Chuyên gia cảnh báo nguy cơ các đại dịch xuất phát từ động vật

Chính con người đang khiến virus SARS-CoV-2 lây sang con người, và chuyên gia cảnh báo nếu không thay đổi, rất nhiều đại dịch xuất phát từ tự nhiên khác sẽ còn tiếp tục xuất hiện.
Một phụ nữ dạo bộ cùng với chú chó cưng tại công viên ở London, Anh. (Ảnh: AFP/TTXVN). Một phụ nữ dạo bộ cùng với chú chó cưng tại công viên ở London, Anh. (Ảnh: AFP/TTXVN).

Dù đến nay vẫn chưa thể xác định chủng mới của virus corona (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 xuất phát từ dơi hay tê tê, song có thể khẳng định một điều đó là đại dịch khiến hàng chục nghìn người thiệt mạng trên toàn cầu và đang làm đảo lộn cả thế giới đến từ động vật.

Chính hoạt động của con người đang khiến virus SARS-CoV-2 lây sang con người, và các chuyên gia cảnh báo nếu không thay đổi, rất nhiều đại dịch xuất phát từ tự nhiên khác sẽ còn tiếp tục xuất hiện.

Trên thực tế, bệnh dịch xuất phát từ động vật không mới, chẳng hạn như lao, dại, sốt rét hay bệnh ký sinh trùng do toxoplasma gondii gây ra.

Theo Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), khoảng 60% bệnh dịch lây nhiễm ở người xuất phát từ động vật.

Con số trên đã tăng lên thành 75%, với những dịch bệnh “đang nổi” như Ebola, HIV, cúm gia cầm, Zika, hay SARS.

Báo cáo UNEP 2016 cho rằng sự nổi lên của các dịch bệnh xuất phát từ động vật thường có liên hệ với những thay đổi về môi trường hay xáo trộn sinh thái, do hoạt động thâm canh nông nghiệp và định cư của con người, hay do sự xâm lấn rừng và các môi trường sống khác.

Theo nhà nghiên cứu Gwenael Vourc'h của viện nghiên cứu INRAE (Pháp), do sự tăng trưởng của dân số thế giới và ngày càng lạm dụng tài nguyên Trái Đất, sự phá hủy ngày càng nhiều hệ sinh thái đã nhân rộng thêm nhiều lần sự tiếp xúc giữa con người và động vật.

Động vật thuần hóa thường là “cầu nối” giữa các mầm bệnh từ tự nhiên và con người. Việc sử dụng phổ biến kháng sinh trong ngành chăn nuôi cũng đã dẫn đến tình trạng các mầm bệnh vi khuẩn ngày càng có khả năng đề kháng trước các loại thuốc chính.

Đô thị hóa và phân mảnh môi trường sống cũng gây mất cân bằng giữa các loài, trong khi tình trạng Trái Đất ấm lên có thể khiến những loài vật mang mầm bệnh tiến vào nơi cư trú mới.

Theo bà Anne Larigauderie, thư ký điều hành IPBES - ủy ban các chuyên gia về đa dạng sinh học của Liên hợp quốc, quá trình để vi trùng hay virus, xuất phát từ loài động vật có xương sống như dơi lây lan sang con người là phức tạp.

Con người, thông qua hành động của mình, tạo cơ hội cho vi trùng tiếp cận gần hơn với nhân loại.

Bà Larigauderie cho rằng tỷ lệ thay đổi toàn cầu về tự nhiên trong 50 năm qua là “chưa từng có trong lịch sử con người," và lực đẩy trực tiếp quan trọng nhất của thay đổi trong tự nhiên chính là sự thay đổi về sử dụng đất.

Ngoài đại dịch COVID-19 hiện nay, IPBES ước tính các bệnh dịch xuất phát từ động đất đang khiến 700.000 người thiệt mạng mỗi năm.

Kết quả nghiên cứu của một nhóm khoa học Mỹ công bố hồi tuần trước và được hoàn tất trước khi dịch COVID-19 bùng phát đã xác định động vật gặm nhấm, linh trưởng và dơi là vật chủ của 3/4 số virus lây nhiễm sang người.

Tuy nhiên, động vật thuần hóa cũng là nguyên nhân của khoảng 50% số bệnh đến nay được xác định xuất phát động vật.

Nghiên cứu cũng cho biết những nhóm động vật có chủng virus nguy hiểm nhất với con người là những loài có “số lượng giảm mạnh do việc săn bắt quá mức và mất môi trường sống."

Theo bà Larigauderie, dịch COVID-19 có thể chỉ là “phần đỉnh của tảng băng trôi." Chính vì thế, bà cho rằng sự thay đổi về quan điểm là cần thiết để tìm ra một giải pháp cho thảm kịch toàn cầu hiện nay.

Nhà nghiên cứu Gwenael Vourc'h cũng kêu gọi một phản ứng mang tính hệ thống. Theo đó, “ngoài phản ứng cần thiết đối với mỗi dịch bệnh, con người cần phải tư duy lại về mối quan hệ giữa con người và hệ sinh thái tự nhiên”.


Theo TTXVN

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục