn là chuyện diễn ra thường ngày. Sau bong bóng dotcom và những bê bối trong công bố thông tin, Chính phủ Mỹ đã buộc các công ty niêm yết không được phân biệt đối xử trong cung cấp thông tin giữa các nhà phân tích chứng khoán và công chúng. Nhưng sự thật là nhiều nhà phân tích vẫn có được những thông tin “riêng”, thông qua các cuộc tiếp xúc riêng với ban lãnh đạo của các công ty niêm yết.

Đó là những chuyên gia phân tích ngành, phân tích công ty của công ty chứng khoán, còn những chuyên gia kinh tế vĩ mô, họ cũng có quan hệ với các cơ quan thống kê cũng như có không ít nguồn tin riêng như bạn học, đồng nghiệp cũ, sinh viên cũ đang làm tại v.v. Những thông tin qua những kênh quan hệ cá nhân này sẽ mang lại cho họ những hiểu biết về suy nghĩ của người làm chính sách, những xu thế mà người ta chưa nhìn ra được qua những con số thống kê thứ cấp.

Tất nhiên, lợi thế về mặt thông tin không phải khi nào cũng chuyển thành những nhận định đúng, mà còn phụ thuộc vào khả năng xử lý thông tin của mỗi người. Việc có nhiều thông tin nội bộ đôi khi lại khiến chuyên gia trở nên lạc quan quá mức hoặc bi quan quá mức về một vấn đề nào đó. Nhưng việc một số chuyên gia có những lợi thế nhất định về thông tin và những kỹ năng phân tích tốt sẽ khiến nhiều người muốn nghe ý kiến của họ.

… và giỏi kể chuyện

Con người là một động vật thích nghe chuyện. Từ nhỏ, chúng ta thích nghe ông bà, cha mẹ kể chuyện, lớn lên thì nghe chuyện từ đồng nghiệp, thầy cô, bạn bè, người thành đạt, báo chí… Những người được gắn mác chuyên gia, ít nhiều dựa vào sự hiểu biết, uy tín và bằng cấp, địa vị, thành công trong quá khứ thường là những người rất giỏi trong việc lý luận và kể chuyện.

Đã có những nghiên cứu cho thấy, hành động và suy nghĩ của con người ít nhiều chịu ảnh hưởng bởi một câu chuyện nào đó. Lấy ví dụ, mỗi khi cổ phiếu hay vàng, đồng đô-la Mỹ tăng giá, nhiều người lại tự hỏi: “Vì sao giá tăng?”. Đi tìm nguyên nhân giá tăng nghĩa là ta đang tìm kiếm một câu chuyện theo kiểu B xảy ra là do nguyên nhân A. Câu chuyện càng có lý hoặc càng đẹp, người ta càng dễ tin và hành động theo nó. Chẳng hạn, nghe chuyên gia kể ra 5,7 nguyên nhân khiến giá cổ phiếu sẽ tăng trong năm 2014 và cách lập luận này nghe rất có lý thì nhiều người sẽ nhảy vào mua cổ phiếu.

Nhiều người ắt hẳn thấy khó hiểu với việc hồi tháng 11, các chuyên gia kinh tế dự báo chứng khoán có thể giảm nếu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cắt giảm gói nới lỏng định lượng (QE), nhưng sau khi có thông tin chính thức về việc FED cắt giảm gói QE, chứng khoán Mỹ vẫn tăng điểm. Sau đó, cũng có chuyên gia nhận định, việc FED cắt giảm QE là tin hỗ trợ cho chứng khoán tăng trong dài hạn. Cách lý giải chứng khoán giảm điểm do cắt giảm QE trước đó rất có lý, mà giải thích chứng khoán tăng điểm do cắt giảm gói QE sau này cũng… rất hợp lý (!).

Bữa trước, có một người bạn nói vui với tôi rằng, việc FED có cắt giảm gói QE hay không thực ra chả liên quan gì đến nền tảng của cổ phiếu, chẳng qua là do có người giỏi liên kết các tin tức lại với nhau để tạo thành một câu chuyện lý giải cho việc chứng khoán tăng hay giảm giá mà thôi.

