VietBank : Tăng cường số hóa để nhận diện rủi ro

(ĐTCK) Năm 2020, hoạt động của ngành ngân hàng được dự báo cơ hội song hành cùng thách thức. Ông Hồ Phan Hải Triều, Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank) chia sẻ chiến lược kinh doanh của Ngân hàng trong bối cảnh đó. 
Hệ thống công nghệ thông tin được đầu tư đầy đủ và toàn diện nhằm phục vụ mục tiêu phát triển của VietBank. Hệ thống công nghệ thông tin được đầu tư đầy đủ và toàn diện nhằm phục vụ mục tiêu phát triển của VietBank.

Ngành ngân hàng vừa có một năm kinh doanh khả quan với lợi nhuận tăng cao. Kết quả hoạt động của VietBank thì sao?

Với sự nỗ lực của Ban lãnh đạo và toàn thể cán bộ nhân viên, VietBank đạt 613 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong năm 2019, tăng 53% so với năm 2018, đạt 114% mục tiêu đề ra. So với những ngân hàng quy mô lớn hơn, VietBank còn phải tiếp tục phấn đấu, nhưng xét với quy mô hiện tại, con số này đã vượt kỳ vọng.

Cũng trong năm qua, VietBank khai trương thêm 18 trung tâm kinh doanh mới trên toàn quốc, mở rộng mạng lưới lên 113 địa điểm kinh doanh, bao gồm các chi nhánh, phòng giao dịch trải rộng khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Là ngân hàng quy mô vừa, song VietBank đã sớm áp chuẩn Basel II trước hạn. Khó khăn nào đối với Ngân hàng trong quá trình thực hiện chuẩn quốc tế này?

Việc triển khai Basel II chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn trong ngắn hạn, buộc các ngân hàng phải có những đổi mới và nâng cao năng lực quản trị rủi ro, quản lý nguồn vốn hiệu quả.

Lợi ích rõ rệt nhất mà Basel II mang lại cho các ngân hàng Việt Nam là tăng cường cạnh tranh lành mạnh và tính minh bạch của hệ thống, tăng cường sức đề kháng của ngân hàng trước những bất ổn và biến động của thị trường.

Vì vậy, ngay từ đầu năm 2019, VietBank đã chủ động triển khai hệ thống tính toán tài sản có rủi ro, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) theo chuẩn Basel II.

Với tiêu chuẩn Basel II, tỷ lệ CAR cần đạt mức tối thiểu 8%, hiện CAR của VietBank luôn cao hơn mức này.

VietBank chính thức được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt áp dụng Basel II trước thời hạn vào tháng 11/2019.

Việc tuân thủ Basel II giúp nâng cao năng lực quản lý rủi ro theo chuẩn mực quốc tế, đồng nghĩa với việc Ngân hàng đáp ứng các quy định khắt khe về quản trị và công nghệ. VietBank luôn đặt yếu tố an toàn lên hàng đầu, đảm bảo cho sự phát triển bền vững.

Mục tiêu tăng trưởng tín dụng đang được kiểm soát theo hướng giảm dần và các ngân hàng đều đang hướng đến nguồn thu từ dịch vụ, liệu cạnh tranh trong hoạt động này có quá gay gắt đối với nhà băng quy mô nhỏ như VietBank?

Việt Nam hiện có gần 100 triệu dân, giao thương và du lịch ngày càng mở rộng nên lượng khách hàng nước ngoài vào Việt Nam ngày một gia tăng.

Vì thế, các ngân hàng có nhiều cơ hội để mở rộng hoạt động.

Theo đó, ngoài tập trung cho vay sản xuất - kinh doanh, các ngân hàng còn đẩy mạnh cho vay tiêu dùng, cho vay mua, sửa chữa nhà đối với khách hàng cá nhân.

Mặt khác, với kinh tế vĩ mô ổn định, hoạt động của ngành ngân hàng cũng ngày càng cải thiện.

Chính sách tiền tệ, tỷ giá, mặt bằng lãi suất được điều hành linh hoạt, ổn định là những yếu tố tác động tích cực lên hoạt động doanh nghiệp.

Ðiều đó giúp cho ngân hàng có thể đẩy mạnh hoạt động tín dụng và dịch vụ đi kèm.

Trong cuộc đua số hóa ngày một quyết liệt giữa các ngân hàng hiện nay, VietBank đã làm được những gì để tăng trải nghiệm cho khách hàng?

Ông Hồ Phan Hải Triều.

Công nghệ số hay số hóa đang đóng vai trò then chốt cho sự phát triển của các ngân hàng tại Việt Nam, cũng như đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.

Ðó là lý do khiến các nhà băng nỗ lực đầu tư nhằm thay đổi diện mạo, đẩy mạnh số hóa trong hầu hết các hoạt động.

Sau hơn 2 năm nghiên cứu xây dựng và phối hợp với các đối tác cung cấp giải pháp công nghệ thông tin hàng đầu trên thế giới, VietBank vừa triển khai thành công hệ thống lõi (Core Banking) trên nền tảng công nghệ hiện đại, với sự kết nối của nhiều ứng dụng.

Dự án chuyển đổi Core Banking của VietBank không đơn thuần là một hệ thống mang tính chất kế toán - giao dịch ngân hàng, mà bao gồm nhiều phân hệ được tích hợp vào.

Qua đó, tất cả các nền tảng công nghệ, các mảng nghiệp vụ tạo thành một hệ thống mạnh mẽ, vận hành ổn định, đồng bộ, giúp cho việc quản trị điều hành nội bộ của Ngân hàng được tốt hơn, đầy đủ hơn.

Ðối với người dùng cuối cùng, đó là sự tích hợp xuyên suốt của những hệ thống công nghệ được gắn kết với nhau, bao gồm sự kết nối đa ứng dụng, vận hành thông minh, dễ dàng áp dụng công nghệ mới một cách nhanh chóng, an toàn vào hoạt động ngân hàng truyền thống và ngân hàng kỹ thuật số.

Về công nghệ phục vụ trực tiếp khách hàng, VietBank đã sở hữu 2 phân hệ là Digital Channel và Corporate Chanel hiện đại hàng đầu, phục vụ tốt nhất khách hàng cá nhân trên kênh kỹ thuật số với những nghiệp vụ phức tạp.

Hệ thống công nghệ thông tin được đầu tư đầy đủ và toàn diện để phục vụ chiến lược lâu dài của VietBank. Ðây được xem là một bước tiến dài trong tiến trình phát triển của Ngân hàng, minh chứng cho sự quyết tâm của Hội đồng quản trị và Ban điều hành.

Ðẩy mạnh số hóa trong ngân hàng luôn đi kèm với thách thức rủi ro bảo mật. VietBank đã chuẩn bị thế nào để đảm bảo được yếu tố trọng yếu này?

Cuộc đua số hóa công nghệ ngân hàng hiện nay không nằm ngoài mục đích đáp ứng nhu cầu, gia tăng trải nghiệm cho người dùng.

Tất nhiên, một khi đẩy mạnh số hóa trước làn sóng công nghệ lan tỏa rộng khắp, việc đảm bảo an toàn, bảo mật luôn phải được đặt lên hàng đầu.

Trong 2 năm qua, VietBank đã phối hợp với Finastra triển khai dự án The Transformer - VietBank Prime nhằm xây dựng hệ thống Core Banking hoàn toàn mới và hiện đại.

VietBank là một trong những ngân hàng tiên phong đầu tư mô hình Core Banking hiện đại này, với nhiều tính năng và tiện ích vượt trội, tạo nền tảng vững chắc cho hoạt động hiện tại và định hướng phát triển trong tương lai, trở thành ngân hàng cung cấp dịch vụ ngân hàng số hàng đầu tại Việt Nam về quản lý rủi ro toàn diện và chặt chẽ.

Song song với đó, VietBank đã đầu tư mạnh vào hạ tầng kết nối, giải pháp bảo mật và liên tục cập nhật các quy trình, giải pháp bảo mật thông tin khách hàng để vận hành hệ thống an toàn.

Kết quả, trong năm qua, VietBank đã được tổ chức đánh giá quốc tế Control Case trao tặng chứng chỉ Quốc tế PCI DSS cho hệ thống thẻ và nằm trong số ít ngân hàng Việt Nam được tổ chức này trao tặng chứng chỉ.

Ðây là một chứng chỉ quan trọng được nhiều tổ chức cung cấp thẻ lớn trên thế giới áp dụng cho các thành viên trong bảo đảm tiêu chuẩn an toàn và bảo mật cho khách hàng.

Ngoài ra, VietBank còn đầu tư và vận hành thành công hệ thống KYC để nâng cao khả năng nhận diện khách hàng, không chỉ với khách hàng vay, mà cả khách hàng gửi tiền cũng được thẩm định trước.

Bởi nếu không nhận diện được khách hàng cũng như nguồn tiền vào ngân hàng sẽ khó tránh rủi ro.

Việc áp dụng các ứng dụng hiện đại như trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ chuỗi khối (blockchain) đang được các ngân hàng thực hiện ngày một mạnh mẽ, VietBank cũng không đứng ngoài cuộc đua số hóa này.

Chẳng hạn, với hoạt động tín dụng, trước đây, hồ sơ cho vay vốn phải qua nhiều công đoạn, nhưng sau khi đầu tư công nghệ hiện đại, quy trình cho vay đã được rút ngắn đáng kể, trong khi vẫn đảm bảo kiểm soát được rủi ro.

Ông đánh giá thế nào về diễn biến thị trường tài chính - ngân hàng trong năm nay và mục tiêu của VietBank ra sao?

Kinh tế năm 2020 được đánh giá thuận lợi, nhưng chưa hết khó khăn. Mục tiêu tăng trưởng tín dụng khó cao hơn năm 2019.

Lạm phát tiếp tục được kiểm soát và mặt bằng lãi suất dự báo khó có biến động mạnh so với năm qua...

Vì vậy, hoạt động của ngành ngân hàng năm 2020 được cho là cơ hội song hành với thách thức.

Với VietBank, năm 2019 đã hoàn tất kế hoạch tăng vốn thêm 1.000 tỷ đồng, đưa vốn điều lệ lên mức hơn 4.256 tỷ đồng, thông qua phát hành gần 91 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và hơn 9,7 triệu cổ phiếu ESOP theo chương trình lựa chọn cho người lao động.

Do đó, chỉ tiêu lợi nhuận đưa ra cho năm 2020 tăng ít nhất 40% so với 2019 là áp lực không nhỏ đối với Ngân hàng.

Trách nhiệm đầy thách thức của Ban điều hành cùng toàn thể nhân viên VietBank là hoạt động phải tạo ra sự phát triển mạnh mẽ nhưng an toàn, hiệu quả sinh lời trên đồng vốn phải trang trải đủ các chi phí, trả lương thưởng cho người lao động và đáp ứng giá trị thặng dư kỳ vọng của cổ đông.

VietBank hiện có số gần 3.000 cán bộ, nhân viên. Hàng năm, Ngân hàng tuyển mới khoảng 10 - 15%, nhưng số lượng nhân sự biến động không nhiều, thấp hơn tỷ lệ này.

Vân Linh
Báo Đầu tư Chứng khoán Tết Canh Tý

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục