SBT: Phát triển bền vững đến từ giá trị nội lực (bài 2)

(ĐTCK) Các thông lệ về Quản trị công ty (QTCT) theo chuẩn mực quốc tế hiện nay được không chỉ cần thiết trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động và tính minh bạch của doanh nghiệp, mà còn là cơ hội giúp doanh nghiệp có được niềm tin của nhà đầu tư, gia tăng cơ hội tiếp cận thị trường vốn đặc biệt là thị trường vốn quốc tế.

Ông Phạm Hồng Dương – Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Chủ tịch Tiểu ban chiến lược, Tiểu ban nhân sự, Ban Phát triển đầu tư dự án kinh doanh ngoài Đường, Ban Phụ trách PTBV môi trường - xã hội (trái); Ông Hoàng Mạnh Tiến - Thành viên độc lập HĐQT phụ trách Tiểu ban kiểm toán (phải)
Ông Phạm Hồng Dương – Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Chủ tịch Tiểu ban chiến lược, Tiểu ban nhân sự, Ban Phát triển đầu tư dự án kinh doanh ngoài Đường, Ban Phụ trách PTBV môi trường - xã hội (trái); Ông Hoàng Mạnh Tiến - Thành viên độc lập HĐQT phụ trách Tiểu ban kiểm toán (phải)

Quản trị công ty - Hướng theo chuẩn mực quốc tế

Với vị thế là doanh nghiệp dẫn đầu ngành đường Việt Nam, CTCP Thành Thành Công - Biên Hòa (SBT, TTC Sugar) đã mạnh dạn thay đổi, cải tiến chuẩn mực quản trị thông qua việc chủ động áp dụng các nguyên tắc của bộ tiêu chuẩn quản trị quốc tế - Corporate Goverance của IFC và thẻ điểm QTCT của khu vực Asean - Asean Scorecard.

Cùng sự tư vấn và đồng hành của IFC, SBT đã thực hiện cải thiện quản trị công ty và đạt được những bước tiến đáng kể. Cụ thể, bên cạnh việc tuân thủ luật pháp và quy định hiện hành, QTCT tại SBT còn được Hội dồng quản trị (HĐQT) từng bước tích hợp và áp dụng linh hoạt các chuẩn mực cao hơn yêu cầu tiêu chuẩn, các thông lệ tốt trên thị trường sao cho phù hợp với bối cảnh hoạt động tại Việt Nam cũng như lĩnh vực kinh doanh mía đường. 

Từ năm 2018, SBT là một trong những công ty đi tiên phong trong việc thành lập Tiểu ban kiểm toán trực thuộc HĐQT thay thế mô hình Ban kiểm soát, trong đó các thành viên HĐQT không điều hành và độc lập đóng vai trò quản lý Tiểu ban kiểm toán để thực hiện giám sát HĐQT một cách độc lập.

Từ khi thành lập đến nay, Tiểu ban kiểm toán đã thực hiện soát xét các vấn đề trọng yếu, đưa ra các kiến nghị và giải pháp hỗ trợ HĐQT trong việc xử lý các vấn đề phát sinh liên quan đến QTCT, báo cáo tài chính, báo cáo thường niên và công bố thông tin...

SBT: Phát triển bền vững đến từ giá trị nội lực (bài 2) ảnh 1

Mô hình Quản trị công ty hiện đại mà SBT đang áp dụng

HĐQT của SBT đều là những thành viên có kiến thức chuyên môn cao, kinh nghiệm thực tế am hiểu sâu sắc hoạt động ngành.

Việc duy trì tỷ lệ cơ cấu thành viên HĐQT độc lập/không độc lập, thành viên HĐQT tham gia điều hành/không điều hành, thành viên HĐQT nam/nữ, cơ cấu theo chuyên môn... đều được công ty hết sức chú trọng thực hiện.

Để tăng cường trách nhiệm của HĐQT, SBT cũng đã thành lập các Tiểu ban kiểm toán, Tiểu ban chiến lược, Tiểu ban nhân sự, Tiểu ban môi trường và xã hội...

Vì một nền tảng bền vững

Theo khảo sát quan điểm các nhà đầu tư toàn cầu về QTCT của Mckinsey năm 2002, gần 80% nhà đầu tư từ tất cả các châu lục sẵn sàng đầu tư thêm cho các doanh nghiệp có QTCT tốt, riêng đối với châu Á, nghiên cứu còn chỉ ra rằng mức đầu tư thêm bình quân là 20%.

Kết quả cho thấy, QTCT là một yếu tố then chốt để cải thiện hiệu quả hoạt động kinh doanh và quản lý rủi ro của doanh nghiệp, tăng cường lòng tin của nhà đầu tư, từ đó doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận vốn tốt hơn, giá trị công ty được nâng tầm cao hơn, góp phần đẩy mạnh hiệu quả của thị trường chứng khoán và phát triển kinh tế chung của đất nước.

Trong những năm gần đây, HĐQT của SBT đã nghiêm túc cải thiện mô hình quản trị theo chuẩn mực cao hơn, tái cấu trúc bộ máy để tối ưu hóa hoạt động giám sát và quản trị rủi ro, đảm bảo đạo đức kinh doanh để tạo niềm tin cho thị trường, chính là nền tảng trong việc cạnh tranh thu hút vốn trên thị trường vốn quốc tế từ đó có thêm tiềm lực để tái cơ cấu hệ thống tài chính. 

Trong bối cảnh Việt Nam không ngừng cải cách, nâng cao năng lực cạnh tranh trong quá trình hội nhập, đặc biệt khi Hiệp định Atiga đã chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2020, SBT luôn nỗ lực củng cố và nâng cao năng lực cạnh tranh của chính mình trên tất cả các phương diện về QTCT, chiến lược kinh doanh, mô hình hoạt động, chất lượng sản phẩm… để mở rộng và vươn xa ra thị trường quốc tế, sẵn sàng đương đầu và cạnh tranh sòng phẳng với các doanh nghiệp lớn trong khu vực và thế giới.

Công ty đã ban hành nhiều bộ quy chế như quy chế nội bộ về QTCT, quy chế giải quyết khiếu nại tố cáo với những quy định rõ ràng.

Ngoài ra, bộ quy tắc ứng xử được xem như là một kim chỉ nam hướng dẫn hơn 4.000 cán bộ nhân viên tuân thủ và cam kết về đạo đức nghề nghiệp trong quá trình tác nghiệp nhằm nâng cao nhận thức về nhiệm vụ và trách nhiệm của từng thành viên trong SBT.

Bên cạnh việc chú trọng xây dựng hoạt động QTCT, các tiêu chuẩn phi tài chính khác liên quan đến quản trị như chuẩn mực về công bố thông tin, các mục tiêu toàn cầu về phát triển bền vững theo Liên Hợp quốc đều được Công ty hướng tới với mục tiêu đồng hành cùng phát triển cộng đồng xã hội, góp phần hoàn thành mục tiêu chung “Doanh nghiệp là trung tâm của mục tiêu phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia".

Những nỗ lực của SBT nhằm đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe của các nhà đầu tư quốc tế khi quyết định rót vốn vào công ty như DEG năm 2019 và sắp tới là đợt phát hành trái phiếu chuyển đổi theo phương thức phát hành riêng lẻ với tổng giá trị lên đến 1.200 tỷ đồng.

Hiện SBT là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp duy nhất tại Việt Nam duy trì được vị thế trong rổ VN30 và được nhiều quỹ ETFs/Index quốc tế uy tín tiếp tục nắm giữ. Tại thời điểm 31/1/2020, tổng số lượng cổ phiếu SBT mà 9 quỹ ETFs/index lớn đang nắm giữ là hơn 25 triệu cổ phiếu, tăng 43% so với thời điểm 31/1/2019. 

Vân Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục