Hòa Phát: Quy trình sản xuất khép kín thân thiện môi trường

(ĐTCK) Vượt qua những rào cản ban đầu về vốn đầu tư lớn, công nghệ mới, giải bài toán logistic cho sản xuất phức tạp hơn, Tập đoàn Hòa Phát (HPG) là doanh nghiệp Việt đầu tiên lựa chọn công nghệ lò cao sản xuất thép. Ngoài lý do hiệu quả kinh tế, Hòa Phát lựa chọn công nghệ lò cao với quy trình sản xuất khép kín vì công nghệ này hiện đại hơn, đảm bảo yếu tố thân thiện môi trường so với công nghệ lò điện được sử dụng phổ biến, điều kiện cần để phát triển bền vững.
Quy trình sản xuất thép khép kín thân thiện môi trường. Quy trình sản xuất thép khép kín thân thiện môi trường.

Thực tế đầu tư Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Hải Dương trong hơn 10 năm qua đã chứng minh Hòa Phát lựa chọn đúng.

Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát gồm nhà máy chế biến nguyên liệu, nhà máy sản xuất than coke và nhiệt điện, nhà máy luyện gang, nhà máy luyện thép, nhà máy cán thép, nhà máy cơ điện, khu cầu cảng. Tất cả các hạng mục này gắn kết với nhau thành một hệ thống khép kín hoàn chỉnh.

Đầu tiên, quặng sắt tuyển chọn, thêm phụ gia như vôi, dolomite, cùng với than cốc được nạp qua đỉnh lò để đưa vào lò cao. Tại lò cao, diễn ra phản ứng hoàn nguyên kim loại trong quặng tạo thành gang lỏng, chuyển sang nhà máy luyện thép sử dụng oxy để khử cacbon trong gang để tạo thành thép.

Tại nhà máy luyện thép có lò tinh luyện để luyện lại các sản phẩm với mác thép cao. Các sản phẩm mác thép thấp được đưa thẳng từ lò thổi sang máy đúc liên tục cho ra sản phẩm phôi vuông. Các thanh phôi nóng chuyển thẳng sang nhà máy cán qua hệ thống giàn con lăn. Phôi được đưa vào lò gia nhiệt để nâng lên tới nhiệt độ cán yêu cầu.

Bằng quá trình sản xuất khép kín, Hòa Phát đã tận dụng toàn bộ nhiệt, khí than sinh ra trong quá trình sản xuất để tái sử dụng. Nhiệt lượng dư thừa từ sinh ra trong quá trình luyện coke được thu hồi để phát điện cung cấp cho chính Khu liên hợp.

Hiện Hòa Phát đã tự chủ khoảng 50% điện sản xuất tại Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Hải Dương, góp phần tiết kiệm chi phí sản xuất cũng như bảo vệ môi trường tốt hơn. Đối với Khu liên hợp tại Dung Quất, Hòa Phát dự kiến tự chủ khoảng 60 - 70% điện sản xuất nhờ quy trình này.

Hệ thống nước sản xuất được tái xử lý, tái sử dụng tuần hoàn 100%, không xả ra môi trường. Ngoài ra, Khu liên hợp còn xây dựng 10 bể lắng để thu gom toàn bộ nước mưa chảy tràn để lắng bụi bẩn và ngăn dầu mỡ (nếu có). Nước thải sau khi xử lý đạt chuẩn được tái sử dụng cho các công đoạn của nhà máy.

Với xỉ lò cao, Hòa Phát đã đầu tư chế biến thành xỉ hạt lò cao nghiền mịn S95, làm phụ gia xi măng, bê tông chịu mặn, qua đó xử lý triệt để lo ngại về chất thải rắn trong luyện gang thép, đồng thời tăng thêm giá trị sản xuất. Thép Hòa Phát cũng tái sử dụng xỉ lò luyện thép đưa vào sản xuất, không thải ra môi trường.

Việc thu hồi khí, tuần hoàn tái sử dụng nhiệt dư thừa, bụi thải, nước sản xuất không chỉ bảo vệ môi trường tối đa, mà còn tạo ra lợi thế cạnh tranh đáng kể cho thép Hòa Phát nhờ tiết giảm chi phí.

Đến thời điểm này, Hòa Phát đang đầu tư dự án Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất với công suất 4 triệu tấn/năm, sử dụng công nghệ lò cao, quy trình khép kín với thiết bị hiện đại nhất. Phần lớn máy móc thiết bị chính nhập khẩu từ châu Âu như Ý, Đức, Hà Lan…

Nếu như các nhà máy hiện đang sản xuất đầu tư khoảng 20% vốn cố định cho đảm bảo môi trường thì tỷ lệ này ở Khu liên hợp Hòa Phát Dung Quất là 30%. Điều này cho thấy, Hòa Phát ý thức và hành động nhất quán trong đảm bảo sản xuất thân thiện với môi trường.

Thép Hòa Phát đã được cấp chứng chỉ ISO 14001 về môi trường, đang áp dụng cho cả nhà máy tại Hải Dương và Hưng Yên, sau này áp dụng ISO 14001 cho cả dự án Dung Quất. Việc áp dụng bộ tiêu chuẩn về môi trường đảm bảo quá trình vận hành dự án đạt hiệu quả mục tiêu thân thiện môi trường.

Tại Dung Quất, Hòa Phát sẽ sản xuất khoảng 2-3 triệu tấn thép cuộn cán nóng/năm (HRC), sản phẩm hiện Việt Nam phải nhập khẩu chủ yếu. Khi hoàn thành vào cuối năm 2019, Hòa Phát sẽ là doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam sản xuất được chuỗi sản phẩm thép từ quặng sắt bao gồm rất nhiều loại từ phôi thép, thép xây dựng, thép dự ứng lực, thép cuộn cán nóng (nguyên liệu làm ống thép, tôn mạ các loại, đóng tàu, cơ khí chế tạo khác).

Đây sẽ là lợi thế cạnh tranh lớn cho thép Hòa Phát trong bối cảnh các nước trên thế giới áp dụng nhiều biện pháp tự vệ thị trường. Bằng chứng là thép Hòa Phát vẫn xuất khẩu sang Mỹ, Canada, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc… với khối lượng ngày càng tăng. Tập đoàn sẽ tự chủ nguồn nguyên liệu làm ống thép, tôn mạ màu đáp ứng các yêu cầu về xuất xứ sản phẩm khi xuất khẩu ống thép và tôn mạ ra nước ngoài.

Hòa Phát tin rằng, quy trình sản xuất khép kín thân thiện môi trường là nền tảng vững chắc cho Tập đoàn ngày càng lớn mạnh.

Thu Hương
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục