Mảnh ghép mới trong bức tranh dài hạn của Vĩnh Hoàn

(ĐTCK) Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn vừa công bố thông tin về việc nhận chuyển nhượng 100% cổ phần tại Công ty cổ phần Thủy sản Thanh Bình Đồng Tháp. Đây được đánh giá là thương vụ M&A đem lại nhiều giá trị cộng hưởng và là mảnh ghép vừa vặn trong bức tranh phát triển dài hạn của Vĩnh Hoàn.
Thanh Bình hiện sở hữu hai nhà máy chế biến phi-lê cá tra đông lạnh với tổng công suất 400 tấn cá nguyên liệu/ngày Thanh Bình hiện sở hữu hai nhà máy chế biến phi-lê cá tra đông lạnh với tổng công suất 400 tấn cá nguyên liệu/ngày

Năm 2017 là năm bản lề trong lộ trình thực hiện chiến lược kinh doanh 3 năm giai đoạn 2016 – 2018 của Vĩnh Hoàn. Theo đó, Công ty tập trung vào ba mũi nhọn: gia tăng thị phần tại các thị trường hiện hữu và mở rộng các thị trường mới, phát triển các sản phẩm giá trị gia tăng và phát triển kênh bán hàng trực tiếp cho các nhà hàng và siêu thị. Để thực hiện chiến lược này, đòi hỏi Vĩnh Hoàn phải xây dựng lộ trình tăng năng lực sản xuất tương ứng theo từng năm.

Theo công bố của Vĩnh Hoàn, Thanh Bình được đánh giá là phương án đầu tư đem lại hiệu quả tối ưu, xét cả về chi phí lẫn thời gian vì nó đáp ứng đầy đủ các yếu tố cần thiết để phục vụ yêu cầu gia tăng công suất trong khung thời gian tương đối ngắn (2 năm từ 2017 - 2018).

Về cơ sở vật chất, Thanh Bình hiện sở hữu hai nhà máy chế biến phi-lê cá tra đông lạnh với tổng công suất thiết kế lên tới 400 tấn cá nguyên liệu/ngày, một kho lạnh và các công trình phụ trợ trên tổng diện tích đất gần 8 ha. Tuy hiện tại chỉ có một nhà máy đang vận hành với công suất 50 tấn/ngày, Vĩnh Hoàn dự kiến nâng công suất cho nhà máy này lên 150 tấn/ngày vào cuối năm 2017 và đưa nhà máy thứ hai vào hoạt động với công suất đạt 150 tấn/ngày vào cuối năm 2018. Công suất gia tăng không chỉ đáp ứng tốt quá trình chế biến phi - lê thông thường, mà còn phát triển năng lực sản xuất các sản phẩm giá trị gia tăng. Việc nâng công suất cho các tài sản có sẵn này sẽ hiệu quả hơn về mặt chi phí và thời gian so với tự xây dựng nhà máy mới. Ngoài ra, với quỹ đất dồi dào, Vĩnh Hoàn dự kiến xây dựng thêm một nhà máy sản xuất bột cá và mỡ cá để tối ưu hóa giá trị phụ phẩm từ cá tra.

Mảnh ghép mới trong bức tranh dài hạn của Vĩnh Hoàn ảnh 1

Về nhân sự, Thanh Bình hiện sở hữu lực lượng kỹ thuật và quản lý sản xuất giàu kinh nghiệm, tâm huyết cùng đội ngũ công nhân ổn định có tay nghề. Đây là điểm cộng giúp rút ngắn thời gian chuyển giao bộ máy, đào tạo nhân sự để đạt được sự tương đồng về năng lực quản lý và chất lượng sản phẩm giữa Thanh Bình và các nhà máy hiện tại của Vĩnh Hoàn.

Ngoài ra, Thanh Bình nằm trên cùng trục đường quốc lộ 30, chỉ cách Vĩnh Hoàn hơn 10 km, rất thuận tiện cho công tác quản lý, gắn kết và hỗ trợ lẫn nhau giữa các nhà máy. Với lợi thế quy mô lớn của Thanh Bình, Vĩnh Hoàn có thể quản lý tập trung, thay vì quản lý nhiều nhà máy nhỏ phân tán ở các địa điểm khác nhau.

Bên cạnh gia tăng năng lực chế biến, để đảm bảo nguyên liệu cho sản xuất, trong năm 2017, bên cạnh việc cải thiện năng suất và hiệu quả của các vùng nuôi hiện hữu, Vĩnh Hoàn chú trọng mở rộng thêm diện tích nuôi để duy trì tỷ lệ tự nuôi từ 60% đến 65%, nâng cao tính chủ động về nguồn cung nguyên liệu trước bối cảnh biến động của thị trường nguyên liệu và các nguy cơ khách quan khác như tình trạng xâm nhập mặn, hạn hán.

Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng về nguồn nguyên liệu và năng lực sản xuất nội tại này, tin rằng, sau thương vụ chuyển giao quyền sở hữu tại nhà máy thức ăn Vĩnh Hoàn 1 vào năm 2014, việc nhận chuyển nhượng tại Thanh Bình lại là một bước đi hợp lý trong lộ trình thực hiện chiến lược tối ưu hóa hiệu quả chuỗi giá trị toàn hệ thống của Vĩnh Hoàn.

Ái Phương

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục