Lợi nhuận ngân hàng tích cực trong nửa đầu năm

(ĐTCK) Hoạt động ngành ngân hàng được cải thiện nửa đầu năm nay, nhưng tiến trình xử lý nợ xấu khó có thể đẩy nhanh như kỳ vọng, nên dự phòng rủi vẫn là gánh nặng đối với các ngân hàng. Tuy nhiên, các ngân hàng kỳ vọng, tình hình kinh doanh 6 tháng cuối năm sẽ tiếp tục khởi sắc, vượt chỉ tiêu lợi nhuận đề ra.
Lợi nhuận ngân hàng tích cực trong nửa đầu năm

Kết quả khởi sắc, dù trích dự phòng cao

Kết quả cuộc điều tra xu hướng kinh doanh mới nhất do Vụ Dự báo thống kê - NHNN tiến hành vào tháng 6/2018 cho thấy, hầu hết các tổ chức tín dụng đánh giá, kết quả hoạt động kinh doanh tăng trưởng tốt trong quý II/2018 và kỳ vọng kết quả năm nay tăng cao hơn so với năm trước.

Tự nhận định về tình hình kinh doanh trong quý II/2018, có 67,4% tổ chức tín dụng cho rằng, đã có cải thiện tốt hơn so với quý trước. Điều này được chứng minh qua kết quả kinh doanh được các ngân hàng công bố gần đây, với lợi nhuận đạt được tương đối khả quan sau khi đã trích dự phòng.

Tuy quy mô hoạt động nằm trong top vừa và nhỏ trên thị trường hiện nay, song Ngân hàng TMCP Bản Việt (Viet Capital Bank) cũng đã đạt được những kết quả đáng khích lệ trong 2 quý đầu năm nay.

Cụ thể, Ngân hàng Bản Việt vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2018 (chưa soát xét) cho thấy, trong quý II, thu nhập lãi thuần của ngân hàng đạt 220 tỷ đồng, tăng 43% so với cùng kỳ. Hoạt động dịch vụ có lãi 4,3 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ chỉ lãi 582 triệu đồng. Kinh doanh ngoại hối lãi 11 tỷ đồng, gấp 5 lần cùng kỳ.

Thế nhưng, chi phí hoạt động tăng 16% và đặc biệt chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng mạnh từ 18,3 tỷ đồng lên 118 tỷ đồng, khiến Ngân hàng Bản Việt chịu mức lỗ trước thuế 33,5 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ 2017 lãi 10,9 tỷ đồng.

Tuy nhiên, lũy kế 6 tháng đầu năm nay, Ngân hàng Bản Việt vẫn đạt 53,2 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng tới 264% so với cùng kỳ năm trước.

Như vậy, so với chỉ tiêu lợi nhuận năm 2018 ở mức 80 tỷ đồng trước thuế được Đại hội đồng cổ đông giao, sau nửa đầu năm, Ngân hàng đã hoàn thành 66,5% chỉ tiêu năm.

Điều đáng nói, trong quý II/2018, chỉ có duy nhất lợi nhuận hoạt động đầu tư chứng khoán của Ngân hàng là giảm gần 5,5%, đạt 17,3 tỷ đồng, còn các hoạt động khác, lợi nhuận đều tăng, đóp góp tích cực vào lợi nhuận Ngân hàng nửa đầu năm nay. Cụ thể, hHoạt động dịch vụ có lãi 4,3 tỷ đồng trong khi cùng kỳ chỉ lãi 582 triệu đồng. Kinh doanh ngoại hối lãi 11 tỷ, gấp 5 lần cùng kỳ

Tính đến 30/6, tổng tài sản Ngân hàng Bản Việt đạt 41.181 tỷ đồng, tăng 3,2% so với đầu năm. Trong đó, cho vay khách hàng tăng hơn 2,1%, đạt 25.553 tỷ đồng; số dư tiền gửi của khách hàng tăng 2,5 lần so với cho vay đạt 28.399 tỷ đồng và tăng gần 5,1% so đầu năm.

Kiểm soát chặt rủi ro tín dụng

Mặc dù chưa thống kê được số liệu chính xác về nợ xấu và các giá trị trái phiếu VAMC mà Ngân hàng Bản Việt đang nắm giữ, nhưng với quỹ dự phòng rủi ro trên 100 tỷ đồng mà ngân hàng đang có hiện nay được xem là của để dành trong thời gian tới. Sau khi Ngân hàng xử lý và thu hồi được nợ xấu, khoản dự phòng trên sẽ được hoàn nhập vào lợi nhuận.

Trong thời gian gần đây, Ngân hàng Bản Việt đã không ngừng đẩy mạnh hợp tác với các đối tác xây dựng mô hình xếp hạng tín dụng nội bộ, tăng cường quản lý rủi ro trong hoạt động tín dụng, hạn chế nợ xấu.

Mới đây nhất, Ngân hàng Bản Việt đã có thỏa thuận hợp tác với KPMG tư vấn xây dựng mô hình xếp hạng tín dụng nội bộ theo chuẩn mực quốc tế, cải thiện và nâng cao hệ thống xếp hạng tín dụng hiện tại của Ngân hàng Bản Việt, cùng với việc rà soát thực trạng của Ngân hàng và chênh lệch kinh doanh và dữ liệu tín dụng so với Thông tư 41 và chuẩn mực quốc tế nhằm hướng đến chuẩn mực Basel II.

Trước đó, Ngân hàng Bản Việt ký kết thỏa thuận hợp tác triển khai hệ thống phê duyệt và khởi tạo tín dụng (Credit Approval & Origination System) với Công ty hệ thống FPT thuộc Tập đoàn FPT.

Hệ thống phê duyệt và khởi tạo tín dụng được xây dựng dựa trên giải pháp phần mềm FinnOne Neo của Công ty Nucleus Software và được tư vấn bởi Công ty Hệ thống thông tin FPT.

Dự án này không chỉ mang đến các hiệu quả nhất định về mặt quản trị và vận hành tín dụng, mà còn tạo điều kiện để rút ngắn thời gian cấp tín dụng đến khách hàng. Đây là một bước phát triển vượt bậc trong tiến trình số hóa hoạt động tín dụng của Ngân hàng Bản Việt.

Với mục tiêu chiến lược là phát triển thành ngân hàng bán lẻ đa năng, hiện đại, lấy khách hàng làm trung tâm, Ngân hàng Bản Việt đã-đang từng bước áp dụng các thông lệ quốc tế tốt nhất để quản trị hoạt động kinh doanh, đặc biệt là quản lý rủi ro tín dụng.

Việc nâng cấp mô hình xếp hạng tín dụng cho các sản phẩm bán lẻ khách hàng cá nhân; cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa theo thông lệ tiên tiến, giúp đơn giản hóa quy trình cho vay và tối ưu hóa hiệu quả kinh doanh, quản trị rủi ro và danh mục tín dụng hiệu quả, lành mạnh là một bước trọng yếu để đạt được mục tiêu nêu trên.

Vân Linh

Tin cùng chuyên mục