Theo đó, nguồn cung bất động sản được kỳ vọng hồi phục mạnh mẽ nhờ tháo gỡ các nút thắt pháp lý cho các dự án tồn đọng, từ đó khơi thông dòng vốn cho các doanh nghiệp bất động sản. Lạm phát duy trì ổn định cùng việc tăng lương cơ sở sẽ giúp củng cố niềm tin của người tiêu dùng, góp phần thúc đẩy sức mua. Đồng thời, môi trường lãi suất ổn định sẽ hỗ trợ giảm thiểu rủi ro gia tăng nợ xấu, cải thiện bức tranh lợi nhuận ngành ngân hàng.
Với lĩnh vực năng lượng, các dự án dầu khí trọng điểm đã được triển khai, nhằm đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Cùng với đó, Chính phủ đang quyết liệt đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, tập trung vào các dự án trọng điểm để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững.
Ngoài ra, sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư gián tiếp (FII) và đầu tư trực tiếp (FDI) tiếp tục diễn ra mạnh mẽ nhờ xu hướng tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, Việt Nam không còn duy trì lợi thế vượt trội như trước đại dịch trong việc thu hút dòng vốn này, đồng thời phải đối mặt với nguy cơ áp thuế quan từ Mỹ khi cựu Tổng thống Donald Trump dự kiến áp thuế 60% lên Trung Quốc và 10-20% với các quốc gia khác.
Các chuyên gia của BVSC nhận định, dư địa hạ thêm lãi suất của Việt Nam không nhiều, đặc biệt trong bối cảnh lạm phát 2025 dự báo giữ ổn định, khó hạ thêm. P/E Việt Nam không hấp dẫn hơn các nền kinh tế lớn như Trung Quốc, Brazil, Mexico. Trong năm 2025, các quốc gia lớn như Mỹ, EU, Trung Quốc bước vào chu kỳ giảm lãi suất khiến cho áp lực lên Việt Nam giảm đi, bao gồm bán ròng của khối ngoại, điều hành tỷ giá và chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, tác động không quá lớn. Không chỉ vậy, bối cảnh kinh tế và địa chính trị thế giới còn nhiều bất định, dòng tiền tiếp tục tìm đến kênh đầu tư an toàn. Yếu tố tích cực có thể kỳ vọng để dòng tiền vào thị trường chứng khoán là nâng hạng FTSE.
Về mặt định giá, lợi nhuận tăng trưởng kéo mặt bằng P/E Việt Nam xuống thấp nhưng có sự mất cân đối. Với tương quan tăng trưởng và định giá 2025, nhiều ngành rơi về vùng định giá hấp dẫn như: Dệt may, hóa chất, phân bón, khu công nghiệp, bán lẻ, thép. Kết hợp các điểm nhấn về vĩ mô, chính sách và bức tranh lợi nhuận 2024-2025, BVSC xây dựng nên 3 chủ đề đầu tư cho năm 2025.
|
Nguồn: BVSC. |
Đầu tiên, là các nhóm ngành bước vào chu kỳ mới, bao gồm các lĩnh vực hạ tầng (nhà thầu công trình hạ tầng; nhà thầu công trình, dự án điện; thép công trình, dự án; bảo hiểm công trình), khu công nghiệp từ xu hướng chuyển dịch FDI vào Việt Nam, dầu khí thượng nguồn với các dự án dầu khí lớn đã được triển khai nhằm đảm bảo an ninh năng lượng, công nghệ viễn thông từ xu hướng Data Center, AI, clouds services, 5G.
Tiếp đến là hồi phục, gồm các nhóm dầu khí hạ nguồn (lợi nhuận hồi phục nhờ giá dầu ổn định trở lại), bất động sản (nguồn cung hồi phục nhờ tháo gỡ pháp lý các dự án đang bị tồn đọng, khơi thông dòng vốn cho doanh nghiệp), thép xây dựng (nhu cầu tiêu thụ hồi phục, kỳ vọng thuế chống bán phá giá có hiệu lực), bán lẻ, tiêu dùng (lạm phát ổn định, tăng lương cơ sở giúp niềm tin người tiêu dùng quay trở lại).
Cuối cùng là định giá rẻ, với ngân hàng là nhóm ngành tiêu biểu. Theo BVSC, môi trường lãi suất ổn định là yếu tố giúp nợ xấu không gia tăng, bức tranh kinh tế chung khả quan là điểm tựa cho nợ xấu ngân hàng cải thiện. Cùng với đó là định giá ngành ngân hàng ở mức rẻ.