Dược nội địa khẳng định vị thế mới trong sản xuất thuốc đạt chuẩn quốc tế

(ĐTCK) Việc Dược Hậu Giang bổ sung 2 dây chuyền mới đạt chuẩn quốc tế PIC/S-GMP và JAPAN-GMP mở ra cơ hội phục vụ thuốc chất lượng cao với giá cạnh tranh, mang lại nhiều giá trị và lợi ích cho cộng đồng, đồng thời góp phần định vị thuốc Việt trên bản đồ thế giới.
Dược nội địa khẳng định vị thế mới trong sản xuất thuốc đạt chuẩn quốc tế

Giới chuyên môn đánh giá, thành tựu của Dược Hậu Giang không chỉ củng cố vị thế dẫn đầu của doanh nghiệp, mà còn tạo thuận lợi cho Việt Nam gia nhập mạng lưới các quốc gia thành viên của Ủy ban PIC/S.

Từ năm 2015, Bộ Y tế đã khuyến khích các doanh nghiệp trong nước theo đuổi tiêu chuẩn PIC/S-GMP, đặt mục tiêu sau 6 năm, Việt Nam có thể trở thành thành viên chính thức. Tuy nhiên, việc xây mới và nâng cấp các dây chuyền sản xuất thuốc theo tiêu chuẩn quốc tế đòi hỏi vốn đầu tư rất lớn, kinh nghiệm dày dặn, năng lực lao động và công nghệ phải phát triển tương xứng.

Việc Dược Hậu Giang bổ sung 2 dây chuyền mới đạt chuẩn quốc tế mở ra cơ hội phục vụ thuốc chất lượng cao với giá cạnh tranh, mang lại nhiều giá trị và lợi ích cho cộng đồng. Người bệnh trong nước giờ đây sẽ được sử dụng thuốc chất lượng Nhật Bản, đạt chuẩn JAPAN-GMP và thuốc chất lượng Âu - Mỹ, đạt chuẩn PIC/S-GMP, với mức giá phải chăng.

Dược Hậu Giang gia tăng năng lực sản xuất thuốc còn góp phần làm giảm sự phụ thuộc vào dược phẩm nhập khẩu. Năm 2017, Việt Nam chi 2,1 tỷ USD và năm 2018 chi 2,9 tỷ USD để nhập khẩu dược phẩm. Song từ nay, Việt Nam có thể tự hào đủ năng lực tự chủ sản xuất thuốc bột sủi bọt, viên nén sủi bọt đạt tiêu chuẩn PIC/S-GMP và viên nén được công nhận JAPAN-GMP.

Cán cân thương mại cũng sẽ dịch chuyển dần về phía xuất khẩu. Dược Hậu Giang hiện sở hữu danh mục đa dạng 398 sản phẩm, mạng lưới phân phối 28.000 nhà thuốc đại lý rộng khắp cả nước và thị trường xuất khẩu trải dài 14 quốc gia. Với “tấm vé thông hành” JAPAN-GMP, doanh nghiệp sẽ sớm có mặt tại Nhật Bản - quốc gia tiêu thụ thuốc nhiều thứ 2 trên thế giới và phủ sóng khắp Ðông Nam Á. Còn với PIC/S-GMP, cơ hội mở rộng xuất khẩu tới hệ sinh thái 52 quốc gia thuộc Ủy ban PIC/S là rất lớn.

Lãnh đạo Dược Hậu Giang cho biết, nhờ tiềm lực cơ sở hạ tầng tiên tiến, nhân sự tay nghề cao và kinh nghiệm hợp tác quốc tế, doanh nghiệp chỉ mất 2 năm nâng cấp để được các tổ chức quốc tế công nhận.

Không dừng lại ở thị trường nội địa, lãnh đạo Công ty bày tỏ mong muốn định vị thuốc Việt xa hơn nữa trên bản đồ dược thế giới. Ðể thực hiện chiến lược xuất khẩu, các dây chuyền sản xuất thuốc còn lại đang được nâng cấp đồng loạt lên các tiêu chuẩn quốc tế tương đương.

“Chất lượng, an toàn, hiệu quả là cam kết cao nhất của Dược Hậu Giang với đối tác, khách hàng và người tiêu dùng”, đại diện doanh nghiệp nhấn mạnh.          

Ngày 12/4/2019, Dược Hậu Giang tổ chức lễ công bố 2 dây chuyền sản xuất thuốc đạt tiêu chuẩn quốc tế PIC/S-GMP và JAPAN-GMP. Sự kiện có hơn 1.000 khách mời tham gia, trong đó có đại diện Bộ Y tế, Sở Y tế, UBND TP. Cần Thơ, Viện Kiểm nghiệm thuốc, 12 bệnh viện lớn thuộc Đồng bằng sông Cửu Long. 

Lê Thanh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục