Chuyên gia Bùi Kiến Thành: “Tôi không đồng ý với Thống đốc”

Trao đổi với PV, chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành không đồng tình với cam kết “neo” lãi suất cho vay 15%/năm ít nhất một năm, mà Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cam kết với doanh nghiệp (DN).
Chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành

Lãi vay cần ổn định 10%/năm

Thưa ông, Thống đốc Ngân hàng nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình cam kết giữ ổn định lãi suất 15%/năm ít nhất một năm nữa. Ông nhận định như thế nào về cam kết này?

Thứ nhất, lãi suất 15%/năm với doanh nghiệp (DN) sản xuất vẫn là cao, phải hạ thấp hơn nữa, khoảng 10%/năm. Trong lúc khó khăn, DN phải chịu lãi vay 15%/năm, thì làm sao cạnh tranh được với DN trong khu vực (như Singapore, Hồng Kong, Đài Loan) lãi suất vay chỉ 3-4%/năm.

Thứ hai, Thống đốc Bình lý giải rằng huy động cao nên không cho vay thấp được là đứng trên lập trường của các ngân hàng thương mại (NHTM). Trách nhiệm của NHNN là phải cung cấp tín dụng ổn định cho nền kinh tế với lãi suất phù hợp, ổn định.

Trong một năm tới, lãi suất sẽ cố định 15%/năm liệu có thể vực lại hoạt động sản xuất, kinh doanh không?

Lãi suất 15%/năm ổn định tối thiểu một năm chỉ là điều kiện để DN sống sót cầm chừng thôi, chứ DN không thể phát triển được. Vì chi phí đầu vào quá cao, nếu DN có vay vốn thì giá thành sản phẩm cao, không cạnh tranh được ở thị trường nội địa và xuất khẩu. Sản xuất đình đốn, tiêu thụ khó thì làm sao nền kinh tế không chết.

Mong mỏi của các DN là lãi suất về dưới 10%, ổn định trong thời gian dài, từ 5-10 năm. Chứ NHNN chỉ cam kết giữ lãi suất ổn định có một năm, thử hỏi ai dám tính chiến lược đầu tư, phát triển trong… một năm? Ở đây, trách nhiệm của NHNN là phải đảm bảo cung ứng đầy đủ vốn cho nền kinh tế, giữ mặt bằng lãi suất hợp lý từ 7-10% trong khoảng 5- 10 năm.

Nhưng trên thực tế, trong vài năm qua, kinh tế vĩ mô bất ổn, lúc lạm phát, lúc thiểu phát. Tăng trưởng tín dụng thì trồi lên, sụt xuống, có năm là 10%, có năm tăng vọt tới 50%. Riêng năm nay, tín dụng 6 tháng tăng chưa đầy 1%. Quản lý kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ như vậy, rất khó cho người dân và DN.

“Nếu tôi là Thống đốc...”

Ông có giải pháp nào để khôi phục sản xuất, khơi thông nguồn vốn?

Nếu tôi làm Thống đốc NHNN thì ngay ngày mai, tôi sẽ cam kết cấp vốn cho NHTM lãi suất 2-3%/năm, thậm chí 1%/năm. Tôi cam kết lãi vay không quá 7%/năm ổn định trong 5-7 năm tới và không gây ra lạm phát.

Việc này hoàn toàn làm được. Vì NHNN có quyền xác lập một mức lãi suất áp dụng cho tất cả những đối tượng thuộc diện được ưu tiên vay vốn theo Nghị quyết 11 của Chính phủ (không bao gồm DN đầu cơ, phi sản xuất). Thực tế, Thủ tướng đã từng chỉ đạo NHNN cho các NHTM vay lãi suất 0% để cấp vốn cho nông thôn, nông nghiệp. Vậy tại sao với sản xuất kinh doanh, lại không làm như thế, không cho DN vay lãi suất 5-7%?

Tôi không đồng ý với cách xử lý của NHNN trong cuộc họp ngày 7-7 và 20-7.

Cách điều hành lãi suất của NHNN thời gian qua cho thấy điều gì, thưa ông?

Theo tôi, NHNN đang chạy theo cách làm việc của NHTM, chịu hệ lụy từ hoạt động của nó như là một nạn nhân.

NHNN yêu cầu giảm lãi suất khoản vay cũ - mới về tối đa 15%/năm nhưng chỉ mang tính chất “đề nghị” các NHTM làm. Tại sao Thống đốc NHNN lại phải “đề nghị” các NHTM giảm lãi suất, trong khi ông có quyền hành trong tay? Sao lại để NHTM huy động vốn giá cao, giết chết DN và nền kinh tế?

Nếu khó khăn của DN hiện nay không sớm được cải thiện, rất dễ bị DN nước ngoài nhảy vào mua lại DN Việt Nam với giá bèo bọt, thôn tính cả nền kinh tế trong lúc khó khăn. Vì họ có lợi thế nguồn vốn lớn, lãi vay chỉ 3-4% (thậm chí Trung Quốc cho DN vay lãi 0%) nên bỏ 100 tỷ USD để mua các DN Việt Nam cũng chẳng khó khăn gì.

Nhưng nếu lạm dụng mệnh lệnh hành chính để điều hành chính sách tiền tệ thì không đúng với quy luật kinh tế thị trường, thưa ông?

NHNN khống chế lãi suất huy động 9%/năm, và bảo các NHTM cho vay tối đa 15%/năm, mà không có chế tài xử lý thì chẳng ngân hàng nào thèm nghe. Cho nên, Thống đốc phải ra lệnh cho các NHTM thực hiện hạ lãi suất, chứ không phải chỉ là “đề nghị”. Có thể, NHNN đưa ra chương trình cho NHTM vay vốn lãi suất thấp và bắt buộc họ cho vay ra cũng thấp.

Ở đây, điều hành thị trường tiền tệ bằng mệnh lệnh hành chính chưa đủ, cần có quy định của luật pháp. Luật Dân sự quy định các tổ chức tín dụng, ngân hàng không được cho vay vượt quá 150% lãi suất cơ bản của NHNN. Do vậy, muốn có lãi suất vay 12%, thì NHNN ấn định lãi suất cơ bản là 8%.

Phải dùng luật để điều hành thị trường, chứ 2 năm nay, NHNN điều hành kiểu gì mà để các NHTM phá rào hết, sau đó lại đồng tình cho các NHTM tự thỏa thuận lãi suất cho vay. Rõ ràng NHTM phạm luật, sao lại nói là “đồng thuận”? Và chính NHNN cũng phạm luật trong vấn đề này. Trước đó, NHNN cũng từng tuyên bố áp dụng lãi suất thị trường, dẫn tới các NHTM mở cửa cho vay lãi suất tùy hứng.

Cho nên, cần phải có cơ sở luật pháp quy định về lãi suất và quản lý theo pháp luật, chứ không thể để ngân hàng cho vay tùy tiện như hiện nay. Nếu quy định pháp luật không phù hợp thì phải kiến nghị sửa đổi. Chứ luật còn đó, sao lại không áp dụng.

Tiền phong
Tiền phong

Tin cùng chuyên mục