Ở một khía cạnh khác, các NĐT cũng thường tìm kiếm trên thị trường một câu chuyện phù hợp với những gì mình đang nghĩ, để tạo thêm quyết tâm nắm giữ hay bán cổ phiếu của mình (nhất là khi thị trường đang diễn biến ngược với những suy đoán của mình). Trên thị trường có người mua kẻ bán, người bán có tâm lý thích nghe những câu chuyện bi quan, trong khi người mua thích nghe những nhận định lạc quan. Chính sự bất đồng ý kiến giữa những người trực tiếp quyết định dòng tiền này khiến cho các chuyên gia có giá trị tồn tại. Dù là chuyên gia bi quan hay lạc quan thì đều có người lắng nghe và truyền bá câu chuyện của họ.

Vì vậy, một người đồng nghiệp của tôi cho rằng, TTCK là nơi mua bán dựa trên những câu chuyện về tăng trưởng. Hôm nay, anh nghe câu chuyện làm ăn của ông Zuckerberg hay thì mua cổ phiếu Facebook, ngày mai thấy nội bộ của Microsoft rối tinh rối mù thì mất cảm tình, bán ra cổ phiếu Microsoft. Nhưng vì mỗi người mỗi ý, cảm nhận của mỗi người về một câu chuyện khác nhau nên có người mua và kẻ bán, và tất nhiên có người thắng, kẻ thua. Chỉ có giới chuyên gia và giới truyền thông có lợi: họ còn tồn tại vì người ta thích nghe họ kể chuyện.

và đều… nói trật!

Một số nghiên cứu về các chuyên gia cho thấy, trên một thị trường, có thể tồn tại nhiều loại chuyên gia và có nhiều lý thuyết khác nhau về các loại chuyên gia này. Một trong những lý thuyết mà tôi ưa thích là câu chuyện về các “chuyên gia con cáo và con nhím”, xuất phát từ một nghiên cứu nhiều năm trước của Philip Tetlock, Giáo sư tâm lý học của Đại học California-Berkeley. Theo lý thuyết của Tetlock, các chuyên gia “con cáo” là những người cố gắng tìm hiểu tất cả các kênh thông tin, phân tích chúng và chấp nhận rằng đôi khi vì có nhiều lý thuyết trái ngược nhau, nên kết quả dự báo cuối cùng của mình là không chắc chắn, có thể sai. Ngược lại, các chuyên gia con nhím là những người thường nhìn nhận thế giới dựa theo một lý thuyết mà mình cho là chuẩn mực, là đúng và luôn luôn tự tin rằng nhận định của mình là đúng.

Hai loại chuyên gia này có thái độ khác nhau khi họ đưa ra dự báo sai. Các “chuyên gia con cáo” thì chấp nhận mình sai, điều chỉnh và đưa ra dự báo mới. Các “chuyên gia con nhím” thì tìm mọi cách để chỉ ra rằng mình “gần đúng”, hoặc “một số sự kiện bất ngờ ảnh hưởng tới kết quả của tôi” và “nói đúng trong vài trường hợp”. Kết quả nghiên cứu của Tetlock thú vị ở chỗ, cả hai loại chuyên gia này nói chung cùng… nói trật, nhưng “chuyên gia con cáo” nói gần trúng hơn so với các “chuyên gia con nhím”.

Vậy nhưng, các “chuyên gia con nhím” lại có tần suất xuất hiện trên phương tiện truyền thông nhiều hơn và tạo ra tin tức thời sự hơn, vì họ có những nhận định mạnh mẽ và tỏ ra chắc chắn và cũng sẵn sàng đưa ra các phát ngôn gây tranh cãi hơn. Còn các “chuyên gia con cáo” nhận ra rằng những phát ngôn gây tranh cãi có thể bị tác động bởi những yếu tố không lường trước nên họ chọn cách chờ đợi và lảng tránh.

Mỗi NĐT có thể theo phong cách cáo hoặc nhím, đôi khi chuyển từ cáo sang nhím và ngược lại và họ sẽ thích nghe những chuyên gia hợp với phong cách của mình hơn. Đó cũng là lý do các chuyên gia theo các trường phái khác nhau vẫn tồn tại và có “thính giả” của riêng mình.

Có lẽ, nhà đầu tư thế nào thì chuyên gia thế ấy.

Hồ Quốc Tuấn (Giảng viên Đại học Bristol, Anh)

Tin cùng chuyên mục