Digiworld: Bóng dáng DKSH thứ 2 tại Việt Nam

(ĐTCK) Hoàn thiện năng lực cốt lõi và đẩy mạnh cung cấp dịch vụ phát triển thị trường (MES) đã giúp Công ty cổ phần Thế giới số (Digiworld) đi ngược thị trường chung, đạt kết quả tăng trưởng tích cực từ năm 2017 trở lại đây. Đặc biệt, quý II/2019, Digiworld đạt doanh số kỷ lục hơn 2.000 tỷ đồng, với các mảng kinh doanh đều có sự tăng trưởng tích cực.
Digiworld: Bóng dáng DKSH thứ 2 tại Việt Nam

Thị trường MES nhiều tiềm năng

Trên sàn chứng khoán hiện có hơn 1.000 doanh nghiệp niêm yết, đăng ký giao dịch, nhưng không một doanh nghiệp nào cung cấp dịch vụ chuyên biệt, đầy đủ tất cả các khâu trong chuỗi giá trị giống Digiworld. Theo đó, thật khó để giới đầu tư trên thị trường so sánh khi không có doanh nghiệp khác tham chiếu. Tuy nhiên, nếu nhìn các công ty đa quốc gia cung cấp dịch vụ MES, điển hình là DKSH (có chi nhánh tại Việt Nam) niêm yết trên sàn chứng khoán Thụy Sĩ và chứng kiến hành trình phát triển bền vững, con số tăng trưởng của những công ty này mới thấy dư địa thị trường MES khổng lồ chưa được khai thác.

Theo nhận định của một tổ chức tài chính chuyên nghiệp quốc tế, thị trường MES toàn cầu đang nằm chủ yếu trong tay một số nhà cung cấp dịch vụ, chiếm hơn 70% thị phần. Tất cả các nhà cung cấp dịch vụ này có một mạng lưới toàn cầu mạnh mẽ, các công ty như DKSH có phân phối và hậu cần, bán hàng, nghiên cứu, cũng như các cơ sở dịch vụ sau bán hàng tại 35 quốc gia. Năm 2018, doanh thu của DKSH đạt 11,3 tỷ CHF (hơn 11,4 tỷ USD).

Digiworld: Bóng dáng DKSH thứ 2 tại Việt Nam ảnh 1

Dịch vụ của DKSH bao gồm tìm nguồn cung ứng, nghiên cứu thị trường, tiếp thị và kinh doanh, phân phối và kho vận cũng như các dịch vụ hậu mãi. Thị trường trọng điểm của DKSH là khu vực châu Á, trong đó Việt Nam là một trong những thị trường mà tập đoàn này đánh giá là tiềm năng và sôi động. Tập đoàn hỗ trợ các doanh nghiệp và thương hiệu phát triển trong các ngành có tốc độ tăng trưởng ổn định hàng năm như ngành hàng tiêu dùng, chăm sóc sức khỏe, hóa chất và kỹ thuật công nghệ.

Chiến lược mở rộng sự hiện diện của DKSH là thông qua các thương vụ mua lại các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị (mua lại doanh nghiệp phân phối của Auric Pacific tại Malaysia và Singapore; mua lại SPC giúp DKSH trở thành nhà cung cấp dụng cụ phân tích lớn nhất tại Thái Lan...). Trong 6 tháng đầu năm 2019, doanh thu của DKSH là 5,6 tỷ CHF (gần 5,7 tỷ USD), tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2018 nhờ tăng trưởng tự nhiên đóng góp 3,1% và các hoạt động mua bán - sáp nhập đóng góp 1,2%.

