Ngân hàng lưu động Agribank: Niềm tin của người dân miền cao nguyên đất đỏ

(ĐTCK) Tính đến tháng 9/2018, Agribank đã thực hiện 184.075 bút toán giao dịch, phục vụ 196.874 khách hàng tại 229 xã. Tây Nguyên là một trong những khu vực triển khai hiệu quả mô hình điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng.
Tổng giám đốc Agribank Tiết Văn Thành (áo trắng) kiểm tra giao dịch thử nghiệm tại huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa
Tổng giám đốc Agribank Tiết Văn Thành (áo trắng) kiểm tra giao dịch thử nghiệm tại huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa

Những tiếng nói hân hoan của khách hàng

Đến huyện Đăk Glong, tỉnh Đăk Nông, chúng tôi được cùng bà con trải nghiệm dịch vụ ngân hàng hiện đại trên ô tô chuyên dùng của Agribank và được lắng nghe tiếng nói đầy hân hoan của khách hàng.

Gặp chúng tôi, chị Lê Thị Hồng ở xã Quảng Sơn, huyện Đăk Glong như có cơ hội được “trải lòng” về hoạt động giao dịch với ngân hàng khi chia sẻ: “Tôi vui lắm, vì bây giờ vay tiền hay gửi tiền không phải đi đoạn đường hơn 35 km nữa, xa lắm, lo lắm. Tôi chỉ cần đến trụ sở xã là có thể giao dịch được. Nhân viên ngân hàng ăn nói ngọt lắm, hòa đồng lắm, các thủ tục nhanh lắm”.

Cũng tại điểm giao dịch lưu động Agribank tại xã Quảng Sơn, vừa giao dịch xong, chị Thái Thị Vân không giấu được niềm vui và chia sẻ với chúng tôi: “Giao dịch ngân hàng bây giờ tiện lắm, tôi có thể chủ động đi một mình đến điểm giao dịch lưu động, chứ không cần phải có chồng đi cùng như trước, vì đi xa cũng sợ”.

“Hiện ngân hàng lưu động mở cách ngày, giá mà ngân hàng lưu động mở hàng ngày thì tốt, nhưng như thế, các cán bộ cũng vất vả vì phải đi ô tô xa”, chị Vân nói thêm.

Có thể nói, đối với khách hàng khu vực Tây Nguyên nói riêng và khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa trên khắp cả nước nói chung, Agribank đã thực sự đem đến niềm an vui rất lớn.

Để có thể đem đến những tiện ích cho khách hàng ở những buôn làng xa xôi nhất, các cán bộ Agribank đã cần mẫn thực hiện nhiệm vụ mỗi ngày, đi làm từ sáng sớm khi núi rừng còn mờ sương và trở về nhà khi màn đêm đã buông xuống, trên con đường gập ghềnh, lồi lõm. Tuy nhiên, sự hài lòng của khách hàng và chia sẻ với khó khăn của cán bộ ngân hàng đã giúp mọi người quên đi những vất vả thường ngày.

Ông Nguyễn Đức Thành, Phó giám đốc Agribank - chi nhánh huyện Đăk Glong chia sẻ: “Mỗi ngày hai lần phải đi trên đoạn đường xấu, nhiều ổ gà, ổ voi và xa hơn 60 km từ trụ sở Agribank huyện Đăk Glong đến xã Quảng Sơn để thực hiện nhiệm vụ khiến cho cán bộ thấm mệt. Các đồng chí trưởng điểm và giao dịch viên như Trần Thị Thu Hường, Trần Thị Mai Trang… đã phải dồn toàn bộ nhiệt huyết và năng lượng tuổi trẻ của mình để thực hiện tốt nhiệm vụ. Bản thân tôi cũng phải thường xuyên xuống địa bàn (xã Quảng Sơn) để cùng anh em làm việc và tăng thêm niềm tin cho khách hàng, bởi đây là một hình thức giao dịch mới đối với bà con, khác với việc giao dịch tại trụ sở huyện trước kia”.

Hiệu quả kép từ những chuyến xe

Các cán bộ Agribank ở Đăk Glong nói riêng và toàn hệ thống Agribank nói chung đã nỗ lực vượt mọi khó khăn nhằm mang đến những dịch vụ tốt nhất cho khách hàng. Trong 9 tháng đầu năm 2018, tại khu vực Tây Nguyên, dịch vụ ngân hàng lưu động của Agribank đã phục vụ trên 9.730 khách hàng với hơn 6.850 bút toán giao dịch và Agribank Đăk Nông là một trong những đơn vị triển khai thành công mô hình điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng.

Điểm giao dịch lưu động của Agribank tại xã Quảng Sơn được triển khai từ tháng 1/2018, đến ngày 30/9/2018 đã thực hiện được 5.053 bút toán giao dịch và phục vụ 7.082 khách hàng. Khách hàng đến điểm giao dịch lưu động của Agribank để chuyển tiền, nhận tiền, gửi tiết kiệm, vay vốn kinh doanh và phục vụ những nhu cầu cần thiết khác.

Ngay từ khi khai trương điểm giao dịch ngân hàng lưu động tại xã Quảng Sơn, Agribank đã nhận được sự giúp đỡ, tạo điều kiện của UBND xã này. Ông Đỗ Ngọc Hiếu, Chủ tịch UBND xã Quảng Sơn đánh giá: “Ngân hàng lưu động của Agribank giúp bà con đỡ vất vả, vì trước đây phải giao dịch ở trụ sở huyện rất xa, trong khi dân số địa phương khá đông và có nhu cầu vay vốn ngân hàng. Đối với người dân xã Quảng Sơn và người dân khu vực lân cận thì Agribank là địa chỉ tin cậy, bởi Ngân hàng có những chính sách ưu đãi trong phát triển nông nghiệp, nông thôn”.

Phải khẳng định rằng, triển khai điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng tại các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa là một sáng tạo của Agribank, nhằm giảm bớt những khó khăn của đồng bào khi muốn tiếp cận nguồn vốn ngân hàng. Mặt khác, triển khai điểm giao dịch lưu động giúp ngân hàng tiết giảm chi phí và nguồn nhân lực, bởi các cán bộ của chi nhánh sẽ luân phiên tham gia tổ giao dịch lưu động bằng xe ô tô chuyên dùng để tới địa bàn phục vụ khách hàng.

Bên cạnh việc triển khai điểm giao dịch lưu động, Agribank còn triển khai tốt các hoạt động cho vay qua tổ, nhóm… để tạo thuận lợi cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn ngân hàng, đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh của Agribank.         

Lại Hương

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục