Khát vọng mới của “Vua tôm” Minh Phú

(ĐTCK) Được mệnh danh là “Vua tôm” với 4,23% thị phần tôm, lớn nhất trên toàn thế giới, Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú đang có kế hoạch niêm yết trở lại trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM. Sự trở lại của Minh Phú cực kỳ ấn tượng khi mang theo khát vọng tăng trưởng nhanh, để chiếm đến 25% thị phần tôm thế giới vào năm 2033. 
Khát vọng mới của “Vua tôm” Minh Phú

Công nghệ nuôi như mơ

“Từ ngày biết nuôi tôm đến giờ, tôi chưa bao giờ thấy công nghệ nuôi tôm nào cho kết quả tốt như thế, thành công gần như là một trăm phần trăm”, ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Hội đồng quản trị Minh Phú chia sẻ cảm xúc của mình về công nghệ nuôi tôm mới do Tập đoàn đầu tư nghiên cứu thử nghiệm và phát triển thành công. Công nghệ nuôi tôm có tên rất đơn giản là 234.

Câu chuyện bắt đầu tư giai đoạn 2011 khi hội chứng tôm chết sớm (EMS) - một dịch bệnh phá hủy hệ tiêu hóa, làm tôm chết sau 30 ngày thả nuôi - bùng phát ở Việt Nam và trên toàn thế giới khiến ngành nuôi tôm lao đao. Minh Phú phối hợp với nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Arizona (Hoa Kỳ) tìm nguyên nhân của việc tôm chết sớm này. Tiến sĩ Lighner cùng Tiến sĩ Trần Hữu Lộc, Trường Đại học Arizona đã tìm ra được tác nhân gây bệnh.

Nhưng để tìm được công nghệ nuôi khắc phục được bệnh EMS là cả một chặng đường gian nan và tốn kém. Trong hơn 5 năm trời, ông Quang đã bôn ba khắp thế giới để tìm ra công nghệ nuôi khắc phục bệnh EMS.

Các nhà khoa học, các nhóm nghiên cứu ở các viện, trường đều đã đến gặp ông Quang để đưa ra những công nghệ mới và yêu cầu Minh Phú nuôi thử nghiệm, nhưng tỷ lệ thành công rất thấp. Cứ nghe ở đâu nuôi tôm thành công, ông Quang lại đến thăm quan học hỏi, rồi về nuôi thử nghiệm, nhưng thất bại vẫn hoàn thất bại.

“Chúng tôi thử nghiệm rất nhiều, nhưng mức độ thành công rất hạn chế”, ông Quang nhớ lại.

Nhưng trong quá trình đó, Minh Phú đã nhận diện được đầy đủ ba yếu tố rủi ro cho ngành nuôi tôm, gồm dịch bệnh, khí hậu, thời tiết và rủi ro về quản lý ao nuôi.

Công nghệ nuôi tôm trong ao đất rất dễ phát sinh dịch bệnh, rồi mưa nắng làm thay đổi môi trường nước khiến tôm chết. Nhưng thời điểm rủi ro nhất là mưa lớn hay đêm khuya tảo phát triển nhanh nhất làm tôm thiếu oxy mà chết thì công nhân lại đang ngủ say. Chính thời điểm 1 đến 3 giờ sáng là lúc lượng khí độc phát sinh nhiều nhất.

Bài toán đặt ra với Minh Phú là phải tìm ra giải pháp kiểm soát được các rủi ro này. Mọi giải pháp đều được thử nghiệm, đánh giá rút kinh nghiệm để tìm ra được giải pháp ưu việt nhất. Cho đến nay, Minh Phú đã bỏ ra hơn 1.000 tỷ đồng cho các hoạt động nghiên cứu, thử nghiệm và phát triển công nghệ nuôi.

Năm 2016, sau nhiều bài học thực tế, Minh Phú bắt đầu thử nghiệm công nghệ được đánh giá là tối ưu nhất, mà sau này được đặt tên là 234.

Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Hội đồng quản trị Minh Phú  

Ông Quang giải thích, ý nghĩa số 2 đầu tiên là nuôi tôm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 gọi là ương hoặc dèo, đưa tôm giống vào nuôi trong hồ nhỏ để tôm được chăm sóc tốt. Sau 25 - 30 ngày, chuyển tôm sang nuôi trong hồ lớn, bước vào giai đoạn 2. Tôm được nuôi tiếp đạt 60 -  65 ngày tuổi thì bắt đầu thu hoạch.