Tại Việt Nam, DKSH nắm trong tay nhiều hợp đồng cung cấp dịch vụ với các đối tác lớn như Vingroup, hợp tác với Stepan để phân phối một loạt chất hoạt động bề mặt gia dụng và chăm sóc cá nhân; DKSH từng đồng hành với P&G tại thị trường Hồng Kông, Samsung ở thị trường Đài Loan, hợp tác cùng Nestle ở nhiều thị trường…

Vậy tại sao thị trường MES tiềm năng, nhưng số lượng doanh nghiệp tham gia cung cấp dịch vụ này lại đếm trên đầu ngón tay, chủ yếu là các tập đoàn đa quốc gia, còn “thuần Việt” chỉ có Digiworld? Nguyên nhân chính, theo các chuyên gia, là bởi rào cản tự nhiên trong ngành - đòi hỏi sự hiểu biết về thị trường, ngành hàng, pháp lý, văn hoá địa phương, khả năng phát triển hệ thống phân phối, kho bãi, nguồn lực nhân sự, tài chính và khả năng quản trị. Hội tụ đủ các yếu tố này mới có thể cung cấp đầy đủ dịch vụ trong chuỗi giá trị MES.

Thay vì phải tự xây dựng hệ thống phân phối, tổ chức đội ngũ bán hàng, tự nghiên cứu thị trường và marketing vốn mất thời gian và chi phí đầu tư, thì các doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực tiêu dùng nhanh (FMCG), dược phẩm, chăm sóc sức khoẻ... thường sử dụng dịch vụ MES thuê ngoài để tận dụng các lợi thế từ đơn vị cung cấp dịch vụ. Đây cũng lý do mà các “ông lớn” như P&G, Samsung, Xiaomi, Nestle... dù đủ nguồn lực nhưng vẫn sử dụng dịch vụ MES.

Đối với Digiworld, trong quá trình đồng hành cùng các nhà sản xuất ICT đưa sản phẩm tới người tiêu dùng tại Việt Nam, Công ty luôn cung cấp nhiều giải pháp giá trị gia tăng, mang lại lợi thế cạnh tranh cho khách hàng. 

Với kinh nghiệm và sự hiểu biết sâu sắc về thị trường nội địa, tới nay, Digiworld đã triển khai nhuần nhuyễn toàn bộ chuỗi giá trị từ phân tích thị trường, tiếp thị, nhập khẩu và kho vận, bán hàng, hậu mãi. Qua đó, tạo dựng được sự tin tưởng với các đối tác, tạo mạng lưới phân phối cho phép các đối tác tối đa hóa doanh thu bán hàng và tăng thị phần. Bởi lẽ đó, Digiworld được nhiều thương hiệu lớn như Dell, HP, Lenovo, Acer, Asus, Wiko, Obi Worldphone, Intex, Eaton, HTC VIVE, Xiaomi, Nestle, PNkids… “chọn mặt gửi vàng”.

Con đường phát triển bền vững

Nhìn vào mô hình hoạt động mà Digiworld đang theo đuổi, có thể nhận thấy nét tương đồng với con đường của DKSH. Trước hết là lĩnh vực mà cả hai đơn vị này lựa chọn đều nhắm đến ngành có dư địa tăng trưởng lớn, thiết yếu… như hàng tiêu dùng nhanh và chăm sóc sức khoẻ. Điều này cũng thể hiện chiến lược kinh doanh mà CEO Digiworld từng chia sẻ “Going where the growth is” - nhảy vào những gì đang tăng trưởng và trong mỗi ngành luôn có ngách riêng phù hợp với từng doanh nghiệp.

Năm 2018, Digiworld chính thức cung cấp dịch vụ MES cho ngành hàng tiêu dùng nhanh và chăm sóc sức khỏe. Theo báo cáo mới nhất của MBKE, FMCG có quy mô gần 30 tỷ USD, trong đó quy mô thị trường của dịch vụ MES được dự báo đạt 11 tỷ USD vào năm 2020, với mức tăng trưởng kép bình quân hàng năm đạt 11% (cao hơn mức tăng trưởng của FMCG 1 điểm phần trăm). Bức tranh phân phối của ngành hàng này được chiếm lĩnh bởi hơn 1,5 triệu cửa hàng thuộc kênh truyền thống (chiếm 83%). Số lượng cửa hàng hiện đại vẫn khá khiêm tốn với khoảng 4.000 cửa hàng. Chiếm lĩnh thị phần MES trong ngành này vẫn là DKSH.

Với thị trường chăm sóc sức khỏe, IMS dự báo tăng trưởng kép bình quân hàng năm đạt 10,6% cho giai đoại 2017 - 2021, quy mô thị trường có thể đạt 7,8 tỷ USD vào năm 2021. Trong khi đó, bức tranh phân phối trong ngành hàng này hiện đang rất phân mảnh với hơn 550 nhà phân phối lớn nhỏ. Dịch vụ MES ở Việt Nam cho ngành hàng chăm sóc sức khỏe được dự báo có tốc độ tăng trưởng đứng thứ 2 trong khu vực. Đối thủ cạnh tranh lớn nhất vẫn là DKSH, tiếp đến là Zuelig Pharma. Digiworld định vị mình ở Top 3 trong lĩnh vực này.

Có ý kiến cho rằng, Digiworld đang lựa chọn mô hình của DKSH, nhưng DKSH hiện là đơn vị có tiếng trong lĩnh vực phân phối hàng tiêu dùng và dược phẩm, còn Digiworld thì mạnh ở mảng ICT, còn mảng FMCG và chăm sóc sức  khỏe vẫn đang có quy mô nhỏ.

Điều này cũng dễ hiểu, bởi Digiworld xuất phát điểm là nhà phân phối bán buôn thuần túy các mặt hàng kỹ thuật về thiết bị văn phòng, máy tính xách tay, điện thoại di động. Trong quá trình hình thành và phát triển, năm 2016, Digiworld đã dần hoàn thiện nền tảng MES để đáp ứng tốt nhất cho nhu cầu của khách hàng và là cơ sở để mở rộng thêm các ngành hàng khác. Và điểm sáng mà nhà đầu tư có thể nhìn vào là sự chuyển động tích cực ở các chỉ tiêu tài chính như biên lợi nhuận gộp cải thiện, doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng từ khi Digiworld chuyển đổi mô hình kinh doanh từ phân phối thuần túy sang cung cấp dịch vụ MES.

Digiworld cũng có trong tay hợp đồng với các đối tác lớn trong hai lĩnh vực mới, đó là PNKids - một thương hiệu kẹo dẻo (gummy) cung cấp vitamin của Incontech, đồng thời hợp tác chiến lược với Nestlé Việt Nam, đã ký hợp tác chiến lược phát triển thị trường cho sản phẩm dinh dưỡng y học (quy mô thị trường khoảng 7.000 tỷ đồng năm 2018).

Năm 2018, giới đầu tư vẫn chưa thực sự tin tưởng vào “lối rẽ” của Digiworld, nhưng kết quả kinh doanh cải thiện mạnh qua từng quý đến nay đã phần nào chứng minh sự lựa chọn của Digiworld là đúng đắn và phát huy hiệu quả.

6 tháng đầu năm 2019, Digiworld đạt doanh thu thuần hơn 3.378 tỷ đồng, tăng gần 28% và lợi nhuận sau thuế 60,8 tỷ đồng, tăng 46% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, các mảng kinh doanh đều tăng trưởng, ấn tượng là ngành hàng tiêu dùng tăng 170% nhờ hợp đồng ký với Nestlé đầu năm.

Một điểm tương đồng khác của Digiworld với DKSH là chiến lược M&A nhằm tăng sự hiện diện và phát triển nhanh. Ngay từ cuối năm 2017, Digiworld đã hoàn tất thương vụ mua chi phối 50,53% cổ phần tại CL thông qua công ty con là Digiworld Venture. CL là đơn vị chuyên phân phối các sản phẩm FMCG cao cấp của Lion - tập đoàn FMCG hàng đầu Nhật Bản với doanh thu 3,4 tỷ USD. Danh mục sản phẩm của Lion đa dạng từ chăm sóc răng miệng, chăm sóc thân thể, chăm sóc quần áo, chăm sóc nhà cửa, bếp và đồ bếp, các sản phẩm chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp khác.

Theo kế hoạch, Digiworld sẽ thực hiện M&A một số công ty trong chuỗi cung ứng dịch vụ, hướng đến là nhà cung cấp dịch vụ MES hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực ICT và hàng tiêu dùng.      

Phan Hằng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục