Hiệu quả kép từ điểm giao dịch bằng ô tô chuyên dùng

(ĐTCK) Tháng 01/2018, mô hình Điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng được triển khai đầu tiên tại Agribank Tiền Giang. 
Khách hàng đang thực hiện giao dịch trên xe lưu động Khách hàng đang thực hiện giao dịch trên xe lưu động

Chúng tôi đến điểm giao dịch xã Tân Hòa Thành (huyện Tân Phước) - nơi đang thực hiện Mô hình Điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng. Trời đã quá trưa, nhưng Trưởng điểm giao dịch và giao dịch viên tại điểm giao dịch lưu động vẫn còn miệt mài thực hiện các giao dịch theo yêu cầu của khách hàng. 

Điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng đang hoạt động như một Chi nhánh của Agribank. Tại đây, có đầy đủ các sản phẩm dịch vụ của ngân hàng, như: Huy động tiền gửi tiết kiệm; Mở tài khoản tiền gửi thanh toán; Dịch vụ tiện ích Agribank E-Mobile Banking; Tiếp nhận và hướng dẫn lập hồ sơ vay vốn của khách hàng; Thực hiện giải ngân, Thu nợ vốn gốc và lãi. 

Sự tiện ích của Mô hình này đã được Chính quyền địa phương và bà con nông dân, nhất là những người ở vùng sâu, vùng xa như địa bàn huyện Tân Phước đánh giá rất cao.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Mười (ở ấp 4, xã Tân Hòa Thành), một khách hàng thân thiết với Agribank Tân Phước trên 20 năm, cho biết: Gia đình ông có trên 7ha đất chuyên canh trồng lúa nếp, cộng với mô hình nuôi bò thịt, mỗi năm gia đình thu nhập trên 500 triệu đồng. Ông Mười cũng là Tổ trưởng Tổ vay vốn ở ấp 4 (với 43 thành viên). Ông Mười phấn khởi nói với chúng tôi: “Từ khi có xe lưu động của Ngân hàng về đến xã, ai cũng mừng vì rất tiện lợi cho các thành viên. Có xe về, từ việc làm hồ sơ vay tiền, nhận tiền vay đến trả nợ ngân hàng… mọi người đã không còn phải đổ đường đi về huyện như trước đây nữa”.

Cùng niềm vui như ông Mười và một số bà con nông dân ở đây, ông Trương Văn Công (ở ấp Tân Phú, xã Tân Hòa Thành) cho biết: “Tôi rất thích mô hình này. Từ ngày có xe lưu động, từ nhà chỉ xẹt qua chút xíu là gửi được tiền vô Ngân hàng”.

Xã Tân Hòa Thành và Thạnh Mỹ là 2 địa phương vùng sâu, vùng xa cách trung tâm huyện gần 20 cây số nên được ưu tiên triển khai Mô hình Điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng.

Theo thống kê của Chi nhánh Agribank Tân Phước, đến nay Mô hình Điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng đã hoạt động được 60 phiên. Mỗi phiên giao dịch kéo dài 7,5 tiếng đồng hồ (từ 8g sáng đến 15g30 chiều), phục vụ được từ 40 đến 50 khách hàng.

Đánh giá về Mô hình này, ông Huỳnh Hữu Đan - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hòa Thành cho biết: Xe lưu động của Ngân hàng về đến xã đã tạo điều kiện thuận lợi, giảm chi phí cho bà con nông dân đến giao dịch; Đảm bảo việc giải ngân và rút tiền cho người dân được an toàn hơn vì không phải mang số tiền lớn đi xa; tạo điều kiện tốt cho người dân được tiếp cận nguồn với với lãi suất thấp để phục vụ sản xuất, cải tạo nhà cửa,… giúp người dân có nguồn vốn tham gia thực hiện các tiêu chí xã Nông thôn mới.

Ông Đan cho biết thêm, đến thời điểm hiện tại Agribank Tân Phước cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu vốn tại địa phương. Tuy nhiên, địa phương mong có thêm nguồn vốn khoảng 40 tỷ đồng nữa để bà con có điều kiện mở rộng sản xuất, góp phần tăng thu nhập cho các nông hộ.

Ông Âu Bé Bảy - Giám đốc Agribank Tân Phước - Tiền Giang cho biết: Xe ô tô chuyên dùng đến với xã vùng sâu đã giúp Ngân hàng có điều kiện chủ động hơn trong thực hiện kế hoạch huy động vốn, cho vay vốn, thu hồi nợ và mang ngân hàng hiện đại đến người dân, giữ được thị phần ở địa bàn nông thôn,… Đây là mô hình mang lại hiệu quả kép, cần được nhân rộng trong thời gian tới.

Minh Khương

Tin cùng chuyên mục