Thu tỉa 3 lần là ý nghĩa của con số 3. Lần thứ nhất thu hoạch một nửa số lượng tôm thả thu được tôm size 65 - 70 con/kg. Size này đáp ứng nhu cầu thị trường, nhất là hệ thống Walmart, Mỹ “ăn” rất mạnh tôm size này. Số còn lại nuôi tiếp đến 80 - 85 ngày tuổi thì thu hoạch một nửa tôm size 40 - 45 con/kg, đáp ứng nhu cầu của một số khách hàng, nhất là hệ thống nhà hàng và khách sạn.

Nửa còn lại nuôi đến 100 - 115 ngày tuổi thì thu hoạch hết, cho tôm đạt size 15 -20 con/kg. Việc thu tỉa 3 lần đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường về cỡ trọng lượng tôm; đồng thời tăng được năng suất vì mật độ thả ban đầu dày hơn. Khi thu hoạch sớm, sẽ có diện tích cho tôm lớn.

Còn số 4 có ý nghĩa là 4 sạch. Con giống sạch, nước sạch không có mầm bệnh, sạch kháng sinh đáp ứng đòi hỏi ngày càng gắt gao của thị trường và sạch môi trường. Toàn bộ nước thải được xử lý qua bể xử lý biogas và tái sử dụng. 

Để hạn chế ảnh hưởng của thời tiết, Minh Phú che bạt cho hồ nuôi bằng lưới lan giúp giảm nắng, ổn định nhiệt độ ao tôm.

Vấn đề khó nhất là quản lý ao tôm. Các năm trước, Minh Phú đã biết đến sử dụng cảm biến (sensor) quản lý ao nuôi, nhưng giá sensor quá cao. Qua nhiều năm tìm kiếm đối tác trên thế giới, gần đây, Minh Phú đã tìm được một nhà cung cấp có thể kiểm soát được tới 54 chỉ tiêu của nước chỉ trong một cái sensor (nuôi tôm chỉ cần kiểm soát 11 chỉ tiêu cơ bản là đủ), mà giá lại vừa phải, 5.000 USD/cái. Mua nhiều, giá có thể giảm nữa.

Mỗi ao tôm sẽ được gắn một sensor cập nhật các thông số đo được đưa vào phần mềm sử dụng trí tuệ nhân tạo, tự động đưa ra các quyết định xử lý môi trường nước. Đây là bí quyết quan trọng để Minh Phú trong tương lai có thể phát triển vùng nuôi chủ động, mà không phụ thuộc quá nhiều vào công nhân và kỹ thuật cá nhân.

Sau 3 năm thử nghiệm, ông Quang cho biết, Minh Phú hoàn toàn tự tin vào công nghệ nuôi 234 với tỷ lệ thành công cao, giải quyết được yêu cầu thị trường về size cỡ, đặc biệt là giá thành nuôi tôm chỉ bằng một nửa so với công nghệ thông thường.

“Ở Cà Mau, người nông dân nuôi theo công nghệ tương tự, tổng kết lại tỷ lệ thành công đến 95%. Công nghệ của Minh Phú ưu việt hơn nên thành công cao hơn”, ông Quang chia sẻ. 

Khát vọng mới của Minh Phú

Sự thành công của công nghệ nuôi tôm 234 khiến “Vua tôm” Minh Phú tự tin với khát vọng mới vươn lên nắm giữ 25% thị phần tôm toàn cầu. Năm 2016, Minh Phú nuôi thử nghiệm 4 ao theo công nghệ 234, năm 2017 thử nghiệm 8 ao và năm 2018 nuôi 126 ao đều thành công gần như 100%.

Năm 2019, Minh Phú đặt kế hoạch đầu tư 2 vùng nuôi với 554 ao theo công nghệ mới. Công tác đầu tư đang được triển khai. Theo kế hoạch đến hết 2020, Minh Phú sẽ đầu tư xong toàn bộ vùng nuôi hiện có với hơn 1.500 ao nuôi tôm công nghệ mới, đáp ứng được 25% nhu cầu nguyên liệu sản xuất cho các nhà máy của Công ty, so với tỷ lệ 10% hiện nay. Nhưng quan trọng hơn, MPC muốn hoàn thiện công nghệ để chuyển giao cho người nông dân theo nguyên tắc “4 cùng” - cùng ăn, cùng ở, cùng nuôi tôm và cùng chia lợi nhuận.

Đây là mô hình nuôi ao nổi nên Minh Phú đã đàm phán với ba nhà cung cấp là ống Nhựa Tiên Phong và ống Thép Hòa Phát và bạt HDPE World Vina để cung cấp nguyên liệu làm đường ống dẫn nước, khung ao nổi và bạt lót thành cùng đáy ao tôm.

Việc đàm phán trực tiếp và ký hợp đồng hợp tác chiến lược giúp giảm giá thành đầu tư ao nuôi xuống 30%. Người nông dân tham gia vào chuỗi hợp tác liên kết với Minh Phú cũng được hưởng lợi, giảm giá thành đầu tư khi chuyển đổi sang công nghệ nuôi mới với tỷ lệ thành công cao hơn và lợi nhuận nhiều hơn trước.

Hoạt động nghiên cứu và phát triển của Minh Phú sẽ tiếp tục tập trung vào giảm giá thành nuôi tôm. Giá thành thấp là nhân tố quyết định để Minh Phú kích cầu tiêu dùng trên toàn thế giới để tôm không chỉ là món ăn dành cho người giàu, thu nhập khá mà người thu nhập trung bình, người nghèo cũng có thể ăn tôm.

Hiện tại, công nghệ nuôi 234 của Minh Phú đã đem lại cảm hứng cho nhiều khách hàng và nhà đầu tư. “Ban đầu, nghe nói họ không tin sao nuôi con tôm thẻ chân trắng mà được 15 - 20 con/kg. Nhưng khi xuống chài tôm bắt tôm lên cân, họ thấy nhiều thì họ tin hoàn toàn. Đến tôi khi nghe anh em báo thu tôm đạt 18 con/kg cũng ngạc nhiên. Điều này chứng tỏ công nghệ mới đã tạo môi trường an toàn cho con tôm sinh trưởng”, ông Quang kể lại.

Niềm tin vào công nghệ mới đã đưa nhiều nhà đầu tư lớn đến với Minh Phú. Hai nhà đầu tư lớn nhất, một là nhà nhập khẩu tôm lớn trên thế giới và một là công ty cung cấp công nghệ quản lý hồ nuôi đang ganh đua nhau để trở thành cổ đông lớn nhất của Minh Phú, thậm chí là sở hữu tỷ lệ chi phối Công ty.

Ông Quang muốn các đối tác với nguồn lực tài chính mạnh sẽ cùng với Minh Phú hiện thực khát vọng đạt 25% thị phần tôm thế giới. Theo tính toán, nếu Minh Phú tăng trưởng 15%/năm thì đến 2033 đạt sản lượng 510.000 tấn tôm thành phẩm, giá bình quân 10 USD/kg, tương đương doanh thu 5,1 tỷ USD.

Nếu tăng trưởng 20%/năm thì đến 2033 đạt 1 triệu tấn tôm. Nhưng nếu làm tốt thì Minh Phú có thể đạt mức tăng trưởng 30%/năm, với sản lượng 2,6 triệu tấn tôm vào năm 2033. Không khó để tính ra lợi nhuận từ mức doanh thu khủng này.

Mục tiêu 25% thị phần cũng là mức tối thiểu để Minh Phú đủ khả năng xây dựng chuỗi giá trị ngành tôm công bằng hơn; trong đó, không phải Minh Phú có lợi nhuận nhiều nhất mà các doanh nghiệp tham gia trong chuỗi giá trị từ sản xuất con giống, sản xuất thức ăn, nuôi tôm, chế biến tôm và phân phối đều được hưởng tỷ lệ lợi nhuận công bằng. Còn hiện nay, khâu phân phối quyết định giá và hưởng lợi nhuận nhiều nhất, còn nhà sản xuất bị ép giá.

Minh Phú đã đi được nhưng bước đầu tiên trong hành trình hướng đến mục tiêu này bằng việc phát triển thành công công nghệ nuôi tôm mới 234 an toàn, cho năng suất cao và đang đầu tư mở rộng vùng nuôi theo công nghệ mới.

Bước tiếp theo, Minh Phú thử nghiệm và hoàn thiện phần mềm ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào quản lý hồ nuôi. Đặc biệt, cuối tháng 1/2019, MPC sẽ họp Đại hội đồng cổ đông bất thường để bàn về việc lựa chọn nhà đầu tư chiến lược. Thị trường đang chờ xem đối tác nào sẽ được lựa chọn cùng Minh Phú thực hiện khát vọng đạt 25% thị phần tôm toàn cầu, đưa Minh Phú trở thành vô đối trong ngành tôm toàn cầu. 

Thu Hương

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục