“Vũ khí” để cạnh tranh toàn cầu

(ĐTCK) Cạnh tranh toàn cầu, như chia sẻ của doanh nhân Trần Uyên Phương, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát, không phải là bước ra ngoài biên giới để cạnh tranh, mà ngay trên sân nhà, ngay trên thị trường nội địa, với sự tham gia ngày càng nhiều hơn của các tập đoàn, doanh nghiệp quốc tế, doanh nghiệp Việt phải làm cách nào để đứng vững và vươn lên.
Tháng 3/2019, Tân Hiệp Phát chính thức khai trương Nhà máy thứ 4 tại Hậu Giang. Tháng 3/2019, Tân Hiệp Phát chính thức khai trương Nhà máy thứ 4 tại Hậu Giang.

Cơ hội trên thị trường 100 triệu dân

Tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ ngày 2/4/2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thông tin về những kết quả khả quan của nền kinh tế trong quý I/2019, với GDP tăng trưởng ước đạt 6,69%. Nền kinh tế tăng trưởng cả về phía cung và phía cầu, trong đó sức cầu trong nước tiếp tục được cải thiện mạnh mẽ.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng trên 12%. Đặc biệt, lượng vốn ngoại vào Việt Nam tăng kỷ lục, vốn góp mua cổ phần đạt gần 6 tỷ USD, gấp 3 lần mức cùng kỳ 2018.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ ra nhiều rủi ro, thách thức đối với phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, trước hết là kinh tế toàn cầu giảm tốc, triển vọng đàm phán thương mại Mỹ - Trung chưa rõ ràng, tiến trình Brexit phức tạp và bất định… Trước nhiều rủi ro từ bên ngoài, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công thương tiếp tục theo dõi, bám sát, cập nhật đánh giá tác động của các vấn đề quốc tế, trong đó có căng thẳng thương mại, đề xuất giải pháp tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại.

“Phải chú trọng thị trường trong nước, nếu để mất thị trường 100 triệu dân sẽ là khuyết điểm lớn trong điều hành”, Thủ tướng nói.

Thị trường 100 triệu dân là lợi thế của doanh nghiệp (DN) Việt, nhưng với sự xuất hiện của ngày một nhiều các doanh nghiệp quốc tế, mang theo vốn và kinh nghiệm thương trường, sức ép cạnh tranh để tồn tại trên thị trường nội địa đang ngày một lớn. Quý I/2019, Việt Nam ghi nhận lượng vốn ngoại vào cao kỷ lục (6 tỷ USD), thì trong thời gian tới, con số này dự báo có thể còn lớn hơn.

Chia sẻ tại hội thảo “Doanh nghiệp Việt vươn ra biển lớn” tổ chức cùng ngày 2/4/2019, ông Trần Nhật Khanh, Giám đốc Quỹ đầu tư mạo hiểm VinaCapital Ventures cho biết, theo một ước tính của Bain & Company - công ty nghiên cứu về quản lý vốn đầu tư trên thế giới, trong vòng 3-5 năm tới, sẽ có khoảng 70 tỷ USD vốn đầu tư thế giới đổ vào thị trường Đông Nam Á. Cũng theo nghiên cứu này, 90% nhà đầu tư trên thế giới xác định Việt Nam và Indonesia là 2 điểm đến quan trọng nhất. Sức hấp dẫn của một nền kinh tế đang trên đà tăng trưởng cao, xã hội ổn định, sở hữu 100 triệu dân với cơ cấu dân số "vàng"… đang thu hút không ít nhà đầu tư quốc tế chọn Việt Nam làm điểm đến của dòng tiền đầu tư.

“Vũ khí” để cạnh tranh toàn cầu ảnh 1

 Muốn cạnh tranh và vươn lên, công nghệ và chất lượng sản phẩm phải cao hơn đối thủ.

Trong khi các nhà đầu tư quốc tế nhìn thấy cơ hội ở thị trường 100 triệu dân, thì DN Việt Nam phải làm gì để không bị mất thị phần ngay trên sân nhà? Doanh nhân Trần Uyên Phương chia sẻ, cốt lõi là phải hiểu được và phục vụ tốt nhu cầu của người tiêu dùng.

“Họ có nhu cầu, chúng ta tạo ra nhu cầu, xuất phát từ nhu cầu và tìm cách đáp ứng tốt nhất nhu cầu người tiêu dùng, đó là chìa khóa để đứng vững”, Uyên Phương nói và chia sẻ khát vọng của Tân Hiệp Phát là muốn trở thành công ty hàng đầu châu Á, nhưng để làm được, trước hết Tân Hiệp Phát phải là công ty số 1 ở Việt Nam.

“Để giữ được vị trí dẫn đầu, Tập đoàn phải cải tiến, phải là cánh chim đầu đàn, phải liên tục thay đổi để hoàn thiện bản thân mình không chỉ về mặt chất lượng sản phẩm, mà cả về chất lượng toàn diện của dịch vụ, thỏa mãn cho người tiêu dùng”, Uyên Phương nhấn mạnh.

Cũng theo Uyên Phương, tất cả DN đều phải đối mặt với vấn đề phải dựa vào quản lý dài hạn nếu muốn đạt được mục tiêu mình đề ra, nhưng lại phải quản lý ngắn hạn trên hành trình đó. Vì vậy, áp dụng các nguyên tắc quản trị để hài hòa các mục tiêu ngắn hạn, dài hạn để đạt được mục tiêu của tổ chức là một thách thức đối với bất kỳ nhà quản trị DN nào.

Dù sản phẩm trà Việt đã có mặt tại 20 nước trên thế giới, nhưng nhà lãnh đạo Tân Hiệp Phát luôn trăn trở: Làm sao để xây dựng được uy tín, xây dựng được thương hiệu từ Việt Nam, từ đó xây dựng thương hiệu ra thế giới. Hiện nay, xu hướng người tiêu dùng càng ngày càng hướng về các sản phẩm Organic, những sản phẩm có lợi cho sức khỏe. Châu Á có bí quyết về công thức, thảo mộc, điều mà người tiêu dùng châu Âu, châu Mỹ muốn. Đây là cơ hội rất lớn cho DN Việt. 

Khát vọng cùng lớn

Số lượng DN Việt Nam thành lập mới tiếp tục tăng lên theo thời gian cùng nỗ lực cải cách, thúc đẩy sức sáng tạo mà Chính phủ thực hiện. Quý I/2019, Việt Nam có 28.500 DN thành lập mới, riêng địa bàn TP. HCM, như chia sẻ của bà Lê Thị Huỳnh Mai, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. HCM, có gần 9.000 DN mới được thành lập.

Để hỗ trợ các DN sớm ra nhập thị trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. HCM đã có cam kết đột phá về thủ tục, cải cách hành chính, áp dụng chương trình "3 trong 1", "4 trong 1" (DN chỉ đến làm thủ tục 1 lần là nhận được đăng ký kinh doanh, đăng ký đầu tư, đăng ký tài khoản góp vốn…). Những nỗ lực như vậy giúp các DN, doanh nhân nhanh chóng bước chân qua cánh cổng gia nhập thương trường, nhưng DN có trụ vững được trên thương trường hay không lại hoàn toàn phụ thuộc vào năng lực và sự nỗ lực của từng DN.

Ở bất kỳ vị trí nào, người lãnh đạo chính là nắp của cái bình. Nếu như họ không tự cải tiến và phát triển mình, thì doanh nghiệp không thể bứt phá và đứng vững.

Doanh nhân Trần Uyên Phương

Sáng tạo ra nhu cầu, chinh phục nhu cầu của người tiêu dùng luôn một thách thức, nhưng để lớn, DN Việt Nam còn phải thu hút được thêm các nguồn lực từ bên ngoài. Rất hiếm DN nào có thể tự lớn như câu chuyện của Tân Hiệp Phát (từ chối thương vụ Coca Cola muốn chi 2,5 tỷ USD để góp vốn mua cổ phần).

Nguồn lực trong xã hội, nhất là nguồn lực từ nhà đầu tư ngoại là mênh mông, nhưng làm thế nào để thu hút họ chọn DN mình? Ông Khanh chia sẻ, khi đánh giá một DN Việt có sức hấp dẫn hay không, nhà đầu tư chuyên nghiệp luôn đặt ra nhiều câu hỏi. Trước tiên là thị trường sản phẩm của DN có đủ lớn hay không?

Hoạt động kinh doanh của DN ngoài việc kiếm tiền có tạo ra giá trị xã hội hay không? Đội ngũ sáng lập có tâm, có tầm và công ty có những thế mạnh cạnh tranh nào?... Sau tất cả, DN Việt phải trả lời được, mình có cái gì đáng giá để đủ sức gọi thêm các nguồn lực?

Là tác giả cuốn sách “Vượt qua người khổng lồ” xuất bản trên toàn cầu, doanh nhân Trần Uyên Phương không ngần ngại chia sẻ bí quyết để Tân Hiệp Phát đứng vững trên thị trường nội địa và đưa sản phẩm vươn xa ra quốc tế. Đó là xác định chất lượng sản phẩm là quan trọng hàng đầu, tiêu chuẩn chất lượng được Tập đoàn đặt ra rất cao.

Từ cách đây 10 năm, Tân Hiệp Phát đã tiếp cận và nghĩ đến việc đầu tư mua 10 dây chuyền công nghệ Aseptic trị giá 300 triệu USD của Tập đoàn GEA. Với dây chuyền công nghệ này, Tân Hiệp Phát mong muốn đem đến chất lượng vượt trội cho ngành nước giải khát Việt Nam, không cần đến chất bảo quản, nhưng sản phẩm vẫn giữ được 12 tháng.

Đây là yếu tố cốt lõi khiến sản phẩm của Tập đoàn tự tin khi đi đến quốc gia nào cũng sẽ đạt tiêu chuẩn họ đề ra, dù đó có là thị trường khó tính như EU hay Mỹ.

“Chúng tôi quan niệm, làm thế nào để sản phẩm tốt nhất ngay cả sản phẩm đầu tiên làm ra, chứ không chỉ chờ vào thị trường nào đó thì mới nâng cấp chất lượng. Muốn cạnh tranh và vượt lên những 'người khổng lồ' quốc tế, công nghệ, chất lượng sản phẩm của bạn phải cao hơn so với họ”, Uyên Phương nói.

Cũng theo Uyên Phương, khi gia nhập thị trường mới, Tân Hiệp Phát không chỉ mang sứ mệnh của riêng mình, mà lớn hơn là sứ mệnh của những người tiên phong, đại diện cho một Việt Nam trẻ, năng động, đóng góp cho người tiêu dùng một sự lựa chọn "made in Việt Nam", mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, nhưng vẫn bảo đảm các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế, phù hợp với thị hiếu của khách hàng và tăng nhiệt cạnh tranh ở thị trường mục tiêu.

Trên bình diện vĩ mô, tại cuộc họp thường kỳ đầu tháng 4/2019, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo 6 động lực để thúc đẩy tăng trưởng 2019, trong đó có việc phải tiếp tục cải thiện mạnh mẽ, thực chất môi trường đầu tư kinh doanh, nhất là một số vướng mắc thể chế đang làm ảnh hưởng đến sự phát triển. Với các DN, Thủ tướng yêu cầu cần tăng cường tận dụng cơ hội từ CPTPP, đa dạng hóa thị trường, thúc đẩy xuất khẩu…

Chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã rất rõ ràng trong từng giai đoạn phát triển của nền kinh tế. Với từng DN, doanh nhân, để đứng vững trong cuộc cạnh tranh ngày càng không biên giới, phải trả lời được câu hỏi đâu là sức mạnh nội lực, đâu là “vũ khí” cạnh tranh?                     

Tường Vi

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục