Pymepharco: Công ty có quy mô lớn thứ hai ngành dược sắp lên sàn

(ĐTCK) Công ty cổ phần Pymepharco đang hoàn tất các thủ tục để có thể niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM trong quý IV/2017. Đây là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất - kinh doanh tân dược, có chỉ tiêu lợi nhuận lớn thứ hai so với các doanh nghiệp cùng ngành đang niêm yết.
Trụ sở Công ty cổ phần Pymepharco Trụ sở Công ty cổ phần Pymepharco

Lợi thế cạnh tranh từ nền tảng công nghệ hiện đại bậc nhất

Pymepharco tiền thân là Công ty Dược và Vật tư y tế Phú Yên được thành lập ngày 23/7/1989, tại Phú Yên. Ngay từ đầu, Ban lãnh đạo Pymepharco đã chọn hướng đi riêng là không theo đuổi cạnh tranh giá rẻ, mà lựa chọn phân khúc sản phẩm cao cấp, điển hình là Cephalosporin dạng thuốc viên và thuốc bột pha tiêm có hàm lượng công nghệ cao, được sử dụng rộng rãi trong hệ điều trị (ETC). Chính vì vậy, hoạt động đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại, công nghệ tiên tiến, cũng như xây dựng đội ngũ nhân sự có trình độ chuyên môn cao được Ban lãnh đạo Công ty chú trọng và đẩy mạnh.

Năm 2003, nhà máy thuốc viên của Pymepharco, bao gồm 3 phân xưởng Beta-lactam, Non-Beta lactam, viên nang mềm chính thức đi vào hoạt động và đạt tiêu chuẩn GMP-WHO đầu tiên tại Việt Nam vào năm 2005. Không dừng ở đó, năm 2008, nhà máy thứ hai của Công ty, sản xuất thuốc tiêm đi vào hoạt động, với 4 dây chuyền sản xuất: Dung dịch tiêm, thuốc bột đông khô, thuốc nhỏ mắt và đặc biệt là thuốc bột pha tiêm dòng kháng sinh Cephalosporin. Đây là nhà máy thuốc tiêm được đánh giá hiện đại bậc nhất của Việt Nam và Đông Nam Á vào thời điểm đó.

Qua 3 năm đầu tư và chú trọng nguồn nhân lực, năm 2013, Pymepharco trở thành doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam được Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn GMP - EU cho xưởng kháng sinh Cephalosporin thuốc viên. Năm 2015, Công ty thực hiện tái xét thành công tiêu chuẩn GMP - EU cho sản phẩm kháng sinh Cephalosporin thuốc viên.

Với việc đạt tiêu chuẩn chất lượng GMP - EU, sản phẩm kháng sinh Cephalosporin thuốc viên của Pymepharco đủ điều kiện để được cấp phép xuất khẩu sang thị trường châu Âu. Đặc biệt, Công ty tạo được lợi thế trong việc tham gia đấu thầu thuốc Generic nhóm 1 và 2 nhờ giá bán cạnh tranh hơn so với thuốc ngoại nhập, đồng thời nắm bắt được cơ hội từ việc thay đổi cơ chế đấu thầu - ưu tiên thuốc sản xuất trong nước.

Ngoài ra, sở hữu công nghệ sản xuất hiện đại đã mở ra cơ hội cho Pymepharco sản xuất hàng nhượng quyền của các hãng dược phẩm hàng đầu trên thế giới như Stada (Đức), EG LABO (Pháp)…

Đến nay, Pymepharco đã cung ứng ra thị trường hơn 350 sản phẩm và là một trong những đơn vị dẫn đầu trong công tác đánh giá tương đương sinh học. Hơn 70 sản phẩm đã được tiến hành đánh giá tương đương sinh học tại Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương và Viện Kiểm nghiệm thuốc TP.HCM; hiện đã có 46 sản phẩm được Bộ Y tế công bố.

Trong buổi tham quan nhà máy vào ngày 12/10 vừa qua tại Phú Yên, ông Huỳnh Tấn Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Pymepharco chia sẻ, Công ty đã thành công trong đợt tái xét lần 3 tiêu chuẩn GMP - EU cho xưởng Cephalosporin thuốc viên vào đầu tháng 10/2017, sắp tới sẽ hoàn thành dự án đầu tư tiêu chuẩn GMP - EU cho xưởng Cephalosporin thuốc tiêm vào cuối năm nay. Bên cạnh đó, Công ty sẽ triển khai kế hoạch đầu tư dự án nhà máy thuốc viên Non - Beta lactam theo tiêu chuẩn GMP - EU trong năm 2018.

Hiện tại, tỷ trọng doanh thu kênh OTC (bán lẻ nhà thuốc) chiếm 52% và kênh ETC (bán hàng qua đấu thầu, bán buôn) chiếm 48% tổng doanh thu của Pymepharco. Theo kế hoạch, Công ty sẽ tăng dần tỷ trọng kênh OTC thêm 3 - 5%/năm trên tổng doanh thu, mục tiêu đến năm 2020, kênh OTC chiếm tỷ trọng 65% và ETC là 35%. Ông Nam cho biết, tỷ trọng doanh thu kênh ETC giảm, nhưng số tuyệt đối không giảm. Việc đẩy mạnh kênh OTC là chiến lược phát triển bền vững, không phụ thuộc vào kênh nào.

Điểm sáng triển vọng kinh doanh

Theo báo cáo tài chính đã kiểm toán trong 2 năm gần nhất 2015 - 2016, doanh thu thuần của Pymepharco lần lượt là 1.308 tỷ đồng và 1.500 tỷ đồng, đứng thứ ba sau hai doanh nghiệp lớn đang niêm yết là DHG và TRA. Lợi nhuận trước thuế năm 2016 đạt 299,9 tỷ đồng, chỉ sau DHG. Trong cơ cấu doanh thu của Công ty, doanh thu bán thành phẩm (hàng tự sản xuất) chiếm 88 - 90%, còn doanh thu thương mại chỉ khoảng 10%.

Đặc thù của ngành sản xuất dược phẩm Việt Nam là chi phí nguyên vật liệu chiếm tỷ trọng lớn trong giá vốn và trong vài năm gần đây, chi phí này có biến động tăng. Tuy nhiên, tại Pymepharco, các chi phí được kiểm soát tốt nên giữ được mức ổn định.

Trung bình giai đoạn 2015 đến hết tháng 6/2017, giá vốn hàng bán chiếm trên 52%, chi phí bán hàng khoảng 25% (năm 2015 là 26,7%, năm 2016 là 25,6%, 6 tháng đầu năm 2017 là 24%), chi phí quản lý doanh nghiệp khoảng 3% doanh thu thuần. Biên lợi nhuận gộp duy trì quanh mức 47%, trong đó, biên lợi nhuận gộp của hàng sản xuất khoảng 46%, ở mức cao so với nhiều doanh nghiệp trong ngành.

6 tháng đầu năm 2017, Pymepharco đạt doanh thu hơn 825 tỷ đồng, lãi trước thuế 185,6 tỷ đồng, hoàn thành lần lượt 52,5% và 61,9% kế hoạch năm.

Về cơ cấu vốn, Pymepharco có tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu ở mức thấp, cuối năm 2015 là 26,5%, cuối năm 2016 là 22% và tại ngày 30/6/2017 là 38,5%. Công ty không có nợ vay ngắn hạn và dài hạn.

Chia sẻ về kế hoạch giai đoạn 2018 - 2019, ông Nam cho biết, Công ty đặt mục tiêu tăng trưởng kép (CAGR) 15% cho cả doanh thu và lợi nhuận sau thuế. Cụ thể, mục tiêu doanh thu năm 2018 là 1.858 tỷ đồng doanh, năm 2019 là 2.137 tỷ đồng; mục tiêu lợi nhuận tương ứng là 334 tỷ đồng và 384 tỷ đồng.

Cơ sở chính để Pymepharco đề ra kế hoạch kinh doanh trên là sản phẩm thuốc tiêm Cephalosporin đạt tiêu chuẩn GMP - EU sẽ giúp tăng sản lượng tiêu thụ và Công ty sẽ đẩy mạnh sản phẩm mới được sản xuất nhượng quyền thương hiệu EG Labo - Pháp. Theo ông Nam, chỉ cần nhà máy thuốc tiêm đạt tiêu chuẩn GMP - EU đi vào hoạt động thì khả năng tăng doanh số 200 - 300 tỷ đồng/năm là không quá khó khăn. Ngoài ra, Công ty sẽ tiếp tục mở rộng kênh phân phối. Hiện hệ thống phân phối của Pymepharco gồm 19 chi nhánh và hơn 12.000 khách hàng trên cả nước.

Cơ hội đầu tư chỉ còn dành cho nhà đầu tư trong nước

Theo báo cáo tài chính bán niên 2017 đã soát xét, vốn điều lệ của Pymepharco là 502 tỷ đồng. Trong quý III/2017, Công ty trả cổ tức bằng cổ phiếu, nâng vốn điều lệ lên 625 tỷ đồng, quy mô vốn lớn thứ hai so với các doanh nghiệp cùng ngành đang niêm yết.

Cơ cấu cổ đông của Công ty khá cô đặc, tại thời điểm 29/8/2017, cổ đông nước ngoài lớn nhất của Pymepharco là Stada Service Holding B.V - công ty con của Hãng dược phẩm Stada (Đức), sở hữu 49% vốn. Cổ đông này tham gia vào Pymepharco từ năm 2008 và hỗ trợ rất nhiều cho Công ty. Đặc biệt, nhờ chuyển giao công nghệ từ đối tác chiến lược này, Pymepharco đã thành công trong việc nâng cấp dây chuyền sản xuất đạt chuẩn GMP - EU. Được biết, Stada chưa có ý định thoái vốn và Pymepharco đang còn bỏ ngỏ ý định nới tỷ lệ sở hữu tối đa (room0 cho nhà đầu tư nước ngoài. Với việc kín “room” ngoại, khi Pymepharco lên sàn, cơ hội đầu tư chỉ còn dành cho nhà đầu tư trong nước.

Pymepharco có một cổ đông tổ chức lớn khác là Công ty cổ phần Đầu tư Well Light, sở hữu 10% và một cổ đông cá nhân lớn là ông Trương Viết Vũ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Dược phẩm Pha No, đồng thời là thành viên Hội đồng quản trị IMP, sở hữu 13,16%. Hơn 400 nhà đầu tư cá nhân khác sở hữu phần số cổ phần còn lại của Pymepharco.

Với vị thế trong ngành, tiềm năng tăng trưởng và cơ cấu cổ đông như trên, cổ phiếu Pymepharco khi niêm yết kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội đầu tư cho nhiều nhà đầu tư tham gia.

Phan Hằng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục