Khoáng sản và xây dựng Bình Dương (KSB): Nóng chuyện M&A mỏ đá mới

(ĐTCK) Công ty cổ phần Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương (KSB) đã lên kế hoạch khai thác hiệu quả mỏ đá Tân Đông Hiệp trong thời gian còn lại của giấy phép và đẩy sản lượng khai thác các mỏ hiện hữu khác nhằm đảm bảo sản lượng cung cấp ra thị trường trong năm 2019 và 2020. Đồng thời, KSB đang rốt ráo tiến hành M&A doanh nghiệp cùng ngành sở hữu mỏ đá lớn, chất lượng tốt để thay thế cho mỏ Tân Đông Hiệp sẽ đóng cửa vào cuối năm nay.
Khoáng sản và xây dựng Bình Dương (KSB): Nóng chuyện M&A mỏ đá mới

Sản lượng tiêu thụ đá tích cực hơn

Theo giấy phép khai thác mỏ Tân Đông Hiệp, tính đến hết tháng 6/2019, trữ lượng còn có thể khai thác là 3,77 triệu m3. Đến ngày 31/12/2019, mỏ này sẽ chính thức ngưng nổ mìn khai thác đá và tiến hành phương án cải tạo đóng cửa theo quy định. Chia sẻ với Đầu tư Chứng khoán, ông Phan Tấn Đạt, Chủ tịch HĐQT KSB cho biết, theo kế hoạch từ nay đến cuối năm, Công ty sẽ khai thác khoảng 2,27 triệu m3 đá, trong đó dự kiến tiêu thụ khoảng 1,27 triệu m3. Phần còn lại tồn kho sẽ tiêu thụ trong năm 2020.

Bước sang năm 2020, mỏ Tân Đông Hiệp sẽ đến giai đoạn cải tạo phục hồi môi trường để đóng cửa. Trong giai đoạn này, doanh nghiệp có thể tận thu thêm nhờ quá trình cải tạo đưa mỏ về trạng thái an toàn.

Năm 2019, KSB đặt kế hoạch doanh thu 1.400 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 400 tỷ đồng. Nửa đầu năm, Công ty ước đạt khoảng 602 tỷ đồng doanh thu, 190 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Với kế hoạch khai thác như trên, ông Đạt cho biết, KSB sẽ hoàn thành kế hoạch sản xuất của năm 2019.

Do nhiều đại công trình hạ tầng giao thông như cao tốc, tuyến metro... đòi hỏi chất lượng đá làm bê tông cường độ cao kéo dài tiến độ hơn dự kiến nên sản lượng tiêu thụ đá xây dựng giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này diễn ra chủ yếu ở mỏ đá có chất lượng cao như Tân Đông Hiệp (đây cũng là mỏ đá có mức giá bán tốt nhất). Tuy nhiên, tín hiệu tích cực là nhiều dự án đã rục rịch “chạy” trở lại, từ đó kích thích nhu cầu về đá tăng dần trong nửa cuối năm.

Giá bán trung bình tại mỏ Tân Đông Hiệp trong nửa đầu năm 2019 vào khoảng 170.000 đồng/tấn đá (chưa VAT), giảm so với cùng kỳ năm ngoái là 185.000 đồng/tấn đá. Nếu các đại dự án khởi động lại, khả năng giá bán sẽ khởi sắc vì nhu cầu tiêu thụ được đánh giá vẫn đang tích cực.

Trái lại, các mỏ có chất lượng đá thấp hơn, với giá bán thấp hơn sẽ cung cấp sản phẩm phù hợp với các công trình dân dụng, nhà ở, đường trong khu công nghiệp... Theo Phòng thị trường của KSB, dù đã đẩy công suất rất mạnh tại mỏ Tân Mỹ, Phước Vĩnh nhưng Công ty vẫn không đủ sản lượng đá để bán. Hiện tại, giá đá khu vực này đang tăng khá tốt, nhờ vậy, KSB dự kiến lợi nhuận thu về sẽ gia tăng.

Sẵn sàng nguồn vốn cho kế hoạch M&A mỏ đá lớn

Chia sẻ với Đầu tư Chứng khoán, ông Đạt cho biết, để đảm bảo sản lượng đá cung cấp ra thị trường khi mỏ Tân Đông Hiệp đóng cửa, KSB thực hiện song song hai giải pháp chính là tập trung “xuống sâu và mở rộng” nhằm gia tăng sản lượng ở các mỏ hiện hữu khác. Đồng thời, Công ty rốt ráo tìm kiếm, thực hiện M&A doanh nghiệp đang sở hữu mỏ đá lớn, chất lượng tốt tương đương mỏ Tân Đông Hiệp.

Cụ thể, đối với các mỏ hiện hữu, KSB duy trì tăng sản lượng khai thác tại 2 mỏ đá Tân Mỹ và Phước Vĩnh để bù đắp phần nào thiếu hụt từ Tân Đông Hiệp trong năm 2020 - 2021. Công ty đang có đề án trình Uỷ ban nhân dân tỉnh xin khai thác xuống sâu -100m với mỏ Tân Mỹ và -70m với mỏ Phước Vĩnh phù hợp với quy hoạch. Tại 2 mỏ này, theo giấy phép hiện hữu, KSB được khai thác xuống sâu -70m với mỏ Tân Mỹ và mỏ Phước Vĩnh là -20m.

Ngoài ra, theo thông tin tìm hiểu, các doanh nghiệp khai thác khoáng sản tại Bình Dương đang có đề án xin điều chỉnh quy hoạch về khai thác khoáng sản tại khu vực Tân Uyên và Phú Giáo xuống độ sâu lần lượt tương ứng là -150m và -100m.

Bên cạnh đó, KSB cũng có kế hoạch mở rộng mỏ Phước Vĩnh lên gấp đôi, từ 30 ha lên khoảng 60 ha về hướng Tam Lập - khu vực Công ty đã mua đất và phù hợp với quy hoạch khoáng sản.

Về kế hoạch M&A doanh nghiệp sở hữu mỏ đá, ông Đạt cho biết, Công ty tập trung vào doanh nghiệp có mỏ đá đang còn trữ lượng tốt, chất lượng tốt, có vị trí thuận lợi để tiết giảm chi phí vận chuyển. Khu vực ưu tiên là thuộc địa bàn tỉnh Bình Dương, Đồng Nai...

Tuy chưa tiết lộ doanh nghiệp mục tiêu vì vẫn đang trong quá trình xem xét, nhưng ông Đạt cho biết, để thực hiện việc đầu tư mở rộng và M&A, KSB dự kiến sẽ huy động vốn qua phương án phát hành trái phiếu, sau đó có kế hoạch tăng vốn chủ sở hữu thông qua phát hành cổ phiếu. Cụ thể hơn, Công ty sẽ phát hành khoảng 750 tỷ đồng trái phiếu trong năm 2019 cho các nhà đầu tư và định chế tài chính.

Mục tiêu doanh nghiệp đá xây dựng có quy mô lớn

Nếu tiến hành M&A thành công, KSB có thể giải được bài toán thiếu hụt nguồn cung chính khi mỏ Tân Đông Hiệp đóng cửa. Đồng thời, có sẵn thị trường tiêu thụ rất tốt từ dự án Sân bay quốc tế Long Thành. Chưa kể, sau khi cụm mỏ Tân Ðông Hiệp và mỏ Núi Nhỏ ngừng hoạt động, nguồn cung đá xây dựng trong khu vực sụt giảm hơn 5 triệu m3/năm sẽ góp phần tác động đến giá bán cũng như nhu cầu tiêu thụ đá của các mỏ đá khu vực Đồng Nai, nhất là các mỏ có vị trí và chất lượng khá tốt như Tân Canh, Thạnh Phú…

Gần đây, một diễn biến rất đáng chú ý đối với thị trường là ông Nguyễn Quốc Phòng, thành viên HĐQT KSB bất ngờ trở thành nhân tố mới trong HĐQT của một doanh nghiệp vật liệu xây dựng ở Đồng Nai.

Theo tìm hiểu của phóng viên Ðầu tư Chứng khoán, doanh nghiệp vật liệu xây dựng này đang sở hữu 3 mỏ chính trên địa bàn tỉnh Ðồng Nai với diện tích mỗi mỏ hơn 100 ha, đặc biệt là mỏ đá nằm trong cụm mỏ Tân Cang, Thạnh Phú và Thiện Tân, với trữ lượng và chất lượng được đánh giá tốt nhất khu vực.

Theo đó, giấy phép khai thác mỏ đá Tân Cang có thời hạn khai thác 22 năm (tính từ năm 2011), diện tích khai thác 108,8 ha, tổng trữ lượng đá xây dựng 53,46 triệu m3 đá nguyên khối. Với mỏ đá Thạnh Phú, thời hạn khai thác gần 28 năm (tính từ năm 2014), diện tích 90,7 ha, trữ lượng đá 49,6m3 đá nguyên khối. Mỏ Thiện Tân được khai thác trong 24 năm (từ năm 2014), trữ lượng đá khai thác gần 94 triệu m3 đá nguyên khối.

Ngoài ra, doanh nghiệp này cũng đang có 2 mỏ đá khác ở huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai gồm mỏ đá Soklu2 với diện tích được cấp là 20,63 ha, trữ lượng đá xây dựng là gần 4,5 triệu m3 nguyên khối và mỏ đá Soklu5 có diện tích khai thác 27,9 ha, với trữ lượng hơn 4,4 triệu m3 đá nguyên khối.

Với diện tích mỏ lớn, độ sâu và thời gian khai thác còn dài, đây được đánh giá là doanh nghiệp có quy mô lớn và triển vọng tốt nhất trong khu vực Ðồng Nai hiện nay.

Đặc biệt, được biết, doanh nghiệp này dự kiến nằm trong kế hoạch thoái vốn Nhà nước trong năm 2019. Theo đó, giới thạo tin kỳ vọng đây có thể là doanh nghiệp mục tiêu mà KSB nhắm đến trong kế hoạch đầu tư năm 2019 và cho rằng, đây sẽ là động lực tăng trưởng mới cho Công ty, thay thế cho mỏ Tân Đông Hiệp đóng cửa vào cuối năm.

Nhã An

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục