KBC: Triển vọng lạc quan trong những năm tới

(ĐTCK) Là một trong những nhà phát triển khu công nghiệp hàng đầu Việt Nam, triển vọng của Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc – CTCP (KBC) được đánh giá tích cực trên nhiều yếu tố, trong đó nổi bật là hoạt động khai thác khu công nghiệp được thúc đẩy bởi nguồn vốn FDI và các dự án công nghiệp chế biến, khoa học công nghệ cao.
KBC có tình hình tài chính an toàn, đặc biệt ở kế hoạch chia cổ tức tiền mặt 2018 KBC có tình hình tài chính an toàn, đặc biệt ở kế hoạch chia cổ tức tiền mặt 2018

Cơ sở cho hoạt động khởi sắc của KBC trong những năm gần đây là việc Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài. Năm 2017, cả nước ghi nhận vốn FDI đăng ký đạt kỷ lục 35,9 tỷ USD (tăng 44,4% so với năm trước) và FDI thực hiện là 17,5 tỷ USD (tăng 10,8%).

Tính đến ngày 20/5/2018, ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 6,75 tỷ USD, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm 2017. Cũng trong 5 tháng đầu năm 2018, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài là 9,9 tỷ USD, bằng 81,6% so với cùng kỳ năm 2017

Về cơ cấu FDI cả nước phân chia theo ngành, tỷ lệ FDI thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo và lĩnh vực chuyên môn, khoa học công nghệ đã tăng lên đạt 61% trong 4 tháng đầu năm 2018, so với 47% của năm 2017. Đây là điểm tích cực cho KBC do Công ty luôn định hướng thu hút các doanh nghiệp công nghệ cao.

Ở mảng bất động sản, dự án Khu đô thị Phúc Ninh sẽ mang lại nguồn thu lớn trong 2 - 3 năm tới. Khu đô thị mới Phúc Ninh là dự án được KBC đầu tư từ năm 2013, đến năm 2017, khi thị trường bất động sản Bắc Ninh ghi nhận chuyển biến khả quan, Công ty nhanh chóng triển khai trở lại. Lợi thế của dự án là có vị trí ngay trung tâm TP. Bắc Ninh, được quy hoạch bài bản và đặc biệt là chi phí đất của dự án ở mức thấp (khoảng hơn 3 triệu đồng/m2) do quỹ đất được đền bù trước đây. Giá vốn thấp luôn là một lợi thế cho các dự án của KBC. Đơn cử, dự án Tràng Cát có giá vốn thấp nhờ đã đền bù đất từ năm 2011.

Trong thời gian qua, điểm sáng của KBC là hoạt động kinh doanh chính khởi sắc. Kết quả kinh doanh 2018 - 2019 được dự báo tăng trưởng mạnh từ hoạt động kinh doanh chính. Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nhận xét, thu nhập của KBC trong hai năm tới sẽ có chất lượng tốt hơn, thay vì hoạt động ghi nhận một lần (bán tài sản) như năm 2017. Hoạt động cho thuê khu công nghiệp là động lực tăng trưởng chính nhờ nhu cầu tốt ở các khu hiện hữu và đầu tư mới ở các khu công nghiệp như Nam Sơn Hạp Lĩnh, Tràng Duệ giai đoạn 3. Ngoài ra, hoạt động kinh doanh khu đô thị, cụ thể là Dự án Phúc Ninh dự kiến cũng đóng góp đáng kể doanh thu và lợi nhuận trong ba năm tới.

KBC dự báo sẽ ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực trong năm 2018. BVSC dự báo, doanh thu 2018 của KBC sẽ tăng trưởng gấp đôi, đạt 2.560 tỷ đồng nhờ đóng góp từ Khu công nghiệp Quang Châu, Khu công nghiệp Quế Võ và dự án Phúc Ninh. Doanh thu của các hoạt động còn lại giảm 17% so với năm ngoái do Công ty ưu tiên cho thuê nhà xưởng hơn là bán nhà xưởng. Lợi nhuận sau thuế dự báo đạt 786 tỷ đồng, tăng 27% so với năm ngoái và EPS 2018 đạt 1.616 đồng/cổ phiếu.

Đáng chú ý, KBC có tình hình tài chính an toàn, đặc biệt ở kế hoạch chia cổ tức tiền mặt 2018. Điều này cho thấy tín hiệu tốt về bức tranh kinh doanh nói chung, tình hình tài chính của Tập đoàn nói riêng. Tỷ lệ chia cổ tức 2017 là 30%, trong đó Công ty cân đối nguồn tiền để chi trả tiền mặt tỷ lệ tối thiểu 10%, tương đương khoảng 470 tỷ đồng. 

Ngoài ra, tình hình tài chính sẽ cải thiện đáng kể nếu chuyển nhượng được dự án Khu dân cư Tràng Duệ - Hải Phòng. Với dự án này, KBC có kế hoạch chuyển nhượng cả dự án cho đơn vị phát triển khác vì ưu tiên thu được tiền về ngay, thay vì phải tiếp tục đầu tư phát triển. Giá trị chuyển nhượng của dự án có thể đạt hơn 1.200 tỷ đồng.

BVSC còn đánh giá, điểm sáng ở cổ phiếu KBC là định giá cổ phần hấp dẫn. Với phương pháp NAV và so sánh P/E để định giá cổ phiếu KBC, giá trị hợp lý của KBC là 18.638 đồng/cổ phiếu, cao hơn 50,9% so với giá thị trường.

Hoạt động cho thuê khu công nghiệp và hoạt động kinh doanh khu đô thị là động lực tăng trưởng chính trong thời gian tới. Cùng với đó, kế hoạch chia cổ tức bằng tiền mặt cho thấy bức tranh tích cực hơn đối với triển vọng kinh doanh và khả năng cân đối dòng tiền của doanh nghiệp. FDI tiếp tục gia tăng vào những ngành mũi nhọn của Kinh Bắc, nhu cầu thuê đất khu công nghiệp tăng trưởng tốt và lợi nhuận từ dự án Phúc Ninh… sẽ là yếu tố hỗ trợ cho giá cổ phiếu KBC.

Ban Tổng giám đốc KBC đặt kế hoạch tổng doanh thu hợp nhất là 2.600 tỷ đổng; tổng lợi nhuận sau thuế hợp nhất là 800 tỷ đồng căn cứ trên nhiều yếu tố chắc chắn như kết quả thu hút FDI năm 2017 và triển vọng thu hút FDI của Việt Nam trong năm 2018; căn cứ nhu cầu thuê đất và nhà xưởng của các khách hàng tiềm năng; căn cứ các chương trình xúc tiến đầu tư của KBC …

Hoàng Hà

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục