Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) nỗ lực triển khai các giải pháp vượt khó

(ĐTCK) Mặc dù bị lỗ hơn 2.300 tỷ đồng trong quý I/2020, nhưng những nỗ lực thích ứng với khó khăn được kỳ vọng sẽ giúp Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) kinh doanh hiệu quả hơn và có thể sớm khôi phục lợi nhuận khi tình hình dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát và giá dầu hồi phục.
Các chuyên gia đánh giá, BSR sẽ vận hành hiệu quả hơn trong thời gian tới khi dịch bệnh được kiểm soát. Các chuyên gia đánh giá, BSR sẽ vận hành hiệu quả hơn trong thời gian tới khi dịch bệnh được kiểm soát.

Báo cáo tài chính riêng của BSR vừa công bố cho biết, kết thúc quý đầu năm 2020, Công ty lỗ sau thuế 2.332 tỷ đồng, ghi nhận quý lỗ thứ hai kể từ khi chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) vào tháng 1/2018, đều từ nguyên nhân là giá dầu thô lao dốc.

Kết quả lợi nhuận âm của BSR là không bất ngờ với các chuyên gia phân tích cũng như nhà đầu tư trong bối cảnh các nhà máy lọc hoá dầu trong nước và nước ngoài đều bị thiệt hại do tác động kép từ ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 lan rộng và giá dầu thô lao dốc.

Ngoài việc tiêu thụ sản phẩm bị giảm mạnh dẫn đến tồn kho dầu thô và sản phẩm tăng cao, giá dầu Brent trong quý I lao dốc hơn 70% từ 68,34 USD/thùng vào ngày 3/1/2020 xuống còn 17,68 USD/thùng vào ngày 31/3/2020 làm tăng trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho, là nguyên nhân chính dẫn đến kết quả lỗ trong quý I/2020.

Mặc dù đang phải đối mặt với bối cảnh kinh doanh bĩ cực nhất trong nhiều năm trở lại đây, nhưng bức tranh tài chính, kinh doanh của BSR cũng thể hiện nỗ lực của Công ty trong việc tìm kiếm giải pháp khắc phục nghịch cảnh và giảm bớt những khó khăn.

Cụ thể, về công tác tiết giảm chi phí, các chi phí dịch vụ mua ngoài và chi phí khác phục vụ công tác bán hàng, quản lý… đều giảm mạnh so với kế hoạch cho thấy những nỗ lực nâng cao hiệu quả trong công tác quản trị, điều hành Công ty.

Ðể cải thiện dòng tiền, một mặt BSR điều chỉnh giảm công suất nhà máy về mức tối ưu, thương thảo với khách hàng để giải phóng tồn kho, thu hồi các khoản phải thu; mặt khác điều chỉnh lại công tác mua dầu thô, công tác thương mại, tìm kiếm sự hỗ trợ của nhà cung cấp để giảm áp lực tồn kho, dòng tiền.

Kết quả, giá trị các khoản phải thu của khách hàng giảm từ 9.756 tỷ đồng đầu năm xuống còn 4.497 tỷ đồng đến cuối quý I/2020, tương đương giảm 5.259 tỷ đồng. Giá trị nguyên vật liệu tồn kho và hàng mua đi đường ghi nhận mức giảm 1.658 tỷ đồng.

Các chỉ số tài chính như hệ số nợ, hệ số về khả năng thanh toán của Công ty tại thời điểm 31/3/2020 đều ở mức an toàn.

Ngoài ra, Công ty tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, áp dụng các sáng kiến cải tiến kỹ thuật vào thực tiễn sản xuất nhằm gia tăng hiệu quả sản xuất - kinh doanh.

Với sự chủ động nhận diện khó khăn và triển khai các giải pháp đồng bộ của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và BSR, các chuyên gia đánh giá, Công ty sẽ vận hành hiệu quả hơn, tận dụng các cơ hội để từng bước giảm lỗ và đạt được mức lợi nhuận tốt hơn trong thời gian còn lại của năm 2020, khi mà dịch bệnh được kiểm soát, nền kinh tế khởi động lại và các nước xuất khẩu dầu mỏ lớn trên thế giới đồng ý cắt giảm sản lượng sẽ giúp giá dầu thô được phục hồi.

Minh Lâm

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục