Cần hành động sớm
Theo Báo cáo Liên hợp quốc năm 2021, ngành xây dựng và bất động sản ghi nhận phát thải gần 40% lượng khí thải CO2 trên toàn cầu. Chính vì vậy, hướng tới đầu tư và phát triển bền vững là một trong những tiêu chí hàng đầu trong chiến lược ESG của các doanh nghiệp bất động sản.
Một khảo sát của Savills vào năm 2021 cho thấy, các nhà phát triển bất động sản Việt Nam ngày càng quan tâm đến các chứng chỉ về phát triển bền vững, tiết kiệm năng lượng trong vận hành. Còn theo Cushman & Wakefield, trong lĩnh vực bất động sản thương mại và công nghiệp, chỉ vài năm trước, các yếu tố bảo vệ môi trường, xã hội, quản trị (ESG) còn ít được nhắc tới trên bàn đàm phán, thì nay là yêu cầu bắt buộc và được xem là cơ hội giảm thiểu rủi ro lớn cho các doanh nghiệp thức thời.
Khái niệm ESG đặt ra những tiêu chuẩn môi trường rõ ràng với các chỉ số liên quan đến hiệu quả kinh doanh trong thị trường bất động sản. Trong đó, yếu tố môi trường (E) bao gồm tác động của một tổ chức đối với môi trường như lượng năng lượng sử dụng, mức độ phát thải khí nhà kính, quản lý chất thải, tác động khí hậu và tài nguyên...; yếu tố xã hội (S) tập trung vào quyền lao động, nơi làm việc, sức khỏe, sự an toàn của người lao động và những tác động đối với cộng đồng; yếu tố quản trị (G) tác động tới các vấn đề như cơ cấu và thành phần hội đồng quản trị, lương thưởng cho người điều hành, đạo đức kinh doanh và quyền cổ đông.
Để đạt được những mục tiêu trên, trước hết, việc phát triển hệ sinh thái đô thị bao gồm tòa nhà, cảnh quan, tài nguyên, cơ sở hạ tầng, con người, không khí… theo tiêu chuẩn ESG chính là trọng tâm của quy hoạch đô thị. Mặc dù một số ý kiến cho rằng việc quan tâm tới môi trường nhiều hơn có thể hạn chế tốc độ phát triển, nhưng đây là sự đánh đổi xứng đáng. Điều này cũng tạo ra nhiều cơ hội cho các nhà phát triển dự án, chủ sở hữu, người dân, ban ngành… phát huy sức sáng tạo để tạo nên một đô thị đáng sống.
Đơn cử, tại Úc, các quỹ đầu tư trong lĩnh vực bất động sản được niêm yết ngày càng chú trọng tới yếu tố “xanh” trong danh mục đầu tư của mình. Điều này đến từ các lợi ích mà doanh nghiệp/dự án theo đuổi chính sách xanh/bền vững mang lại như giá trị thương hiệu khi được gắn mác xanh/bền vững; khả năng thu hút và giữ chân khách hàng, nhờ đó tăng nhanh thu nhập; Giảm chi phí nhờ giảm khí thải nhà kính và sử dụng nước tiết kiệm; tiềm năng cơ sở nhà đầu tư tăng...
Một nghiên cứu tại nước này chỉ ra rằng, đối với phân khúc nhà ở, một dự án chung cư có thể tiết kiệm được 600.000 đô-la Úc (tương đương 9,6 tỷ đồng) mỗi năm nhờ giảm chi phí sử dụng năng lượng. Câu chuyện tương tự cũng diễn ra với phân khúc mặt bằng bán lẻ cho thuê khi có thể tiết kiệm được khoảng 17,5 đô-la Úc/m2 chi phí sử dụng năng lượng và nước sạch.
Ngày càng nhiều dự án bất động sản sử dụng năng lượng tái tạo. Ảnh: Thành Nguyễn |
ESG tăng khả năng thu hút đầu tư
Tính đến cuối năm 2021, cả nước mới có khoảng 200 tòa nhà xanh, theo Hội đồng Công trình xanh Việt Nam (VGBC). Do đó, Việt Nam đang cần nhiều hơn nữa những tòa nhà có thể tiết kiệm năng lượng, chất lượng cao và vững bền để giảm thiểu tác hại môi trường và chi phí sửa chữa, sử dụng năng lượng trong tương lai.
Theo bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch Deloitte Việt Nam, một chiến lược quản trị công ty bền vững là nhằm hướng tới cân bằng mục tiêu lợi nhuận với việc bảo vệ, duy trì giá trị của môi trường tự nhiên và môi trường xã hội, trong đó giá trị sống của người dân là trung tâm của hành động. Xây dựng nền tảng phát triển bền vững dựa trên sự tôn trọng các vấn đề về môi trường và khí hậu là mục tiêu hướng tới của mọi nền kinh tế, mọi doanh nghiệp. Đó sẽ là nền tảng của một tương lai xanh - một tương lai bền vững.
Còn ông Gareth Ward, đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam chia sẻ, các cam kết của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc lần thứ 26 (COP26) có thể là động lực phát triển của Việt Nam trong 20 năm tới. Đây là thông điệp khẳng định tính cấp thiết của việc cân bằng ESG (Môi trường - Xã hội - Quản trị) trong hoạt động sản xuất - kinh doanh của mọi thành phần tham gia thị trường.
Lấy ví dụ về sự thành công này, ông Gareth Ward đã chỉ ra 2 lý do chính khiến Lego lựa chọn Việt Nam để mở nhà máy sản xuất, đó là vị trí địa lý và vấn đề giảm phát thải. “Lego sẽ xây dựng nhà máy tại Việt Nam với mức khí thải nhà kính bằng 0. Tập đoàn sản xuất đồ chơi hàng đầu thế giới này đã đạt thỏa thuận với tỉnh Bình Dương và Chính phủ về vấn đề mua bán trực tiếp điện mặt trời, điện tái tạo”, ông Gareth Ward thông tin thêm.
Với phân khúc bất động sản công nghiệp - lĩnh vực có tác động lớn về môi trường, nhà đầu tư càng phải chú trọng đến việc quy hoạch khu công nghiệp để có thể giảm thiểu khí thải, đảm bảo môi trường làm việc tốt và gìn giữ môi trường sống cho cư dân địa phương xung quanh. Tăng trưởng xanh trong các ngành công nghiệp cũng sẽ góp phần nâng cấp và hợp lý hóa chuỗi giá trị, giúp tăng cường khả năng phục hồi, chống sự gián đoạn chuỗi cung ứng.
Tuy nhiên, những chứng nhận kể trên vẫn nghiêng nhiều về yếu tố E - môi trường trong cả cụm ESG. Để đạt được cả 2 yếu tố còn lại, nhà đầu tư cần có các sáng kiến tác động đến cộng đồng trong tòa nhà như không gian cây xanh, công viên, thư viện, phòng giữ trẻ cho nhân viên bận rộn…, bên cạnh tôn trọng cốt lõi đạo đức kinh doanh và tầm nhìn quản trị.
Về mặt lý thuyết, để đạt được các tiêu chí mà thang đánh giá ESG đặt ra không khó, bởi lẽ tỷ lệ chênh lệch giá thành xây dựng tòa nhà xanh so với tòa nhà thông thường không quá lớn. Bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam cho hay, trước mắt, trở ngại lớn nhất là thời gian thiết lập một bản thiết kế đạt chuẩn ESG ngay từ đầu và nỗ lực xây dựng dự án đúng chuẩn. Song, trong dài hạn, các tòa nhà xanh có thể được xem như khoản đầu tư cho tương lai, khi nhà phát triển và điều hành bất động sản thấy được lợi ích về tiết kiệm năng lượng, tài nguyên và chi phí nâng cấp sửa chữa.
Bà Trang cho biết, các quỹ hưu trí lớn trên thế giới đang gây áp lực lên nhiều nhà phát triển và chủ sở hữu bất động sản trong việc áp dụng các nguyên tắc ESG để thu hút vốn đầu tư. Trong bối cảnh Việt Nam ngày càng đón nhận nhiều nguồn vốn từ nước ngoài, các tài sản thiếu tính bền vững sẽ bị giảm tính cạnh tranh và có nguy cơ lỗi thời, bởi các nhà đầu tư ngoại ngày càng đưa ra những thước đo ESG khắt khe và phải được cập nhật liên tục từ thị trường phát triển.
“Có thể nói, bất động sản gắn liền với các giá trị ESG là xu hướng không thể đảo ngược. Do đó, ngay bây giờ, các nhà phát triển dự án cần có chiến lược kinh doanh gắn liền với giá trị dài hạn không chỉ cho doanh nghiệp, mà còn cho xã hội và môi trường”, bà Trang Bùi nhấn mạnh.