Xoay trục sản phẩm, Sợi Thế Kỷ vững vàng tăng trưởng

(ĐTCK) Xu hướng tiêu dùng xanh, sử dụng nguyên liệu thân thiện với môi trường đã tạo động lực tăng trưởng cho sản phẩm sợi tái chế. Bởi vậy, Sợi Thế Kỷ - một trong hai công ty hiện nay có thể sản xuất sợi tái chế tại Việt Nam - được đánh giá cao về tiềm năng tăng trưởng dài hạn. Không những thế, đơn hàng sản phẩm sợi này gia tăng giúp Công ty vững vàng vượt qua khó khăn chung của ngành sợi hiện nay.
Xoay trục sản phẩm, Sợi Thế Kỷ vững vàng tăng trưởng

Năm 2019 không phải là một năm thuận lợi của ngành sợi khi các công ty Trung Quốc giảm giá rất mạnh sợi nguyên sinh (virgin - gồm sợi FTY, DTY) trên thị trường quốc tế và Việt Nam, nhằm giải phóng hàng tồn kho và bù đắp những đơn hàng bị mất ở thị trường nội địa. Động thái này khiến hoạt động xuất khẩu sợi của Việt Nam bị ảnh hưởng. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu sợi polyester filament của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm đạt 178,7 triệu USD, tương ứng với 96.800 tấn, giảm 23,6% về sản lượng và giảm 23,3% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Đối với STK, doanh thu quý III/2019 đạt hơn 554 tỷ đồng, giảm 6%, trong đó doanh số bán sợi nguyên sinh giảm 24,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhưng ngược lại, mặt hàng sợi tái chế tăng trưởng vượt, lũy kế 9 tháng đầu năm tăng 113,8% về sản lượng và tăng 132,3% về giá  trị. Tỷ trọng doanh thu của sợi tái chế tiếp tục tăng mạnh, đạt 32%, vượt mức kế hoạch 28% đặt ra từ đầu năm.

Chuyển đổi sản xuất và gia tăng sợi tái chế đúng thời điểm giúp STK ghi nhận con số lợi nhuận khả quan. Luỹ kế 9 tháng, lợi nhuận ròng đạt 161 tỷ đồng, tăng 23%; dự báo cả năm có thể đạt 220 tỷ đồng, vượt kế hoạch 10%.

Thị trường sợi tái chế vẫn là lợi thế của STK, vì có rào cản chuyển đổi cao đối với các nhà sản xuất Trung Quốc. Đồng thời, để có thể được các thương hiệu lớn chấp nhận, đơn vị sản xuất sợi tái chế bắt buộc phải có Chứng chỉ GRS 3.0 về sản xuất tái chế (quy định rất nhiều điều khoản về chứng nhận xuất xứ, quy chuẩn về tái chế và có thể mất vài năm để đạt được). Hiện STK đã có chứng chỉ này.

Xu hướng hiện nay, ngày càng nhiều hãng thời trang và tiêu dùng tham gia sử dụng sợi tái chế, chẳng hạn Uniqlo công bố năm 2020 sẽ sử dụng, hay các thương hiệu khác cam kết nâng tỷ trọng sợi tái chế trong tổng khối lượng sợi polyester các năm tới như Adidas đến năm 2024 là 100%, Puma 90% vào năm 2020, Decathlon 100% vào năm 2021 đối với sản phẩm may mặc bán tại thị trường Pháp, Ikea 100% vào năm 2020, Vanity Fair 50% vào năm 2025… Trước bối cảnh đó, Sợi Thế Kỷ  dự kiến tỷ trọng sợi tái chế trong tổng doanh thu tăng dần lên 40% năm 2020, 50% năm 2021 và 100% năm 2025. Lợi nhuận dự báo sẽ đạt 255 tỷ đồng vào năm 2020 và 416 tỷ đồng năm 2025.

STK có tham vọng trở thành doanh nghiệp sản xuất sợi polyester lớn nhất Việt Nam khi liên tục đầu tư mở rộng nhà máy và nghiên cứu phát triển các dự án sợi thân thiện môi trường, có giá trị gia tăng cao như sợi tái chế, sợi màu, sợi chập, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.

Đóng góp của STK trong công cuộc “xanh hoá”, giảm thiểu rác thải nhựa rất đáng kể. Từ khi bắt đầu sản xuất sợi tái chế cuối năm 2016 đến nay, Công ty góp phần tái chế 1,1 tỷ chai nhựa đã qua sử dụng, tương ứng với 115,4 triệu chiếc áo thun. Dự kiến, trong 6 năm tới, STK sẽ góp phần tái chế thêm khoảng 13 tỷ chai nhựa. STK còn dự kiến ra mắt sản phẩm sợi tái chế sử dụng rác thải nhựa thu từ đại dương, góp phần bảo vệ đại dương khỏi sự xâm chiếm của rác thải nhựa.

Một định hướng phát triển bền vững khác mà STK theo đuổi là phát triển sản phẩm sợi màu, khi ngày càng nhiều hãng thời trang tham gia phong trào không thải hóa chất độc hại. Hạt nhựa màu sẽ được trộn vào polymer nóng chảy để kéo ra sợi màu. Nhờ vậy, các hãng thời trang lớn có thể bỏ qua công đoạn nhuộm truyền thống, vốn sử dụng rất nhiều nước sạch và tốn nhiều chi phí để xử lý hóa chất độc hại trong nước thải. Hiện STK đã hoàn thành lắp đặt và chạy thử dự án sợi màu - sản phẩm có biên lợi nhuận tốt hơn sợi nguyên sinh.

STK đang nghiên cứu tăng thêm các tính năng đặc biệt cho sợi nguyên sinh và sợi tái chế. Trong tương lai, Công ty sẽ có thêm sợi tái chế chống tia cực tím, sợi tái chế màu, sợi tái chế hút ẩm, chống nhăn… Ngoài ra, Công ty có thể sẽ sản xuất hạt nhựa tái chế, góp phần trực tiếp xử lý rác thải nhựa trong nước.

Lãnh đạo STK chia sẻ, định hướng phát triển bền vững, thân thiện với môi trường và vì sự phát triển của cộng đồng, xã hội được Công ty đề ra ngay từ khi mới thành lập. Bên cạnh việc bảo vệ môi trường, Công ty còn không ngừng áp dụng các biện pháp tiết kiệm năng lượng, nguyên vật liệu. Trong thời gian tới, STK dự kiến sẽ xây dựng hệ thống điện mặt trời để đáp ứng một phần nhu cầu điện của Công ty.

Phan Hằng
Đặc san doanh nghiệp niêm yết

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục